Có vài lý do tại sao cuộc sống của người trưởng thành có thể xám xịt và bất hạnh hơn người ta tưởng đó là vì những năm đầu đời của chúng ta thường được bồi đắp nên bởi ý tưởng phải vâng lời, phục tùng người khác và thành một thói quen sâu dày thâm căn cố đế. Trong suốt thời thơ ấu, ta có một một chút ngờ ngợ rằng con đường trưởng thành đòi hỏi chúng ta phải làm bằng được một danh sách dài lê thê những thứ chắc chắn không thoải mái gì cho cam, được yêu cầu bởi những nhân vật có uyền lực mà chúng ta không thể thắc mắc được gì với họ cả. Không ai hỏi xem chúng ta có đặc biệt thích thú trong khi học về những góc cạnh của hình tam giác hay một volt thực sự nghĩa là gì không, nhưng chúng ta vẫn cứ nghe theo bất kể trường hợp nào. Chúng ta dành những năm tháng của mình và rất nhiều buổi tối và những ngày cuối tuần để tuân thủ theo một lịch trình được lên kế hoạch kỹ lưỡng sát sao cho chúng ta bởi những người quá bận tâm đến hạnh phúc của ta nhưng lại ở mức mơ hồ vô cùng. Chúng ta khoác lên người bộ dạng ảm đạm hay ủ ê và ngồi vào bàn cố học cốt truyện của vở kịch Macbeth hay thuộc tính hóa học của heli - và tin rằng sự chán nản và mất hứng thú của mình là điều hoàn toàn sai trái mà bản thân không nên cảm thấy như vậy.
Chúng ta sau đó dần dần bị khuất phục để rồi mở rộng thái độ này vào trong những mối quan hệ của chúng ta với thế giới rộng lớn bên ngoài. Chúng ta cho rằng điều mình đặc biệt muốn dẫu sao đi nữa sẽ không bao giờ là chuyện quan trọng cả. Ta chọn lựa một nghề nghiệp cơ bản dựa trên tiêu chí - đối với người khác - nó có vẻ “đúng đắn” để chọn mà thôi. Tại những bữa tiệc, chúng ta sẽ có thể trả lời câu hỏi xã giao “Bạn đang làm công việc gì?” theo một cách được mọi người thường đồng tình đó là một công việc không thể bị chê trách hoặc một nghề nghiệp gì đó ấn tượng. Cùng lúc đó, chúng ta học cách nhìn nhận sự tự do vừa hấp dẫn và cả ngớ ngẩn theo một cách thức nào đó. Chúng ta sẽ cảm thấy tự do, chúng ta cảm thấy thế khi không có bất cứ thứ gì khác để lấp đầy thời gian của mình như: những buổi sáng thứ bảy hay khi chúng ta nghỉ hưu.
Theo năm tháng, chúng ta dần trở thành những chuyên gia trong việc hợp lý hóa những thất vọng chán chường của mình. Chúng ta tự nói với bản thân rằng ta không có lựa chọn nào khác cả. Ta phải dính chặt với một công việc mà mình bất mãn hay một cuộc hôn nhân nhạt nhẽo bởi vì (như chúng ta nói) mình cần tiền hay bạn bè ta sẽ thất vọng hoặc là đây là một điều tất cả mọi người như chúng ta ai cũng phải làm. Ta trở thành thiên tài trong việc thảo ra những lời bao biện cho chính cái điều làm mình không hạnh phúc như thể đó là điều cần thiết và lành mạnh.
Nhà phân tâm học người Anh sống vào giữa thế kỷ XX Donald Winnicott tiếp xúc với nhiều bệnh nhân - thường là những người có uy tín và tài giỏi - bị tình trạng phiền muộn nặng nề bởi vì họ, theo như ông nói, là “quá hoàn mỹ”. Họ không bao giờ cảm thấy sự tự do và an toàn bên trong bản thân mình để nói "không", nói rộng ra là bởi vì những người chịu trách nhiệm chăm sóc họ những năm tháng đầu đời đã coi sự thể hiện những cảm xúc chân thực của họ là một sự nổi loạn mang tính đe dọa phải ngăn chặn, bác bỏ đi. Winnicott đề xuất rằng sự lành mạnh chỉ có thể đến từ việc chống lại xu hướng này để tránh việc chịu phục tùng quá nhanh và quá tin tưởng vào ý kiến tham khảo của những người khác, bao gồm cả những người cứ khăng khăng rằng quan tâm đến ta rất nhiều. Làm kẻ “xấu xa” một cách chính đáng theo như quan điểm của Winnicott không có nghĩa là phá vỡ luật lệ hay trở nên hung hăng, nó có nghĩa là tìm thấy sự tự do bên trong để làm những điều mà người khác có thể về cơ bản cảm thấy bối rối nhưng chúng ta với cái tôi đích thực của chính mình chân thành mong ước muốn khám phá chúng. Điều này đặt nền tảng trên góc nhìn rất cơ bản đó là những người khác suy cho cùng không bao giờ có thể là “người gác cổng” tốt nhất cho cuộc đời chúng ta, vì những bản năng của họ về điều gì có thể chấp nhận không được định hình nên từ nền tảng của sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu cá biệt của mỗi chúng ta.
Chúng ta có xu hướng ảo tưởng về tự do theo khía cạnh không phải làm việc hay có thể được vi vu tận hưởng những chuyến du lịch nhiều ngày. Nhưng nếu chúng ta đào sâu vào cốt lõi của chính nó, tự do thực sự có nghĩa là không còn bị nắm giữ, bám chấp vào những kỳ vọng của người khác. Ta có thể tự do làm việc chăm chỉ hay ở nhà suốt những ngày nghỉ. Yếu tố quyết định là chúng ta dám sẵn sàng làm người khác thất vọng, buồn lòng hay rối bời khi ta làm thế. Chúng ta không cần thấy thích thú với điều này - chúng ta theo lẽ tự nhiên mong muốn giao hảo và được lòng càng nhiều người càng tốt. Nhưng chúng ta có thể sống với ý niệm rằng các lựa chọn chính yếu của mình có thể không giống với quan niệm chung của số đông. Trong bữa tiệc, chúng ta có thể có khả năng gặp phải một người hoàn toàn không ấn tượng gì với công việc mà ta đang làm, hay gán cho cuộc sống của ta là “không chính thống” hoặc những ý kiến, quan điểm của chúng ta nghe thật kỳ quặc. Nhưng mà chúng ta không mảy may để tâm quá nhiều - bởi vì chúng ta đã và đang tự do. Cảm nhận của chúng ta về cuộc đời của chính mình không còn bị nhiễu loạn bởi quan niệm phải theo đúng như sự kỳ vọng của người khác nữa.
Để được tự do thì cuối cùng, ta phải hết lòng hết dạ - theo những cách mà có thể phải rất cố gắng nỗ lực - đi theo những kỳ vọng của chính mình.
Nguồn bài dịch: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/becoming-free/
Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Trang
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments