top of page
TranThiCaDao

Việc Quan Sát Thật Kỹ Cách Chúng Ta 'Phán Xét' Người Khác - Sẽ Giúp Chúng Ta Hiểu Bản Thân Hơn

Bạn có phải là người vẫn chưa tìm thấy niềm vui trong công việc, hay chưa thấy hạnh phúc với con đường sự nghiệp mình đang đi? Đã bao nhiêu lần từ lúc chọn lựa các ngành học cho tới lúc chọn lựa việc làm, cho dù bạn thấy mình cũng có thích thứ này một chút hay cũng muốn làm công việc kia, nhưng rồi dường như vẫn có điều gì không đúng?


Bạn có thể tiếp tục chơi đùa với thời gian và hi vọng những phép thử-và-sai sẽ dẫn dắt bạn đến đúng nơi, hoặc đơn giản hơn, đọc bài viết sau đây để có thể tìm thấy những động lực cốt lõi – thứ thúc đẩy các hành động và cảm xúc của bạn một cách vô thức, thứ mà nếu bạn biết cách lắng nghe và đi theo chúng, bạn sẽ có nhiều cơ hội và khả năng sớm tìm thấy loại công việc phù hợp cho mình.

“Hãy khám phá những động cơ nhỏ bé bên trong bạn,” - hai nhà khoa học xã hội của trường Cao học về Giáo dục thuộc Đại học Harvard là Todd Rose và Ogi Ogas nói rằng - “cái tập hợp những điều cực kỳ cụ thể khiến cho trái tim cá biệt của bạn rộn ràng đó, chính là chìa khóa để bạn tìm thấy sự đủ đầy và thành công trong công việc.” Và có một cách thú vị để nhận diện những động cơ này đó là: quan sát cách đánh giá những người khác của chính mình.

Todd Rose và Ogi Ogas là hai nhà khoa học xã hội thuộc trường Cao học về Giáo dục của Đại học Harvard, cùng nghiên cứu về những chú ngựa ô - dark horses” - những chú ngựa giành chiến thắng trong cuộc đua dù chỉ có tỉ lệ cược thấp, những chú ngựa có thể vượt lên về đích khi không ai để ý. Chú ngựa ô đó có thể là một nghệ sĩ opera hay một nhà huấn luyện chó, một nhà tạo mẫu tóc hay một nhà ngoại giao… hoặc có thể là một chuyên gia về rượu, một người thợ mộc, diễn viên rối, kiến trúc sư, kỹ thuật viên ướp xác, kiện tướng cờ, nữ hộ sinh, chuyên viên bảo tồn nghệ thuật, nhà thiên văn học, kiến trúc sư cảnh quan. (Và đó chỉ là một vài trong số những người mà Rose và Ogas đã phỏng vấn trong Dự án Ngựa Ô” của họ.) Trong quyển Dark Horse: Achieving Success Through the Pursuit of Fulfillment, Rose và Ogas viết: “Những người có năng lực tiềm ẩn có cá tính cũng đa dạng và không thể đoán trước giống như bạn có thể tìm thấy trong bất kì mẫu người ngẫu nhiên nào.” Tuy nhiên, “có một sợi dây chung gắn kết tất cả họ lại với nhau: những chú ngựa ô đều viên mãn.”


Vậy, bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm sự viên mãn cho bản thân mình như thế nào? Trong công trình nghiên cứu của mình, Rose và Ogas đã xác định được bốn yếu tố tối quan trọng của sự viên mãn, bao gồm một nhân tố hấp dẫn mà họ gọi là micro-motives - những động cơ vi mô. Những nét tiêu biểu nhỏ bé nhưng rất quan trọng này có khả năng là đầu mối dẫn đến phiên bản tốt nhất của chính bạn. Và sau đây là cách để bạn tìm thấy nó:


Động cơ cá nhân chứa những cảm xúc cốt lõi bên trong bạn. Điều bạn mong ước và cả điều bạn không mong ước sẽ định nghĩa bạn là ai theo một cách thức độc đáo và mang tính cá nhân sâu sắc. Khi các hoạt động mà bạn thực hiện phù hợp với những động cơ thật sự bên trong bạn, hành trình của bạn sẽ trở nên cuốn hút và mãn nguyện hơn. Còn nếu bạn đánh giá sai hay bỏ qua các động cơ này, hành trình đó sẽ khó khăn và buồn chán, hoặc bạn có thể sẽ từ bỏ toàn bộ con đường. Bạn phải biết chính xác điều gì thổi cơn gió vào cánh buồm của bạn, và không nên để bị kích động bởi điều mà người khác nghĩ. Đó là lý do tại sao, yếu tố chủ chốt trong cách tư duy của “những chú ngựa ô” chính là việc hiểu biết các động cơ vi mô bên trong của bản thân mỗi người. Hãy xem câu chuyện của Saul Shapiro tiếp theo đây.


Khi Saul bắt gặp thứ gì đó xộc xệch không như ý, như cái bánh xe bị lỏng của xe đẩy siêu thị hay một khung ảnh bị nghiêng, thì như có một sợi dây vô hình kéo tâm trí anh vào việc điều chỉnh các chi tiết cho đến khi chúng vuông vức và ngay ngắn.

CHUYỆN CỦA SAUL SHAPIRO


Saul có một động cơ hành động có vẻ khác thường: anh thích tự tay sắp xếp các vật thể hay món đồ cho ngay hàng thẳng lối. Khi anh bắt gặp thứ gì đó xộc xệch không như ý, như cái bánh xe bị lỏng của xe đẩy siêu thị hay một khung ảnh bị nghiêng, thì như có một sợi dây vô hình kéo tâm trí anh vào việc điều chỉnh các chi tiết cho đến khi chúng vuông vức và ngay ngắn. Bạn sẽ không tìm thấy cái động-lực-thôi-thúc-phải-sắp-xếp-các-thứ này ở bất kì một danh sách nào trong lĩnh vực các loại động cơ hành động, ngoại trừ đối với Saul, cái động lực này trong anh là bẩm sinh, tiềm năng và mang tính cá nhân sâu sắc.


Một trong những kí ức vui vẻ nhất của Saul khi học đại học đó là khi một giảng viên thiết kế hướng dẫn cả lớp cách đục một khối cầu từ một khối gỗ bằng tay. Saul trở nên bị ám ảnh. Sau khi khắc một quả cầu thô, anh đặt nó vào cái túi mà anh thường mang theo mỗi khi đi đâu. Cả ngày, anh đặt tay vào trong túi để cảm nhận những chỗ không đều, rồi dùng giấy nhám để làm nhẵn chúng. Công việc xóa đi những chỗ chưa hoàn hảo làm cho anh thấy hài lòng. Khi Saul nộp lại quả cầu, nó đã vô cùng hoàn hảo đến nỗi giáo viên của anh không tin là anh đã không dùng tới công cụ máy.

Bạn có thể nghĩ rằng điều đó thật là hay… nhưng loại nghề nghiệp nào có thể khai thác cái động lực nhỏ bé này? Làm bác sĩ nha khoa thẩm mỹ là một khả năng, với nhiệm vụ chính là canh chỉnh hàm răng của bệnh nhân. Một khả năng khác là kĩ sư điện - là nghề mà Saul đã chọn. Anh đã được tuyển vào vị trí kĩ sư xử lý vấn đề kĩ thuật khó khăn: tạo ra một giao diện vật lý có thể chuyển đổi một tín hiệu điện trên sợi dây đồng kiểu cũ thành một tín hiệu la-de trên dây cáp quang mới phát minh. Việc này đòi hỏi phải sắp xếp canh chỉnh chính xác một con chíp bán dẫn có kích thước bằng một hạt cát với một sợi quang có bề rộng bằng sợi tóc người, và sự sắp xếp này phải chính xác trong phạm vi một phần mấy của một micron.


Saul cuối cùng đã thành công, và giao diện của anh đã được ứng dụng rộng rãi khắp ngành công nghiệp viễn thông. Nó cũng đem lại lợi nhuận cho công ty anh, trong khi anh chỉ nhận được một phần thưởng nhỏ. Sự không thỏa đáng này khiến anh tự hỏi về vai trò của mình. “Tôi có thể thấy những người với bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh thực hiện các bài thuyết trình, họ kiếm được rất nhiều tiền hơn tôi và còn điều hành công ty,” anh nói. “Tôi bắt đầu nghĩ cho bản thân. Có lẽ tôi nên là một trong số đó.”


