Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn
Mỗi đứa con vốn dĩ là điều tuyệt vời và quý giá nhất đối với cha mẹ. Bảo vệ và nâng niu món quà quý giá nhất của tạo hóa cũng là điều hiển nhiên. Đặc biệt đối với những ông bố bà mẹ có trẻ sinh non hoặc từng mất con hay rất khó khăn để có một đứa con. Trải nghiệm lo lắng sợ hãi này của chính đứa bé và gia đình có thể dẫn đến Hội chứng trẻ Dễ bị tổn thương sau này. Nhiệm vụ bảo vệ từng ly từng tý cho sinh linh bé bỏng vào những ngày đầu đời ấy là tối quan trọng. Nhưng hãy dần dần mở từng lớp khiên chắn bảo vệ của cha mẹ để trẻ tự tin bước vào đời với thể chất khỏe mạnh, sự tự tin vào khả năng của chính, sẵn sàng trải nghiệm cuộc đời phong phú như bao đứa trẻ khác.
Hội chứng trẻ Dễ bị tổn thương (Vulnerable child syndrome) là một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến cả trẻ em và bố mẹ. Hội chứng này phát triển khi đứa trẻ bị đe dọa tính mạng trong thời kỳ sơ sinh. Chẳng hạn như sinh non, các vấn đề sơ sinh hoặc một căn bệnh khiến bố mẹ lo lắng và sợ hãi về sức khỏe của con mình, ngay cả khi đứa trẻ đang phát triển tốt và lớn lên lành mạnh. Hội chứng trẻ dễ bị tổn thương là một phản ứng cực đoan mà cha mẹ nghĩ họ phải trông chừng và bảo vệ con mình cẩn thận hơn những đứa trẻ "khỏe mạnh" khác. Những phản ứng kiểu này đối với các sự kiện căng thẳng xảy ra trong quá trình sinh nở hoặc xuất viện có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý và tình cảm lâu dài cho gia đình.
Hành vi nuôi dạy con cái có thể dẫn đến Hội chứng trẻ Dễ bị tổn thương
Một số hành vi có thể khiến trẻ có nguy cơ hướng đến hội chứng trẻ dễ bị tổn thương:
Bố mẹ luôn lo lắng cho sức khỏe của con và nghĩ rằng điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra với con mình.
Đưa con đi khám bệnh liên tục vì nghĩ có gì đó không ổn.
Không cho con ở gần người khác vì bố mẹ không muốn con lây nhiễm vi trùng hay mắc bệnh từ họ.
Không cho con tham gia hoạt động với những đứa trẻ khác vì sợ con sẽ bị thương
Không muốn ai khác chăm sóc con ngoài bố mẹ, vì họ không tin ai đó có thể bảo vệ con tốt như cách họ làm.
Sợ kỷ luật con mình vì không muốn làm con khó chịu và khiến con bệnh.
Trẻ sinh non và Hội chứng trẻ Dễ bị tổn thương
Một đứa trẻ sinh non sẽ nhỏ hơn, mỏng manh hơn em bé chào đời gần đúng ngày dự sinh. Hiển nhiên là bố mẹ sẽ rất lo lắng. Nhưng dù sao, điều này cũng thực sự kinh khủng, vì con họ phải vào lồng kính dành cho trẻ trẻ sơ sinh (NICU) hoặc được gửi lại khoa sơ sinh chăm sóc đặc biệt .
Một em bé sinh non cần được theo dõi chặt chẽ hơn trong vài tháng đầu tiên. Vì thế, bố mẹ vẫn rất lo lắng cho bé trong vài tuần hoặc vài tháng đầu sau khi xuất viện. Tuy nhiên, hầu hết các trẻ sơ sinh đều phát triển rất tốt khi chúng bắt đầu lớn và có thể sớm được coi là trẻ sơ sinh bình thường, khỏe mạnh.
