Nó bắt đầu với việc nhận lãnh trách nhiệm khi mọi việc diễn ra không như ý muốn
Điểm chính của bài viết
Y học đã chỉ ra rằng tuổi vị thành niên tiếp tục kéo dài đến ngoài 20 tuổi cho tới khi thùy trán hoạt động hoàn toàn vào năm 26 tuổi.
Để định hướng các mối quan hệ cam kết và hôn nhân, trước hết bản thân chúng ta phải trưởng thành.
Hiểu cách một người ngắt lời người khác, tạo ra mối quan hệ tay ba và chống đối tuân theo thông lệ xã hội hoặc tư duy tập thể cho thấy một người trưởng thành về mặt cảm xúc như thế nào.
Nhận trách nhiệm cho những sai lầm của người khác là một dấu hiệu xác đáng của sự trưởng thành; nếu vẫn còn dựng nên các nhân vật phản diện trong các câu chuyện đời ta để đổ lỗi tức là ta vẫn chưa trưởng thành.
Các bài phát biểu bế giảng mang lại sự khôn ngoan cho sinh viên tốt nghiệp ở mọi lứa tuổi. Với bài diễn văn này, chúng ta thường giả định rằng những chiếc mũ và áo choàng tốt nghiệp mở ra thời tự do trưởng thành khi họ bắt đầu học lên cao hơn hoặc vào đời đến với những nghề nghiệp đầy hứa hẹn. Sự trưởng thành được tranh luận như một chủ đề trong các tài liệu y khoa vì hình ảnh thần kinh cho thấy não bộ trưởng thành đầy đủ ở độ tuổi 20. Thùy trán điều hành các chức năng điều hành như trí nhớ tạm thời, xung động và kiểm soát bản thân, lập kế hoạch và quản lý thời gian, nó cũng là một trong những vùng não cuối cùng trưởng thành. Điều này thường xảy ra vào khoảng 26 tuổi.
Các nghiên cứu khác cho rằng có các độ tuổi trưởng thành khác nhau thì trung thực với khoa học phát triển hơn là chỉ có một độ tuổi quy định cho tất cả. Một ranh giới phân biệt độ tuổi trưởng thành nào đó có thể được áp dụng khi có sự kích động về cảm xúc, áp lực về thời gian và sự ép buộc. Trong khi một ranh giới khác được chỉ định cho những người từ 18 tuổi trở lên - độ tuổi mà sự non nớt về tâm lý xã hội làm ảnh hưởng đến khả năng phán đoán.
Định Nghĩa Trưởng Thành Là Gì?
Theo Merriam Webster, trưởng thành có nghĩa là thành người lớn và phát triển toàn diện. Không chính thức, nhiều người lớn từng đọc những lời uyên bác của cố vấn chuyên mục Ann Landers có thể nhớ đến chuyên mục có tiêu đề "Sự trưởng thành", bạn có thể dễ dàng tìm kiếm bài này trực tuyến. Trong bài văn xuôi đó, Landers đã viết rằng con người thể hiện sự trưởng thành ở tính nhẫn nại, kiên trì, khả năng ra quyết định, sự tin cậy, tự chủ và khiêm tốn, cũng có nghĩa là khả năng đơn giản thừa nhận "Tôi đã sai."
Vào năm 2013, nhà báo Carolyn Hax của chuyên mục Washington Post đã viết về cách trở thành bản thể tốt nhất của chính mình. Cô ấy đặt ra một danh sách các câu hỏi thăm dò bao gồm: Bạn có nhận ra rằng nhu cầu của mình có cùng trạng thái với mọi người không? Và rằng bạn không phải là anh hùng trong mọi cuộc chạm trán với người khác?
Trong đại dịch toàn cầu, Tiến sĩ Kathleen Smith đã viết bài “Kể một câu chuyện không có nhân vật phản diện”, trong đó cô nói rằng việc tập trung vào người khác cao hơn bản thân dẫn đến hành vi cứng nhắc, phản ứng và ném lại sự non nớt của mình cho người khác. Cô ấy nói: “Luôn bị mắc kẹt trong một khuôn khổ hạn hẹp về đúng hay sai, anh hùng hoặc nhân vật phản diện không giúp bạn có thể suy nghĩ sáng tạo giải quyết vấn đề cũng như nhận phần trách nhiệm của mình trong việc đưa ra giải pháp ”.
Không Bao Giờ Quá Trễ Để Trưởng Thành
Jenny Brown, viết trong cuốn sách Growing Yourself Up: How to Bring Your Best to All of Life’s Relationships (tạm dịch 'Trưởng thành: Làm thế nào để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các mối quan hệ trong cuộc sống') rằng câu hỏi quan trọng vẫn là: Tôi có sẵn sàng giải quyết vai-người-chưa-trưởng-thành mà mình đang đóng trong các mối quan hệ không? Brown viết: “Nhìn ra chúng ta cần thay đổi những phản ứng không có ích nào và áp dụng nó vào trong thế giới của các mối quan hệ, sẽ tạo ra những hiệu ứng lan truyền tích cực đối với các hệ thống mối quan hệ mà chúng ta đóng vai trò trong đó". Thay đổi này thậm chí có thể ảnh hưởng lan truyền đến các thế hệ tương lai."
Trong điều mà Brown gọi là “vũ điệu thay đổi và đổ lỗi”, cô ấy cho rằng, “Khi chúng ta soi mói lỗi của người khác, chúng ta ngừng cải thiện chính mình. Sự phát triển của chúng ta bị mắc kẹt trong thói quen đổ lỗi. "
Cuốn sách của Brown trình bày sự trưởng thành trong suốt cuộc đời từ thanh niên trưởng thành đến trung niên — với các cuộc thảo luận về tình dục, hôn nhân, ly thân và ly hôn — cho đến những năm tuổi đời lớn hơn đối mặt với cái chết. Cô ấy làm điều này thông qua lăng kính hệ thống gia đình Bowen.
Hệ Thống Gia Đình - Cái Nôi Nuôi Dưỡng Sự Trưởng Thành
Gia đình gốc của chúng ta đóng vai trò như một khuôn mẫu về mối quan hệ. Mái nhà này là nơi chúng ta học cách sống và suy nghĩ cũng như học hỏi vai trò của người chồng, người vợ, người cha và người mẹ như thế nào. Vào năm 2018, Roberta Gilbert đã cập nhật cuốn sách kinh điển của cô ấy 'The Eight Concept of Bowen Theory' (tạm dịch 'Tám khái niệm của lý thuyết Bowen) — mà tôi thường chỉ cho các khách hàng trị liệu hiểu tổng quát về hệ thống cảm xúc gia đình hạt nhân, sự phóng chiếu của gia đình và sự di truyền tâm lý qua nhiều thế hệ (lo âu), thứ tự anh chị em trong gia đình, điểm giới hạn, tam giác mối quan hệ và sự khác biệt của bản thân. Sự khác biệt có nghĩa là mức độ nhạy cảm của một người đối với sự phù hợp về nguồn gốc và tư duy tập thể.
Tiến sĩ Gilbert viết rằng cảm xúc sẽ đến và đi, nhưng học cách suy nghĩ thấu đáo hơn trong quá trình sống và học cách xem gia đình như một giềng mối gắn kết yêu thương, chứ không phải cá nhân đơn độc là điều tốt nhất cần làm. Chúng ta cần xây dựng hệ thống tư duy và hành động bằng chính nội lực bản thân mình, nghĩa là ta có quyền kiểm soát tự chủ thay vì chỉ tay năm ngón và đòi hỏi người khác thay đổi. Đổ trách nhiệm thay đổi cho người khác thường vô ích và làm đánh mất khả năng thay đổi của chính mình. Do đó, đây là một thước đo trưởng thành về mặt cảm xúc.
Những Hành Vi Chính Yếu Thể Hiện Sự Trưởng Thành
Danh sách dưới đây giải thích ngắn gọn các nguyên lý của hệ thống gia đình:
Hãy nghĩ "Làm thế nào để tất cả chúng ta tác động lẫn nhau?" chứ không phải là “Tại sao người đó không thể…”
Ngăn lại tính nóng nảy kiểu trẻ con - đổ lỗi cho người khác khi mọi thứ không suôn sẻ trong cuộc sống.
Không ôm đồm làm thay quá nhiều trách nhiệm sống của người khác, trong thời gian dài. Trao đi sự giúp đỡ thực sự bằng cách hướng họ vào con đường độc lập và thành công.
Nhận ra các khuôn mẫu tam giác mối quan hệ và hiểu ra chúng vô ích như thế nào trong bất kỳ nhóm hoặc gia đình nào. Điều này ngăn ngừa những cạm bẫy chưa trưởng thành và hỗ trợ giải quyết vấn đề giữa hai người đang cần giải quyết mọi việc.
Nhận ra rằng các mối quan hệ giống như hình học: khoảng cách gần nhất giữa hai điểm là một đường thẳng, không qua bên thứ ba.
Tránh tìm lỗi mà hãy xét đến vai trò của chính mình và cách bản thân đã góp phần gây ra bất kỳ sự khó chịu nào. Hãy chịu trách nhiệm về nó và thay đổi bản thân để ngăn chặn kích động trong tương lai.
Đừng trở thành một con tắc kè hoa hay thay đổi quan điểm để chiều lòng người khác. Biết giá trị của chính mình và có nguyên tắc trong các quyết định của bản thân. Các buổi tư vấn có thể giúp mọi người xác định những điều này để không chần chừ do dự.
Hãy thể hiện năng lực trưởng thành tốt nhất của bạn trong những mối quan hệ đã cam kết, đặc biệt là hôn nhân. Nếu một bên hành động ấu trĩ thông qua thái độ hung hăng thụ động, ù lì, nhỏ nhen, đổ lỗi hoặc phòng thủ thì nên tìm kiếm liệu pháp giải quyết.
Không chọn lựa con đường phát triển ít hơn hay thụt lùi. Những người trưởng thành bất kể tuổi tác luôn nỗ lực có ý thức để trở thành một con người, một người bạn đời, một người người yêu và những bậc cha mẹ ngày càng tốt hơn. Truy cầu những điều này sẽ không dễ dàng nhưng đáng giá về lâu dài.
Đội ngũ sản xuất:
Dịch và Tạo dựng hình ảnh minh họa: Compassio
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-full-picture/202204/what-it-really-means-be-mature?collection=1175355
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng. Cộng tác sản xuất nội dungtại đâyỦng hộ kinh phí sản xuất nội dung cho ban biên tập tại:Ủng hộ
تعليقات