Thế là anh bỏ dở sự nghiệp kĩ sư đầy niềm vui và chuyển sang làm quản lý cấp trung. Nhưng những động lực nhỏ bé mà anh có đã không thích hợp với vai trò mới này của anh; việc giám sát những người khác không làm cho anh vui vẻ và anh không thích thú với việc xây dựng các mối quan hệ, việc trình bày ý tưởng với những người khác, hay thuyết phục họ về một quan điểm của bản thân. Những động cơ vi mô tiềm năng nhất của anh đó là làm việc với đôi tay, sửa chữa với dụng cụ phụ tùng và cơ cấu, làm những bài tính toán, làm việc một mình, sắp đặt các vật thể ngay ngắn... đã gần như không được dùng đến khi anh là một quản lý.


Saul đã dành 16 năm sau đó đi qua những thăng trầm (mà hầu hết là “trầm”) với vị trí quản lý cấp trung ở các tổ chức truyền thông và công nghệ. Khi gần 50 tuổi, anh không thể tìm được việc nữa nhưng anh cũng không thể quay lại với nghề nghiệp trước đây vì kiến thức kĩ thuật của anh đã trở nên lỗi thời. Ở tuổi 53, anh làm bán thời gian tại công ty H&R Block xử lý thuế cho khách hàng với mức lương $10 một giờ. Chẳng những anh không cảm thấy hài lòng, mà anh còn không thể kiếm được nhiều tiền – không khác cái tình trạng đã khiến anh thay đổi sự nghiệp lúc ban đầu.


Một điều vẫn còn có nhiều ý nhĩa với anh đó là việc được tự mình làm chủ. Vì không muốn xây dựng một việc kinh doanh từ đầu, anh đã gặp gỡ một nhà môi giới nhượng quyền, và được giới thiệu những sản phẩm kinh doanh nhượng quyền chi phí phải chăng như là dịch vụ môi giới việc làm và hay dịch vụ chăm sóc người già, là những sản phẩm kinh doanh có thể mua được ở New York.


Một nhượng quyền thương mại có tiềm năng đáng ngạc nhiên mà Saul để ý đến đó là dịch vụ sửa và bọc đồ nội thất. Cho dù không có kinh nghiệm với lĩnh vực đó, anh nhận ra rằng thành công tùy thuộc vào năng lực căn chỉnh các tấm vải và miếng vá, một quy trình mà anh biết anh sẽ vui thích làm. Anh sẽ có thể dùng đôi tay mình và có thể nhìn thấy thành quả lao động của mình ngay lập tức. Anh có thể làm việc tại nhà và vì vậy anh không cần phải mở một cửa tiệm, và vì anh có thể tự mình làm các việc nên anh cũng không cần phải trông chừng các công nhân.

Vào năm 2013, Saul mở một tiệm dịch vụ sửa và bọc nội thất nhượng quyền ở Manhattan. Anh thành thạo việc kinh doanh, và giờ đây khách hàng của anh là các chương trình Broadway, những người nổi tiếng trên truyền hình và các khách sạn ở khu Time Square. “Những người biết tôi rõ nhất hẳn sẽ đồng ý rằng giờ đây tôi đang hạnh phúc với công việc này hơn tất cả những gì mà tôi đã từng làm trong sự nghiệp của mình,” anh nói. “Tôi tận hưởng những gì tôi làm gần như mỗi ngày và tôi được đảm bảo về tài chính. Cuối cùng, tôi đã hiểu được cách làm sao để "căn chỉnh cho khớp” việc sinh kế với tương lai của mình.”


Saul đã khám phá ra những động cơ vi mô của bản thân bằng những năm chịu đựng các công việc không phù hợp. Dù tốt hay xấu hầu hết chúng ta sẽ không có được những “thử nghiệm” như thế để biết được động cơ vi mô của mình là gì. May mắn là, bạn có thể tận dụng một hoạt động bản năng mà bạn vẫn thực hiện mỗi ngày, để nắm bắt được những động cơ vi mô bị chôn vùi bên trong bạn và lôi chúng ra ánh sáng. Chúng tôi gọi đó là: “trò chơi phán xét.”


Mục tiêu của bạn trong trò chơi phán xét này đó là sử dụng các phản ứng bản năng của bạn đối với người khác để nhắm vào những sợi dây dẫn này và cố gắng truy tìm nguồn phát của chúng.

TRÒ CHƠI PHÁN XÉT

Có bao nhiêu lần bạn đưa ra nhận xét hay đánh giá về ai đó trong một tuần vừa qua: về một đồng nghiệp, một phát thanh viên ti-vi hay phóng viên truyền hình, về một người lạ trong hàng chờ thanh toán? Xem nào, bạn đang chuẩn bị sử dụng những phản ứng không chọn lọc đó để học điều gì đó về bản thân mình. Những động cơ vi mô trong bạn được tạo ra từ những cảm xúc cội rễ sâu thẳm, là thứ bao gồm những ưu ái tinh tế, những ước muốn ngay thật và những khao khát riêng tư. Mục tiêu của bạn khi chơi “trò chơi phán xét” là sử dụng các phản ứng bản năng của bạn đối với những người khác để nhắm vào những sợi dây dẫn này và cố gắng truy tìm nguồn phát của chúng.


Có 3 bước trong “trò chơi phán xét”. Đầu tiên, tập ý thức về những khoảnh khắc khi bạn đang đánh giá ai đó. Tất cả chúng ta đều làm chuyện này suốt. Việc phản ứng với những người khác là bản chất tự nhiên của con người, bất kể đó là một người đưa thư, một sĩ quan cảnh sát, nhân viên xoa bóp trị liệu, người hàng xóm, phục vụ cửa hàng hay ai đó trên bìa tạp chí. Phát triển một sự nhận thức về việc lúc nào là lúc bạn đang phán xét, để bạn có thể chú ý một cách có ý thức đến phản ứng của mình.

Bước thứ hai, xác định những cảm xúc xuất hiện khi bạn phán xét ai đó. Làm sao để biết khi nào thì bạn sắp chạm tới một động cơ vi mô? - Đó là khi bạn có một phản ứng rõ rệt. Không quan trọng đó là phản ứng tích cực hay tiêu cực, là ca ngợi hay chỉ trích, chỉ cần đó là những cảm xúc thật mạnh. Hãy nhớ, bạn đang cố gắng để tiếp xúc với lõi cảm xúc nguyên bản của mình.


Cuối cùng, hãy hỏi bản thân bạn tại sao lại có những cảm xúc này. Nhớ rằng: bạn phải thành thật. Lời cảnh báo của nhà tâm lý học Richard Feynman đã nói lên tất cả: “Bạn không được lừa dối bản thân – và người dễ bị lừa nhất chính là bạn.” Tập trung vào việc bạn muốn gì cũng như bạn sẽ ghét gì nếu bạn có cuộc sống giống như họ… Chẳng hạn như, nếu bạn xem một buổi phỏng vấn người nổi tiếng mà thấy mình đang có ý nghĩ rằng, “Sao người ta có thể thật sự hạnh phúc khi đuổi theo sự giàu có hay danh tiếng?” thì khi đó bạn biết rằng, tiền bạc và sự tung hô chắc có lẽ không phải là những động lực gây tác động mạnh đối với bạn.


Mặt khác, nếu bạn phản ứng với câu chuyện của Saul Shapiro với cách nghĩ, “Thôi nào … anh chàng đó là thợ bọc bàn ghế. Đừng nói như thể là anh ta thành công!” thì nghĩa là bạn đã học được điều gì đó có giá trị về những động cơ nhỏ bé bên trong bạn. Địa vị và sự ca tụng là cực kỳ quan trọng đối với bạn. Điều đó tốt thôi; hãy giữ lấy nó. Để đạt đến sự thỏa mãn, bạn cần phải trung thực với thứ thắp lên ngọn lửa bên trong bạn – bất kể đó có thể là gì.


Phần khó nhất đó là chống lại cái ý thức rằng chúng ta nên nghe theo một vài động cơ, như là tiền bạc hay việc giúp đỡ người khác. Điều này có thể khiến ta kềm nén hay xem thường những động lực nhỏ bé của riêng mình. “Trò chơi phán xét” có thể giúp bạn phá vỡ lời nguyền này, chỉ cần bạn để ý và xác định rõ. Nếu bạn đánh giá tích cực về một người kiểm lâm, ban đầu có thể bạn sẽ nghĩ, “Ở bên ngoài và có cảnh thiên nhiên vây quanh cả ngày thật là tuyệt vời.” Hoặc nếu đánh giá một người đòi nợ, phản ứng của bạn có thể là, “Ôi trời, mình rất sẵn lòng đuổi theo các con nợ và buộc họ phải xì tiền ra.”