Nếu em bé có biểu hiện tốt sau vài tháng về nhà, cha mẹ nên dần cảm thấy tốt hơn và bớt lo lắng hơn. Thay vào đó, nếu thời gian trôi qua, sự lo lắng trở nên quá mức và các ông bố bà mẹ trở nên bảo vệ quá mức, nó có thể có tác động tiêu cực đến cách một đứa trẻ lớn lên và phát triển.
Có một điểm là khi càng cố gắng bảo vệ và che chắn chúng khỏi nguy hiểm, bệnh tật thì hành động này lại càng trở nên có hại và không lành mạnh cho cả đứa trẻ và cha mẹ.
Còn có trường hợp khác dẫn đến Hội chứng trẻ Dễ tổn thương nữa không?
Sinh non không phải là tình trạng duy nhất khiến cha mẹ cảm thấy sợ hãi tột cùng. Những tình huống khác có thể dẫn đến bảo vệ quá mức và lo lắng quá mức bao gồm:
Con của cha mẹ từng bị sẩy thai
Con của những bậc cha mẹ có vấn đề về sinh sản và khó khăn trong việc xây dựng gia đình
Con cái của cha mẹ từng bị mất con
Con cái của cha mẹ bị lo âu hoặc trầm cảm
Những đứa trẻ đã trải qua một ca sinh nở đau đớn
Trẻ em bị bệnh thời thơ ấu
Hội chứng trẻ Dễ bị tổn thương ảnh hưởng đến trẻ như thế nào
Nếu lớn lên trong vòng tay bảo bọc của gia đình quá nhiều, đứa trẻ sẽ trở nên sợ hãi thế giới. Chúng hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, chúng có lòng tự tôn thấp vì chưa bao giờ tự mình hoàn thành bất cứ điều gì. Vì vậy, những đứa trẻ này thường không tự tin vào chính mình.
Khi lớn lên, chúng chỉ phát triển về mặt thể chất mà không có cơ hội phát triển bình thường về mặt tâm lý, kĩ năng sống. Vì vậy, chúng có thể sẽ gặp khó khăn trong các tình huống xã hội. Những đứa trẻ dễ bị tổn thương thường gặp rắc rối ở trường, hoặc không có thành tích học tập tốt. Chúng ngủ không ngon, hay mắc bệnh. Còn cha mẹ thì cảm thấy tội lỗi khi đặt ra giới hạn hoặc trừng phạt con vì họ tin rằng con mình bị bệnh.
Việc thiếu các giới hạn thích hợp cho trẻ em có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi khi đứa trẻ lớn lên.
Hội chứng trẻ Dễ bị tổn thương ảnh hưởng đến cha mẹ như thế nào
Hội chứng trẻ dễ bị tổn thương không chỉ có tác động bất lợi đến trẻ. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của bố và mẹ:
Các bậc cha mẹ có thể khó nhận ra rằng, con của họ vốn chỉ dễ bị tổn thương lúc mới chào đời thôi. Khi lớn lên thì đứa con đã khỏe mạnh và phát triển bình thường rồi. Nhưng mà họ vẫn thấy con mình vẫn còn nhỏ bé mong manh và dễ mắc bệnh.
Cuộc sống của cha mẹ giờ đây chỉ có con, cha mẹ sẽ làm tất cả để bảo vệ con. Họ thường không an tâm khi để đứa trẻ với người trông trẻ hoặc ông bà. Vì vậy, họ luôn túc trực bên con, chỉ cần nghĩ đến chuyện xa con, họ cũng có thể lo lắng nghiêm trọng. Cha mẹ rất dễ đánh mất chính mình và bắt đầu sống chỉ vì con mình mà thôi.
Cha mẹ lo lắng từng điều nhỏ nhặt. Họ thường đưa em bé đến phòng khám bác sĩ hoặc phòng cấp cứu vì những vấn đề nhỏ xíu.
Cha mẹ ngủ không ngon giấc. Họ có thể thức dậy nhiều lần trong đêm để kiểm tra đứa trẻ.
