top of page
Ảnh của tác giảanhdao le

Tại sao chúng ta làm nghệ thuật? Điều đó giúp ích gì cho cuộc sống hạnh phúc?

Bảy nghệ sĩ giải thích lý do tại sao họ viết lách, đọc rap, chụp ảnh, vẽ, nhảy múa và làm phim. Dưới đây là bài chia sẻ của Greater Good - một chuyên trang về hạnh phúc. Chúng ta cùng khám phá xem vì sao "nghệ sĩ làm nghệ thuật" và việc "làm nghệ thuật" tác động tới hạnh phúc như thế nào nhé!


“Tại sao bạn làm nghệ thuật?”

Đó là câu hỏi đơn giản mà Greater Good đặt ra cho bảy nghệ sĩ. Câu trả lời của họ rất đáng ngạc nhiên, và rất đa dạng. Họ đề cập đến việc làm nghệ thuật cho vui và phiêu lưu; xây dựng cầu nối giữa mình và phần còn lại của nhân loại; ghép nối và ghi lại những mảnh suy nghĩ, cảm giác và ký ức; cũng như việc nói lên những điều mà họ không có thể biểu lộ bằng bất kỳ cách nào khác.


Tất cả các câu trả lời của họ mang tính cá nhân sâu sắc. Trong chủ đề này của Greater Good, chúng tôi khám phá những lợi ích nhận thức và cảm xúc có thể có của nghệ thuật, và những nghệ sĩ này gợi lên một lợi ích cơ bản hơn: Họ chỉ đang làm những gì mà họ cảm thấy mình được sinh ra để làm.

Hình: Vũ đạo của Gibina Gibney đã được trình bày rộng rãi ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài. © Andrzej Olejniczak / Gina Gibney
Hình: Vũ đạo của Gibina Gibney đã được trình bày rộng rãi ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài. © Andrzej Olejniczak / Gina Gibney

Hình: Vũ đạo của Gibina Gibney đã được trình bày rộng rãi ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài. © Andrzej Olejniczak / Gina Gibney


Gina Ginney: Mang lại sức mạnh cho người khác


Gina Gibney là một artistic director của công ty Gina Gibney Dance đặt trụ sở tại New York, công ty được sáng lập vào năm 1991 nhằm phục vụ hai mục đích: để sáng tạo và trình diễn vũ đạo đương đại, sử dụng sức mạnh & sự thấu hiểu của cả phụ nữ lẫn nam giới, để làm phong phú và định hình lại cuộc sống thông qua các chương trình lên tiếng cho những cộng đồng đang cần đến nó, đặc biệt là những nạn nhân đã trải qua sự ngược đãi trong gia đình và những cá nhân đang chung sống với bệnh HIV/AIDS.

Tôi làm nghệ thuật vì một vài lý do. Trong cuộc sống, chúng ta trải nghiệm quá nhiều sự phân mảnh trong suy nghĩ và cảm xúc. Đối với tôi, sáng tạo nghệ thuật mang những thứ đó trở lại với nhau.


Trong công việc của tôi, điều đó là sự thật xuyên suốt quá trình. Lúc ban đầu, việc phát triển những nguyên vật liệu thô cơ bản cho công việc thì mang tính phản ánh sâu sắc và đa dạng thông tin. Sau đó, mang những vật liệu này lại cùng nhau thành một hình dáng - chắt lọc từng bước từng bước và định hình nên chuyển động, tạo nên bối cảnh, làm việc cho tới khi đạt được một thứ gì đó cảm thấy gắn kết hiệu quả và hoàn thành nó. Điều đó thật sự mạnh mẽ một cách khó tin với tôi - một thứ gì đó thực sự giữ tôi tiếp tục tiến lên.

Thú vị là, nội dung bài múa của tôi giống như là một bảng mục lục về các sự kiện và suy nghĩ của cuộc đời tôi. Đối với tôi, tạo ra bài múa cũng giống như viết nhật ký vậy. Đưa nó ra cho người khác - như một quà tặng thông qua buổi trình diễn thực - là khía cạnh ý nghĩa nhất của công việc tôi làm.


Nhảy múa là một hình thức nghệ thuật đầy quyền năng vì lý do đặc biệt là nhảy múa không cần giải thích hay bình luận về chính bản thân nó. Một trong những cuộc biểu diễn gây kinh ngạc nhất tôi từng xem trong đời là bài biểu diễn của một phụ nữ từng bị bạo lực gia đình nhảy tại một phòng hội nghị nhỏ xíu trong khu ở tạm cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình. Cô ấy không phải là vũ công chuyên nghiệp. Cô ấy chỉ là một người phụ nữ đã từng đối mặt với những thách thức không thể tin nổi và cô là người đang sống với một nỗi buồn cực kỳ to lớn. Cô ấy sáng tạo và trình diễn một bài nhảy solo đáng kinh ngạc - nhưng nếu mô tả lại bài biểu diễn của cô ấy bằng một từ “buồn” sẽ là không đủ để nói về điều chúng tôi đã thưởng thức và trải nghiệm được.

Đó là sức mạnh của nhảy múa. Bạn có thể cảm thấy một điều gì đó và đồng cảm với nó ở cấp độ rất sâu, và bạn không cần nói một lời nào cả.

Hình: A portrait by Judy Dater


Judy Dater: Tôi thích thể hiện/Khám phá cảm xúc


Judy Dater đã chụp ảnh trong khoảng hơn 40 năm nay, và được xem là một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu của Mỹ. Là người nhận được giải thưởng Guggenheim và nhiều giải thưởng khác, những quyển sách của cô gồm có Imogen Cunningham: A Portrait, Women and Other Visions, Body and Soul and Cycles.



Tôi thích thể hiện cảm xúc - để người khác cảm thấy điều tôi đang cảm nhận khi tôi chụp ảnh con người.


Sự đồng cảm rất thiết yếu đối với chụp ảnh chân dung. Tôi đã chụp nhiều ảnh phong cảnh, và tôi nghĩ chúng có thể rất nên thơ và đầy cảm xúc rồi, nhưng nó khác biệt với tính trực diện khi chụp ảnh một người. Tôi nghĩ chụp ảnh con người, đối với tôi, là cách tốt nhất để bộc lộ ra một bản thể nào đó, một điều gì đó về chính họ - cả người tôi chụp cũng như người xem ảnh - mà có thể họ vẫn chưa biết. Có thể hơi ngạo mạn nhưng đó chính là sự khao khát. Tôi cảm thấy như tôi đang thâm nhập vào những con người đó khi tôi chụp ảnh cho họ, và tôi nghĩ mình hiểu con người tốt hơn nhiều vì tôi đã và đang quan sát họ kỹ lưỡng trong khoảng hơn 40 năm nay rồi.


Peter Docter: Thật là vui khi tạo tác thứ này thứ kia


Peter Docter đã tham gia vào trong một vài bộ phim hoạt hình lớn và nổi tiếng nhất của hãng Pixar, bao gồm Toy Story, A Bug’s Life, Cars, và Wall-E, nhưng anh ấy được biết đến nhiều nhất là đạo diễn của phim hoạt hình đoạt giải thưởng Hàn Lâm (Academy Award) đó là phim Monster, Inc. Docter cũng là đạo diễn cho phim hoạt hình Up, công chiếu vào tháng 5/2009.


Và tôi chắc là cũng có khao khát phổ biến giống mọi người là kết nối với những người khác theo một cách nào đó, để nói với họ về bản thân tôi hay kinh nghiệm của tôi. Điều mà tôi thực sự tìm kiếm trong mỗi dự án là một thứ gì đó cộng hưởng với cuộc sống như tôi thấy, và nói lên những trải nghiệm của chúng ta với tư cách là con người. Điều đó nghe có vẻ như hơi kẻ cả từ một người nào đó làm phim hoạt hình, nhưng tôi nghĩ tất cả đạo diễn ở Pixar đều cảm thấy như thế. Chúng tôi muốn giải trí cho người khác, không chỉ trong cảm giác trống rỗng, chạy trốn thực tế (mặc dù chắc là cũng có khá nhiều trong phim của chúng tôi có điều đó), mà còn theo một cách mà cộng hưởng với khán giả như một con người chân thật với cuộc sống - một số trải nghiệm cảm xúc sâu sắc hơn mà họ nhận ra trong sự tồn tại của chính họ. Trên bề mặt, những bộ phim của chúng tôi nói về những món đồ chơi, các con quái vật, cá hay những con robot; ở tầm mức nền tảng cơ bản, những bộ phim này nói về những điều rất phổ quát: sự đấu tranh của chúng ta với cái chết, mất mát và định nghĩa chúng ta là ai trên thế giới.


Là những nhà làm phim, chúng tôi khá giống với người tiền sử ngồi quanh đống lửa trại kể những câu chuyện, chỉ là chúng tôi sử dụng hàng triệu đô-la cho công nghệ để làm điều đó mà thôi. Bằng cách kể chuyện, chúng ta kết nối với nhau. Chúng ta nói về bản thân mình, cảm xúc của chúng ta, và điều gì làm nên con người.

Hoặc là chúng tôi chỉ làm phim hoạt hình. Cũng như cách chúng tôi cố gắng tạo ra những thời khắc vui vẻ, và chúng tôi hy vọng khán giả cũng có khoảng thời gian vui vẻ cho mình.


Harrell Fletcher: Bất cứ điều gì mà bất cứ ai gọi đó là nghệ thuật thì chính là nghệ thuật


Hình: Một bức ảnh từ video “The Problem of Possible Redemption 2003”, đã được đưa lên sân khấu vào năm 2004 tại New York. Video này là bản chuyển thể từ tiểu thuyết Ulysses của James Joyce được quay tại Trung tâm Người cao tuổi Parkville ở Connecticut, với những người cao niên đang đọc các dòng chữ từ thẻ ghi chú.


Harrell Fletcher giảng dạy ở khoa nghệ thuật trường Đại học bang Portland. Anh ấy triển lãm ở Bảo tàng nghệ thuật hiện đại San Francisco, Bảo tàng nghệ thuật Berkeley, Công viên nghệ thuật Điêu khắc Socrates ở New York,và vô số những bảo tàng và phòng triển lãm khác trên khắp thế giới. Vào năm 2002, Fletcher bắt đầu trang “Learning To Love You More”, một website cùng hợp tác với Miranda July, và họ cũng chuyển nó thành một quyển sách phát hành năm 2007. Fletcher là người được nhận giải thưởng Alpert về Nghệ thuật thị giác năm 2005.


Câu hỏi tại sao tôi làm nghệ thuật cần được chia nhỏ một chút trước khi tôi có thể trả lời.

Trên hết thảy, nghệ thuật là gì? Định nghĩa dành cho nghệ thuật theo tôi nghĩ, mà định nghĩa này hợp với tôi nhất, là bất cứ cái gì mà bất cứ ai gọi nó là nghệ thuật thì đó chính là nghệ thuật. Điều này đến từ niềm tin của tôi cho rằng không có cái gì thuộc bản chất nội tại về nghệ thuật. Chúng ta không thể làm một phân tích hóa học để xác định một thứ gì đó là nghệ thật hay không. Thay vào đó, tôi cảm thấy gọi một thứ gì đó là “nghệ thuật” thì thật ra chỉ là một cách chủ quan chỉ ra giá trị - mà nó có thể là mỹ thuật, văn hóa, tiền tệ, và vân vân..


Nếu chúng ta nhìn vào những thể loại khác nhau của hoạt động sáng tạo chúng ta có thể thấy làm thế nào mà các hình thức khác nhau có thể tồn tại và được chấp nhận cùng một lúc. Tôi đã làm điều tôi nghĩ nó là nghệ thuật từ khi tôi còn nhỏ, những bức vẽ đầu tiên, rồi đến các bức ảnh chụp, tranh vẽ, những đoạn video… Theo thời gian, tôi tốt nghiệp ra trường, tôi không hứng thú làm thêm nhiều thứ nữa, và thay vào đó bắt đầu chuyển sang một hướng khác, khoảng thời gian này thỉnh thoảng được gọi là “Thực nghiệm xã hội”.


Đây là khoảng thời gian hoang mang bối rối vì nó quá mới lạ và vô định. Theo góc nhìn rộng hơn, tôi nghĩ về nó như thể là sự đối lập với “Thực nghiệm trong studio” - tạo tác những vật thể trong đơn độc, để được thể hiện và hy vọng bán được nó trong một bối cảnh phòng triển lãm. Hầu hết thế giới nghệ thuật diễn ra với cách tiếp cận “Thực nghiệm trong studio” này. Trong “Thực nghiệm xã hội”, có nhiều hơn một điểm nhấn về ý tưởng và hành động hơn là về vật thể; nó có thể diễn ra ngoài bối cảnh nghệ thuật, và thường có một khía cạnh hợp tác hay cộng tác trong công việc.


Thế thì quay trở lại với câu hỏi tại sao tôi làm nghệ thuật. Trong trường hợp của tôi, những dự án mà tôi làm cho phép tôi gặp gỡ những người khác mà tôi không thường gặp, đi đến những nơi chốn tôi thường không ghé qua, học hỏi về những chủ đề mà tôi không biết mình sẽ thấy nó thú vị, và thậm chí thỉnh thoảng giúp đỡ người khác bằng những cách thức nhỏ nhoi mà lại khiến tôi thấy hạnh phúc. Tôi muốn nói rằng điều tôi theo đuổi là có một cuộc đời thú vị và làm công việc như một nghệ sỹ giúp tôi thành tựu được điều đó.


Kwame Dawes: Một môi trường đồng cảm


Hình: © Rachel Eliza Griffiths

Kwame Dawes, tiến sĩ, là nhà thơ xuất sắc được thỉnh giảng tại Đại học South Carolina. Ông là tác giả của 13 tập thơ, gần đây nhất là cuốn "Bài hát của Gomer", và một quyển tiểu thuyết "She's Gone", đã giành giải thưởng Hurston / Wright Legacy 2008 cho Tiểu thuyết đầu tay hay nhất.


Tôi viết về điều có lẽ là một nỗ lực tự phụ để bằng một cách nào đó kiểm soát thế giới mà tôi đang sống, tái tạo lại nó theo một cách thỏa mãn cảm nhận của tôi về điều thế giới nên trông ra sao và chính cuộc sống là như thế nào.


Tôi đang cố gắng bắt giữ lại bằng ngôn ngữ những điều tôi nhìn thấy và cảm nhận, bằng cách ghi nhận lại vẻ đẹp, sức mạnh và cả nỗi sợ hãi, như thế tôi có thể hồi đáp và làm sống lại những thứ đó. Bằng cách đó, tôi cố gắng đạt được cảm giác kiểm soát trong một thế giới đầy hỗn loạn.

Tôi muốn bằng một cách nào đó truyền đạt cảm nhận của tôi về thế giới - cách thức tôi hiểu biết, gắn kết, trải nghiệm thế giới - đến với người khác. Tôi muốn họ được chuyển vào trong cái thế giới mà tôi đã tạo ra bằng ngôn ngữ.


Và mục tiêu tối hậu của công việc viết lách của tôi là để tạo ra một môi trường đồng cảm, một điều gì đó mà sẽ cho phép điều kỳ diệu của sự đồng cảm diễn ra, đó là nơi những sinh mệnh con người dường như có thể trỗi dậy thoát ra khỏi bản thân mình và mở rộng chính mình thành người khác và sống bên trong người khác. Điều đó mang lại một sức mạnh to lớn cho con người. Và tôi biết điều này, bởi vì đó là điều những người khác viết ra tác động lên tôi khi tôi đọc nó.


James Sturm: Các lý do đều không quan trọng


James Sturm là một họa sĩ vẽ truyện tranh và đồng sáng lập của Trung tâm nghiên cứu phim hoạt hình tại White River Junction, Vermont. Anh ấy là tác giả của quyển tiểu thuyết bằng tranh đoạt giải thưởng và cũng là sách được bán chạy nhất có tên là “The Golem’s Mighty Swing”, được chọn là Cuốn tiểu thuyết bằng tranh Xuất sắc nhất năm 2000 bởi tạp chí Time. Vào năm 2007, bộ ba tiểu thuyết bằng tranh thể loại lịch sử của anh ấy được gộp chung lại thành một tuyển tập mang tựa đề “James Sturm’s America: God, Gold, and Golems”.