Đừng dừng lại ở đó! Hãy tiếp tục sàng lọc các cảm xúc của bạn cho đến khi đi được thật xa nếu có thể. Như trường hợp với người kiểm lâm, bạn có thể cũng nhận ra, “Mặc dù ở ngoài trời thì chắc là tuyệt, nhưng đây có vẻ như là một công việc cô đơn. Mình không nghĩ là mình có thể chịu được sự cô lập mỗi ngày này.” Và như thế là bạn đã xác định được hai động cơ vi mô tiềm năng: ước muốn được ở giữa thiên nhiên và mong muốn sự kết nối xã hội chắc chắn.


Hoặc, khi đánh giá người thu nợ, hãy thử xác định điều gì khiến cho tim bạn đập nhanh hơn: là cái công việc đuổi theo những kẻ trốn nợ, hay là hành động bắt họ phải trả tiền? Có phải có cái gì đó về chuyện: việc đi-bắt-những-kẻ-đang-cố-tránh-bị-bắt là thứ đem lại năng lượng cho bạn? Hay có phải là điều gì đó, về việc trở thành một đại diện cho “lối chơi đẹp” và thực thi công lý khi không ai khác có thể làm được? Các chi tiết luôn quan trọng để biết được những động lực vi mô của bạn là gì.


Hãy nhớ kĩ, mục đích của “trò chơi phán xét” không phải là lạnh lùng đánh giá các giá trị và những thiếu sót của người khác. Hoàn toàn không phải là vì những điều đó. Mục tiêu là dùng các phản ứng cảm xúc mãnh liệt để tìm cho ra những đường khối ẩn giấu của những ước muốn riêng bên trong bạn. Bạn vừa là người chơi vừa là trọng tài trong “trò chơi phán xét” này, và chỉ bạn mới có thể biết chắc là bạn đã tìm đến tận cùng chiều sâu của một trong những động cơ vi mô của mình hay chưa.


Có thể cần chút thời gian để kĩ năng thực hành “trò chơi phán xét” trở thành phản xạ tự nhiên, nhưng nó đáng tin cậy và có hiệu quả hơn nhiều so với các bài kiểm tra động cơ hành động tiêu chuẩn. Có hàng trăm bài kiểm tra nghề nghiệp mà các chủ lao động và những người tư vấn hướng dẫn dùng để đánh giá các động lực của người lao động và sinh viên mỗi năm. Bất kể những người tạo ra các bài kiểm tra này có thể cứ khăng khăng khẳng định như thế nào, chúng không được thiết kế để giúp bạn xác định kiểu mẫu những động cơ độc đáo của bạn, mà đúng hơn là chúng làm rõ việc các phản ứng của bạn giống với phản ứng của người chuyên nghiệp bình thường đến mức nào trong một phạm vi cụ thể.


Chuẩn hóa các cách đánh giá động cơ tất sẽ diễn giải sai hoặc bỏ mất một trong những khía cạnh quan trọng nhất của các động cơ vi mô trong bạn: đó là sự hiện diện của những động cơ trái ngược nhau, như ước muốn giao tiếp với người khác và ước muốn được ở một mình, hay ước muốn tuân thủ và ước muốn nổi loạn. Khi bạn cam kết chấp nhận sự đa dạng của các động cơ vi mô của mình, tính đối nghịch nhất của chúng sẽ có thể được hóa giải, khai thác và hợp nhất vào một ý nghĩa thống nhất về mục đích.

Bài viết được trích từ quyển sách mới “Ngựa Ô: Đạt được thành công qua việc theo đuổi sự thỏa mãn (Dark Horse: Achieving Success Through the Pursuit of Fulfillment) của Todd Rose và Ogi Ogas.


VỀ TÁC GIẢ

1. Todd Rose là giám đốc của chương trình Trí tuệ, Bộ óc và Giáo dục (Mind, Brain and Education program) tại trường Cao học về Giáo dục của Đại học Harvard, nơi ông điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học Cá nhân. Ông cũng là đồng sáng lập tổ chức Populace, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho việc thay đổi cách con người sống, học tập và làm việc. Ông là tác giả của quyển sách bán chạy “The End of Average.”

2. Ogi Ogas là giám đốc của dự án “Ngựa Ô (Dark Horse Project) của Phòng thí nghiệm Khoa học Cá nhân tại trường Cao học về Giáo dục của Đại học Harvard.


---------------------------------------------------


Người dịch: Trần Thị Ca Dao; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page