Những bậc cha mẹ thấy con mình dễ bị tổn thương có thể bị căng thẳng liên tục.\
Cách ngăn ngừa Hội chứng trẻ Dễ bị tổn thương
Để ngăn ngừa hội chứng trẻ dễ bị tổn thương, cha mẹ cần bắt đầu hiểu con. Bạn càng biết nhiều, bạn càng có thể chú ý đến suy nghĩ và hành vi của mình về con mình. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không còn lo lắng, nhưng bạn có thể dừng lại và suy nghĩ xem bạn có nên giữ con lại vì nguy hiểm thực sự hay chỉ vì nỗi sợ hãi của chính bạn.
Dưới đây là một số cách để ngăn chặn nỗi sợ hãi của bạn mà nó cản trở sự phát triển của đứa trẻ:
Thảo luận với bác sĩ của con về những lo lắng của bạn. Đội ngũ y bác sĩ chăm sóc sức khỏe của con bạn có thể cung cấp cho bạn thông tin sức khỏe mới nhất về đứa trẻ. Họ có thể tư vấn cho bạn về những gì con bạn có thể và không thể chịu đựng dựa trên tình hình hiện tại.
Nói chuyện với chuyên gia tư vấn về sự lo lắng của bạn, tiền sử của bạn và của con bạn. Cố gắng tìm ra lý do đằng sau sự lo lắng của bạn và giải quyết nó. Điều này có thể giúp bạn đối phó với nó trong tương lai.
Cố gắng ngăn cản nỗi sợ hãi của bạn khi để con ở cùng với người khác.
Đối xử với con như một đứa trẻ bình thường. Dù sinh ra sớm hơn trẻ đủ tháng, nhưng khi lớn lên, con cũng sẽ khỏe mạnh giống như bao đứa trẻ khác. Ngay cả khi cần dùng thuốc, con bạn vẫn uống với liều lượng như mọi đứa trẻ khác.
Hãy để con bạn tham gia hoạt động với những đứa trẻ khác.
Nuôi dạy những đứa trẻ sinh non
Lo lắng là chuyện bình thường của việc nuôi dạy con cái. Bạn yêu con, bạn không muốn bất cứ điều gì xảy ra với con. Và quả thực sẽ thật khó khăn nếu con bạn sinh non vì lúc mới ra đời sinh linh ấy quả thật là nhỏ bé, yếu ớt nên dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, khi con bạn lớn lên, điều quan trọng là bạn phải giúp con trải nghiệm thế giới và cho phép con bắt đầu tự làm mọi việc, ngay cả khi con vẫn có nhu cầu thuốc thang y tế. Bạn sẽ vẫn ở đó nếu con bạn cần bạn, chỉ là không ngăn cản con học hỏi và khám phá, cũng như không nhảy vào làm mọi thứ thay con.
Vâng. Con bạn có thể va chạm và bầm tím hết lần này đến lần khác. Nhưng con sẽ được vui vẻ, tận hưởng những trải nghiệm khác nhau và ghi lại những kỷ niệm. Con sẽ phát triển các kỹ năng xã hội và tự tin với chính mình. Ban đầu có thể khó khăn, nhưng khi bạn quan sát con học cách xử lý điều tốt và điều xấu, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi biết rằng, bạn đang giúp con mình phát triển hết khả năng của mình theo cách lành mạnh nhất có thể.
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết Tại Việt Nam
Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:
Bây giờ tôi có phải là tôi không?
Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?
Nếu bạn đang ở ngay chính giai đoạn bị thách thức bởi những câu hỏi này thì xin chúc mừng bạn: Bạn đã khởi động hành trình chuyển hóa bản thân. Bạn đang khát khao tìm hiểu mình, muốn thay đổi phát triển bản thân, quyết tâm trở thành phiên bản mới phát tốt đẹp hơn của chính mình.
Bạn không lẻ loi đơn độc trong thách thức này vì đây là khát vọng cháy bỏng của tất cả mọi người - BECOMING ME. Hãy đến cùng Compassion và những bạn đồng hành cùng chung mục đích này trong chương trình workshop “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“
Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellfamily.com/vulnerable-child-syndrome-and-premature-babies-4147150
Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Thiên Ý ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Comments