Tôi thích câu hỏi “Tại sao bạn làm nghệ thuật?” bởi vì giả định rằng điều tôi đang làm là nghệ thuật. Một giả định khiến tôi thấy hãnh diện. Câu hỏi này cũng mang tôi trở lại thời sinh viên năm nhất trường cao đẳng, ở đó những câu hỏi như “Tự nhiên là gì?” và “Thực tại là một con sóng hay một vòng tròn?” được tranh luận nghiêm túc (thường vào lúc tối muộn và sau khi hút quá nhiều “cỏ”).


Hai mươi lăm năm sau tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ hiểu rõ ràng hơn một chút về câu hỏi này. Có thể điều thấu hiểu sâu sắc duy nhất mà tôi đạt được đó là kiến thức tôi không biết gì cả, và thứ hai là lý do thì không quan trọng. Tùy thuộc vào tâm trạng của tôi, vào chính cái ngày hôm đó, tôi có thể gán việc làm nghệ thuật với một xung động tâm trí cao để kết nối với người khác hay để hiểu biết thế giới hoặc là một cơ cấu đối phó với tính vị kỷ hoặc một khao khát được nổi tiếng hay đó là liệu pháp hoặc là sự rèn luyện mang tính tôn giáo của tôi hay là nhằm cung cấp một cảm giác về sự kiểm soát hay mong ước từ bỏ kiểm soát, vân...vân…


Dù cho lý do gì đi chăng nữa, một thôi thúc bên trong xuất hiện và tôi tiếp tục tôn vinh điều bức bách bên trong này. Nếu tôi không làm, tôi sẽ cảm thấy thực sự tồi tệ. Vì thế, dù cho nỗ lực làm nghệ thuật vì cao quý hay ích kỷ, sự thật còn lại là tôi sẽ làm nghệ thuật dù sao đi nữa.

KRS-One: Hip hop vượt ra ngoài thời gian, không gian


Lawrence Krisna Parker, được biết đến nhiều bởi sân khấu của anh ấy có tên là KRS-One, các nhà phê bình và những người dẫn chương trình khác đều xem anh ấy như là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất trong dòng nhạc hip hop. Tại giải thưởng Black Entertainment Television năm 2008, KRS-One là người được nhận giải Thành tựu trọn đời (Lifetime Achievement Award) về tài năng đọc rap và hoạt động của anh ấy.


Tôi được sinh ra dành cho con đường này, sinh ra để làm nghệ thuật, để tạo những bản hip hop. Và tôi nghĩ mình chỉ là một trong những người có can đảm đi theo bản tính bẩm sinh của mình mà thôi. Hip hop giữ cho tôi thật sự là chính mình, giữ cho tôi là con người đúng nghĩa.


Hip hop thì đối lập với công nghệ. Hip hop là điều cơ thể con người làm: nhảy breakdance, chỉnh nhạc DJ, viết vẽ graffiti. Cơ thể con người chuyển động theo các điệu nhảy breakdance, bạn không thể mang nó đi. Chỉnh nhạc DJ không phải là công nghệ; nó là trí tuệ con người vượt lên trên công nghệ: cắt, hòa trộn, chà đĩa. Nó mang tính “người”. Thao tác công nghệ là cái do con người làm, đó là nghệ thuật.


Hoặc là vẽ graffiti. Đặt một dụng cụ vẽ vào tay đứa bé bất kỳ nào khoảng hai ba tuổi. Chúng sẽ không viết lên một tờ giấy như sau này chúng được người lớn dạy, mà chúng sẽ vẽ lên những bức tường. Chúng chỉ đang chơi đùa. Đó mới chính là con người. Graffiti nhắc nhở chúng ta về tính người của mình, đó là khi bạn tự thể hiện bản thân bằng những nét vẽ nguệch ngoạc lên trên tường. Hip hop giúp chúng ta nhìn thấy những thứ trên thế giới theo những cách mới mẻ.

Đó là lý do tại sao hip hop giữ tôi luôn trẻ trung. Nó không cho phép bạn lớn quá nhanh. Hip hop vượt qua cả thời gian và không gian. Đó là lý do tôi tạo những bài hip hop.


 

Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page