top of page
Ảnh của tác giảThuận Nguyễn

Thể Chất Trưởng Thành Theo Thời Gian, Và Cảm Xúc Cũng Vậy

Đã cập nhật: 24 thg 5, 2021

Chúng ta biết rõ rằng chúng ta luôn được trang bị một một động lực bẩm sinh, thúc đẩy cơ thể lớn lên về mặt thể xác; rằng con người có một bản năng để tiếp tục phát triển, hướng đến sự trưởng thành từ bên ngoài, "mọc" thêm cơ, xương và những mô mỡ, một cách vô thức và liên tục từ những ngày còn trong bụng mẹ đến ngày chúng ta cắt bánh mừng sinh nhật thứ 16.


Nhưng điều mà ít ai để ý chính là chúng ta cũng được trang bị một sức sống khác, cũng bẩm sinh và có tác động kéo dài cả đời, mạnh mẽ không kém. Đó chính là động lực để phát triển về mặt cảm xúc. Thật sự cũng không có gì thần bí về ý nghĩa đằng sau của câu nói trên đâu và trừ khi chúng ta bị cản trở bởi những chướng ngại vật đến từ bên trong lẫn bên ngoài, chúng ta đã luôn trên cuộc hành trình phát triển cảm xúc không thể tránh khỏi này.


Một sự khác biệt rạch ròi giữa hai khái niệm về động lực để phát triển trên đó là chúng ta dễ dàng nhận biết thế nào là trưởng thành về mặt thể xác nhưng khá là khó nhằn để xác định sự trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ trông ra sao.



Chúng ta có thể đánh liều đưa ra một câu trả lời có tính hai chiều. Động lực phát triển cảm xúc được tạo thành bởi hai phần: một phần là ý chí kiến tạo nên những mối liên kết sâu sắc. Còn phần kia lại là ý chí kiến tạo nên cái gọi là sự tự bộc lộ cái tôi.


Về sự liên kết, chúng ta thường có một khao khát cháy bỏng muốn chạy trốn khỏi sự đơn độc, tủi nhục và cô lập để tìm đến sự thấu hiểu, chân thật và sẻ chia. Chúng ta mong mỏi được bộc bạch tâm tư cho bạn bè, người thương hay kể cả những người mới kết thân, về bức tranh vẽ nên con người bên trong chúng ta - cùng lúc đó, chúng ta cũng có cơ hội hòa mình vào thế giới cảm xúc và những trải nghiệm của riêng họ. Thứ mà chúng ta gọi là "tình yêu" chỉ đơn giản là một nhánh phát triển từ cái động lực để kết nối kia và sẽ bao gồm nhiều hình thức và các thể loại mối quan hệ. Tình yêu ấy lan rộng và thấm đẫm vào từng tế bào cơ thể và hàm chứa cả sự thân mật, gần gũi và dục vọng. Ngoài ra, chúng ta có thể đánh giá bản thân khỏe mạnh về mặt cảm xúc như thế nào dựa vào đo lường mức độ kết nối chúng ta có trong cuộc sống.


Về việc tự bộc lộ cái tôi (self-expression), chúng ta lại có khát khao khám phá, làm rõ và thể hiện ra ngoài những ý tưởng trong đầu, cũng như khả năng sáng tạo và trí tuệ - một động lực thường trỗi dậy trong công việc hay hoạt động nghệ thuật. Chúng ta dường như muốn tìm kiếm một sự thấu hiểu tường tận hơn về "chất xám" của não bộ, đặc biệt là những thú vui, thế giới quan và giá trị làm nên mỗi người của chúng ta và chúng ta cũng mong muốn thể hiện những điều này ra cho xã hội nhìn thấy và trở nên có ích cho người khác. Chúng ta rồi sẻ cảm thấy đời sống này thật phong phú mỗi khi chúng ta được cất lên tiếng nói riêng và có thể nhào nặn những khái niệm chảy trôi trong trí óc thành những thứ cụ thể - và cũng cảm thấy rằng, bằng một cách nào đó và dù có muốn trông khiêm tốn thế nào, chúng ta đã mong muốn để lại một dấu ấn khó quên nơi trần gian này.


Hai khía cạnh này của động lực để phát triển mặt cảm xúc giúp chúng ta bám trụ được qua những khoảng khắc kinh hoàng của nỗi bất hạnh. Chính cái tầm quan trọng và khát vọng để kết nối có từ thuở sơ khai đã khiến chúng ta đau như bị đâm vào tim khi tình bạn năm xưa dần phai mờ, khi mối quan hệ mới được hình thành đã dần xa cách hay khi chúng ta không tìm được một ai đồng cảm và dần lạc lối nơi phố xá lạ lẫm. Chính khát vọng bộc lộ bản thân và sức ảnh hướng của nó đã khiến chúng ta chịu đựng rất nhiều khi những gì chúng ta học được không ăn nhập gì với tâm trí, khi công việc không còn là mối quan tâm nữa hoặc khi, vào một buổi chiều Chủ nhật nọ, chúng ta cảm thấy thật rối bời khoảnh khắc chúng ta nhận ra tài năng của bản thân sẽ bị lãng phí - điều này cũng phần nào giải thích sự ghen tị tột cùng khi chúng ta thấy một người bạn đã đạt thành công trong lĩnh vực bạn hằng mơ ước.


Khi gọi đặc điểm này của con người là một động lực, và định nghĩ khái niệm này ngang hàng với sự trưởng thành về mặt thể xác, chúng ta đang nhấn mạnh vào bản chất không thể bàn cãi và sức mạnh lấn át của nó. Thật là không căn cứ, đau lòng và phi lý khi có người cố gắng ngăn cản ai khác phát triển về mặt cảm xúc, như vậy chẳng khác nào trói buộc họ chỉ đứng một chỗ. Động lực thúc đẩy ấy dường như được ưu tiên hơn những lựa chọn tiện ích khác: tìm kiếm sự tôn trọng, tiền bạc hoặc sự ổn định. Nó sẽ không rời bỏ đi đến khi nó được nhận ra. Nó có thể khiến chúng ta bước đi khỏi một cuộc hôn nhân mà - theo nhiều quan điểm - đáng lẽ có thể ở lại dễ dàng hoặc khiến chúng ta vứt bỏ công việc đang làm ra nhiều tiền hiện tại để làm công việc khác mà đưa chúng ta câu trả lời thỏa đáng cho tiếng gọi từ tận sâu tâm hồn.


Nếu động lực thúc đẩy sự phát triển cảm xúc tiếp tục bị ngó lơ và có khi trở nên không tồn tại trong mắt chúng ta, nó có thể rút ngắn cuộc sống với nỗ lực để được nghe thấy. Bởi vì phải đợi chờ quá lâu, nó có thể nhấn chìm chúng ta trong nỗi tuyệt vọng đến tê dại hoặc nhốt chúng ta trong căn phòng của những lo âu không thể kiểm soát. Bằng việc tàn phá chúng ta theo những cách này, cái động lực mà đã vô tình trở nên cáu gắt và cảm thấy bị cấm cản ấy chỉ đang cố gắng được nhìn thấy và đón nhận. Dù nó thiếu đi sự rành mạch và rõ ràng khi truyền tải ý muốn của nó nhưng nó sẽ bù đắp cho chúng ta sự kiên trì và sức mạnh. Sự gục ngã là một thử nghiệm nhọc nhằn để tạo ra cơ hội cho sự đột phá, một trạng thái mới trong quá trình phát triển cảm xúc.


Bằng việc thấu hiểu kĩ càng hơn động lực để phát triển cảm xúc căn bản và quan trọng như thế nào, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những dấu hiệu khi nó "tức giận" và kể cả sự hợp lý trong những khát khao của chúng ta. Và ở những thời điểm khi mà chúng ta khuấy động sự yên bình tựa mặt nước của dòng đời vì cái động lực ấy, chúng ta sẽ cảm thấy sẵn sàng hơn để giải thích cho bản thân và những người quan tâm đến chúng ta về lý do đằng sau hành động khó hiểu của chúng ta: chúng ta đã không đánh mất tâm trí mãi mãi, chúng ta nhận thức rõ về vai trò của sự tôn trọng và danh dự, chúng ta sẵn lòng trở nên dễ chịu và bớt khó tính đi. Chỉ là chúng ta cần phải tôn kính người khác và làm một điều vô cùng thiết yếu trong bản chất hình thành nên con người chúng ta: chúng ta bắt buộc phải tiếp tục vững bước trong cuộc hành trình phát triển cảm xúc.


 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/the-drive-to-keep-growing-emotionally/

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Thuận Nguyễn ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Commentaires

Noté 0 étoile sur 5.
Pas encore de note

Ajouter une note

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page