"Không phải những sự kiện trong cuộc đời định hình nên chúng ta mà chính là những niềm tin của chúng ta về ý nghĩa của những sự kiện đó." ~ Tony Robbins
Có ai trong quá khứ đã truyền cảm hứng cho bạn trở thành con người mình hôm nay? Đối với tôi, đó chính là ông tôi, Charlie. Charlie lớn lên từ một cậu bé nông dân nghèo ở một thị trấn nhỏ phía Nam Carolina và cuối cùng trở thành người điều hành một công ty nằm trong danh sách 250 công ty hàng đầu của tạp chí Fortune. Ông là một đứa trẻ điển hình cho giấc mơ Mỹ, và tôi kính trọng ông vì điều đó.
Nhưng điều mà tôi ngưỡng mộ nhất chính là nhân cách của ông. Charlie luôn hài lòng với cuộc sống, bất kể hoàn cảnh như thế nào. Ông chú trọng tinh thần lãnh đạo phụng sự và đo lường giá trị bản thân dựa trên cách mình phục vụ những người khác tốt như thế nào. Ông thu hút mọi người bởi những tính cách này.
Tôi chỉ sống với ông hai mươi lăm năm, nhưng ông đã có một ảnh hưởng to lớn với cuộc đời tôi. Mặc dù tôi đã học được rất nhiều từ ông trong suốt thời gian đó, những bài học quan trọng nhất đến vào gần cuối đời ông, khi ông sắp mất.
Phần lớn đời mình, Charlie rất năng động và khỏe mạnh. Ông chơi túc cầu ở trường đại học, chơi đánh golf suốt thời trưởng thành và là một người làm vườn thuần thục (ông có một vườn hồng và cà chua rất đẹp.
Nhưng tất cả những điều đó nhanh chóng chấm dứt sau khi ông được chẩn đoán mắc bệnh ALS (được gọi là bệnh Lou Gehrig).
ALS là một căn bệnh thuộc hệ thần kinh có thể gây tử vong và không thể chữa được, biểu hiện bởi việc phần lớn các cơ trong cơ thể dần dần yếu đi. Các triệu chứng của nó gây khó khăn cho việc đi lại, nhặt đồ vật lên, và thậm chí cả hít thở.
Trong một thời gian ngắn, Charlie từ một người đang chơi golf và làm vườn đều đặn thành không thể làm được gì nhiều (ngoài việc nhìn cơ thể mình dần dần yếu đi). Ông không thể lái xe, ông cần được truyền oxy liên tục, và tự bước đi khó khăn.
Với tình trạng như ông, chắc bạn sẽ nghĩ rằng (ít nhất) ông sẽ phải tức giận, chán chường hay trầm cảm. Nhưng ông đã không như thế. Thay vào đó, ông đã là một người đàn ông vui vẻ, hài lòng mà tôi đã lớn lên cùng.
Ban đầu, tôi đã cho là ông đang giấu cảm xúc thực sự của mình để ông có thể vẫn là một người ông mạnh mẽ của gia đình. Nhưng qua thời gian, tôi nhận ra rằng ông không giả vờ về điều đó. Ông thực sự vui vẻ mặc cho tất cả những gì mà ông phải trải qua.
Là một sinh viên luật trẻ, có nhiều căng thẳng, không thể hiểu cách xử lý tình huống dù chỉ bằng một góc của ông, tôi muốn biết làm sao có thể được như vậy. Vì thế, tôi đã lấy can đảm hỏi ông.
Charlie bảo tôi rằng hạnh phúc không liên quan gì đến những hoàn cảnh của con hay việc con cảm thấy như thế nào về mặt thể chất. Hạnh phúc là về việc con là ai.
Không may thay, tôi đã không hiểu ý ông là gì. Nhưng Charlie có một cách để kết thúc những cuộc nói chuyện khi ông cảm thấy rằng mình đã nói đủ, và đây rõ ràng là một trong những khoảnh khắc đó. Vì thế, tôi im lặng và hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ hiểu ra.
Ngày đó đến chỉ vài tuần sau khi tôi giúp Charlie lái chiếc xe của bà tôi đến một trạm dịch vụ địa phương mà ông thường đến. Hôm đó trời lạnh, ảm đạm và mù sương - và Charlie đặc biệt khó khăn khi thở và bước đi.
Khi chúng tôi đến đó, người thợ cơ khí muốn đến nói chuyện với ông tôi (mà lẽ ra là một manh mối cho điều gì sẽ đến, nhưng tôi đã không chú ý). Sau khi nói chuyện vài phút, anh ấy ra ngoài để làm việc.
Charlie làm tôi hết hồn khi muốn đi theo anh ta. Khi tôi đỡ ông lên và dìu ông ra ngoài, tôi đã tự hỏi không biết việc đi theo này có phải là một ý hay không nữa và lo lắng ông sẽ bị ảnh hưởng thể chất khi đứng trong thời tiết lạnh và ẩm này.
Trong vòng bốn mươi lăm phút sau, Charlie đã đứng bên ngoài và nói chuyện với người thợ cơ khí, khi anh ta làm việc. Tôi đã phải thường xuyên nhắc lại những gì ông đã nói, bởi vì giọng ông yếu và mất đi, nhưng điều đó dường như không quan trọng. Cả hai người đàn ông đã cười lớn và vui vẻ với nhau.
Trên đường về nhà, Charlie gục đầu và tiếng thở của ông nghe rất tệ. Cuối ngày hôm đó, tôi hỏi ông rằng tại sao ông đã dùng thật nhiều năng lượng của mình để nói chuyện với một người mà ông chưa biết gì nhiều về anh ta và cũng không có điểm gì chung với anh ta.
Ông nhìn vào mắt tôi và bảo tôi rằng những điều mà ông sắp nói là rất quan trọng và tôi nên lắng nghe.
Charlie dạy tôi không bao giờ xem thường hay bất kính với mọi người dễ dàng như vậy. Ông nhấn mạnh rằng hầu hết mọi người đều thông thái và có những bài học để dạy cho chúng ta. Điều cốt lõi ở đây là ta biết cởi mở và sẵn sàng lắng nghe.
Đó là khi cuối cùng tôi đã hiểu ra.
Charlie hạnh phúc và hài lòng bởi vì cách ông nhìn bản thân, vị trí của mình trong thế giới, và thậm chí mọi người trong đó. Đối với ông, cuộc sống là về hiện hữu để phụng sự cho và trong mối quan hệ với những người khác.
Ông tôi tin rằng mỗi người đều có những món quà độc đáo để sẻ chia với thế giới, và có hai vai trò trong cuộc sống:
Hiểu đầy đủ những món quà của mình và sử dụng chúng để phụng sự cho những người khác. Cho phép những người khác sử dụng những món quà của họ vì lợi ích của mình và mở lòng để học hỏi từ họ.
Charlie tin rằng phục vụ mọi người là một phần của việc ở trong tương giao với họ. Và ông hiểu rằng phục vụ xuất hiện dưới nhiều dạng, bao gồm cả những khoảnh khắc đơn giản hàng ngày như dành thời gian và nỗ lực để nói chuyện với người thợ cơ khí khi họ sửa xe cho bạn.
Một trong những điều tôi đã học từ Charlie ngày hôm đó là hãy giữ sự hiếu kỳ về mọi người, đặc biệt là những người trông có vẻ khác biệt. Ông đã thấy rất thú vị bởi những khác biệt này và muốn biết điều gì đã thúc đẩy họ và ước mơ của họ là gì. Ông muốn nhìn thấy tâm hồn của họ.
Quan điểm này đã giúp ông nhìn mọi người như những con người có thể bị tổn thương, có những ước mơ lớn lao và có cảm xúc. Đó là điều khiến ông có thể cởi mở và chấp nhận những người khác bất kể họ là ai, họ làm gì để sống, hay cho dù những niềm tin của họ khác biệt ra sao.
Charlie cũng hiểu rằng quan hệ và kết nối với những người khác là một con đường hai chiều. Kết nối với mọi người có nghĩa là cho phép họ giúp đỡ bạn. Bạn phải sẵn sàng cho việc có khả năng bị tổn thương.
Điều thú vị về tính dễ bị tổn thương, chấp nhận sự giúp đỡ, và cho phép bản thân học hỏi từ những người khác đó là nó thật sự là một hành động phụng sự. Bằng cách mở lòng mình theo cách này, bạn đang cho phép ai đó khác hiện thực hóa và sử dụng trọn vẹn món quà của họ.
Một khi tôi đã hiểu câu trả lời đằng sau việc tại sao Charlie luôn hài lòng với cuộc sống, bất chấp hoàn cảnh của mình, một câu hỏi quan trọng đã khởi lên. Làm sao tôi có thể được như thế?
Tôi ước gì tôi đã có thể nói với bạn rằng ngay lập tức tôi đã tìm ra câu trả lời. Sự thật là, tôi đã rèn luyện nhiều năm trời để đến một lúc mà tôi cuối cùng có thể nói rằng tôi đã gần hơn với con người mà tôi muốn trở thành. Và tôi vẫn đang tiếp tục rèn luyện.
Tôi đã thử mọi thực hành về tư duy hiện có, từ những khẳng định bản thân (self-affirmations) đến tập trung vào điều tích cực. Nhiều cái đã thất bại và tất cả đều đã được điều chỉnh qua thời gian. Dưới đây là những điều hiệu quả với tôi (mà tôi vẫn làm đều đặn):
1. Khi đối mặt với những tình huống tiêu cực và căng thẳng, tôi tự nhắc mình rằng mọi trải nghiệm đều là một cơ hội cho sự trưởng thành và phát triển.
Tôi xác định điều gì có thể học được và tập trung vào đó. Nó không giống với việc luôn ở trạng thái tích cực. Nó là về việc không bị kẹt trong tiêu cực.
2. Tôi quan sát mọi người cặn kẽ khi ở những nơi công cộng và thử xác định những tình cảm và cảm nhận mà họ đang thể hiện.
Và rồi tôi đi xa hơn bằng cách tưởng tượng ước mơ của họ có thể là gì và họ sợ điều gì. Về cơ bản, tôi thấy hiếu kỳ. Thực hành này đã khiến tôi trở thành một người đọc vị mọi người theo cách trực giác hơn (điều này đã giúp tôi cả về mặt cá nhân và trong công việc). Và nó cũng đã giúp tôi chấp nhận hơn và bớt phát xét người khác và những khác biệt của họ hơn.
3. Tôi cố gắng thêm giá trị vào đời sống hàng ngày của ai đó bằng cách tử tế hay phục vụ ai đó. Nó có thể có nghĩa là ngợi khen một người đồng nghiệp về chiếc áo mới, hay liên lạc với một người bạn cũ mà lâu rồi tôi chưa nói với họ rằng tôi quan tâm, hay nhường đường cho một cô phục vụ nóng nảy (và rõ ràng là đã không có một ngày tốt đẹp). Làm điều này khiến tôi ý thức hơn về mọi thứ xung quanh mình và mọi người trong đó, và đã giúp tôi kết nối tốt hơn với mọi người một cách nhanh chóng. Nó cũng khiến tôi từ bi và tử tế hơn.
4. Tôi biết ơn những điều nhỏ bé giản dị hàng ngày.
Tôi thấy rằng lòng biết ơn giúp tôi nhìn thấy điều tốt đẹp trong thế giới (và trong mọi người) và có một thái độ tích cực hơn, đặc biệt khi tôi tập trung vào những điều nhỏ bé giản dị. Và khi khó khăn, tôi buộc bản thân mình biết ơn vì những gì những người khác đang làm để giúp đỡ mình. Tôi bắt đầu thực tập đó khi tôi chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Nó đã giúp tôi chấp nhận sự dễ tổn thương của mình với nhiều ân sủng hơn.
Người dịch: Phạm Thùy Dương ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments