top of page
Ảnh của tác giảanhdao le

Self-Awareness: Sự Phát Triển Tự Nhận Thức Và Các Loại Tự Nhận Thức


Lời giới thiệu từ Ban biên tập Compasssion:
- Bạn có bao giờ từng thấy một đứa trẻ vui thích nhìn ngắm hình ảnh phản chiếu của nó trong gương chưa? 
- Bạn có còn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy chính mình trong gương không? 
- Khi lần đầu tiên nhận ra bản thân mình trong gương, bạn cảm thấy như thế nào?

Ngay khi đứa trẻ nhận ra rằng cái đứa trẻ bên trong tấm kính đang nhìn mình là hình ảnh phản chiếu của bản thân nó, thì đó chính là khoảnh khắc đứa trẻ hình thành tự nhận thức (self-awareness). Dần lớn lên, mỗi con người càng tự nhận thức về bản thân thêm nhiều khía cạnh khác nhau như cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ, tâm trí, đạo đức, tinh thần... bằng những "gương soi phản chiếu" khác nhau. Tiến trình tự nhận thức là một quá trình phát triển liên tục, đa dạng theo không gian và thời gian của mỗi người xuyên suốt cả cuộc đời chứ không bao giờ dừng lại.

Hãy làm chủ quá trình tự nhận thức của mình và sẵn sàng khám phá mọi mặt cả chiều sâu lẫn chiều rộng của bản thân mình. Có lẽ niềm vui nhất là được nhìn thấy hình ảnh toàn diện của bản thân trong không gian-thời gian tuyệt đối và cả hình ảnh chính mình được phát triển dần dần trong không gian-thời gian tương đối.

Tự nhận thức (self-awareness) có nghĩa là nhận thức những khía cạnh khác nhau của bản thân bao gồm tính cách, hành vi và cảm xúc. Về cơ bản, nó là một trạng thái tâm lý trong đó bản thân trở thành tâm điểm của sự chú ý.


Tự nhận thức (self-awareness) là một trong những thành phần đầu tiên của khái niệm về bản thân (self-concept) được biết đến. Mặc dù tự nhận thức là điều luôn hướng tập trung vào bạn là ai, nó chẳng hề là thứ bạn tập trung sâu sắc mỗi ngày trong trong từng khoảnh khắc. Thay vì thế, tự nhận thức như con thoi đan đi đan lại tạo thành tấm vải nhận thức về bạn là ai và nổi lên thành những điểm khác nhau dựa vào hoàn cảnh và tính cách cá nhân bạn.



Con người không được sinh ra đã hoàn toàn biết tự nhận thức. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng các trẻ sơ sinh có một cảm giác ban đầu về tự nhận thức. Trẻ sơ sinh có được cái nhận thức chúng là hữu thể tách biệt với người khác, được chứng mình bằng các hành vi như là phản xạ bản năng của một em bé sơ sinh tìm vú mẹ khi có một thứ gì đó quét ngang mặt nó. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng ngay cả trẻ mới sinh cũng có thể phân biệt giữa cái xúc chạm của chính bản thân mình hay không phải của mình.

Tự nhận thức xuất hiện khi nào?

Các nghiên cứu cho thấy rằng một cảm nhận phức tạp hơn về việc tự nhận thức bản thân bắt đầu xuất hiện vào khoảng độ một tuổi và dần phát triển mạnh lên hơn khi trẻ khoảng 18 tháng tuổi.


Các nhà nghiên cứu Lewis và Brooks-Gunn đã thực hiện các nghiên cứu xem xét tự nhận thức phát triển như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã bôi một chấm đỏ vào mũi của trẻ sơ sinh và sau đó bế đứa trẻ cho chúng soi lên gương. Nếu đứa trẻ nhận ra mình trong gương, thì sẽ vươn tay sờ mũi của chúng, chứ không hướng đến hình phản chiếu trong gương, điều đó cho thấy rằng chúng có ít nhất một mức độ tự nhận thức.


Lewis và Brooks-Gunn phát hiện ra rằng: hầu như không có trẻ em dưới một tuổi nào có thể tự lấy tay chạm mũi mình, mà chỉ thực hiện hành động thông thường là vươn tới hình ảnh phản chiếu trong gương. Khoảng 25 phần trăm trẻ sơ sinh từ 15 đến 18 tháng chạm tay được vào mũi của chính mình trong khi khoảng 70 phần trăm trẻ từ 21 đến 24 tháng đã làm được như vậy.


Điều quan trọng cần lưu ý là nghiên cứu của Lewis và Brooks-Gunn chỉ cho thấy sự tự nhận thức về thị giác của trẻ sơ sinh; trẻ em thực sự có thể sở hữu các hình thức tự nhận thức khác ngay cả ở thời điểm đầu đời này. Ví dụ, các nhà nghiên cứu Lewis, Sullivan, Stanger và Weiss cho rằng việc thể hiện cảm xúc cũng như khả năng suy nghĩ về bản thân trong mối quan hệ với người khác chính là hình thức khác của tự nhận thức.

Tự nhận thức phát triển như thế nào?

Các nhà nghiên cứu cho rằng một khu vực của bộ não được gọi là vòng cung vỏ não trước (anterior cingulate cortex) nằm ở vùng thùy trước trán (frontal lobe) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sự tự nhận thức. Các nghiên cứu cũng đã sử dụng hình ảnh não để chỉ ra rằng khu vực này sẽ được kích hoạt ở những người trưởng thành biết tự nhận thức. Thí nghiệm của Lewis và Brooks-Gunn cho thấy sự tự nhận thức bắt đầu xuất hiện ở trẻ em khoảng 18 tháng tuổi, độ tuổi trùng với sự phát triển nhanh chóng của các tế bào trục chính ở vỏ não trước.


Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy một bệnh nhân vẫn giữ được sự tự nhận thức ngay cả khi bị tổn thương nghiêm trọng ở các vùng não bao gồm cả vùng thùy đảo (the insula) và vòng cung vỏ não trước trán. Điều này cho thấy rằng những vùng này của não không phải khi nào cũng cần thiết cho các khía cạnh của sự tự nhận thức và mà trong một số trường hợp nhận thức có thể phát sinh từ các tương tác được phân phối giữa các mạng lưới thần kinh não.

Các mức độ tự nhận thức

Vậy chính xác làm thế nào mà trẻ em nhận thức được mình là những sinh vật tách biệt với người khác? Các nhà nghiên cứu cho rằng trẻ em phát triển thông qua một loạt các mức độ tự nhận thức từ lúc sinh cho tới khoảng 4 hoặc 5 tuổi. Tự nhận thức được quan sát bằng cách trẻ phản ứng với hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương.

Các loại tự nhận thức

Các nhà tâm lý học thường chia sự tự nhận thức thành hai loại khác nhau, tự nhận thức khi ở chốn công khai hoặc riêng tư một mình.


Tự nhận thức công khai

Loại tự nhận thức này nổi lên khi một người nhận thức được cách họ xuất hiện trước mặt người khác. Tự nhận thức công khai thường xuất hiện trong các tình huống khi người ta thấy mình là trung tâm của sự chú ý, chẳng hạn như khi thuyết trình hoặc nói chuyện với một nhóm bạn.


Loại tự nhận thức này thường buộc mọi người phải tuân thủ các chuẩn mực xã hội. Khi chúng ta nhận thức được rằng mình đang bị soi xét và đánh giá, ta thường cố gắng cư xử theo cách được xã hội chấp nhận và mong muốn.


Tự nhận thức công khai cũng có thể dẫn đến lo lắng bị đánh giá, do đó mọi người trở nên đau khổ, lo âu hoặc e ngại về cách người khác nhìn nhận mình.


Tự nhận thức riêng tư

Kiểu tự nhận thức này xảy ra khi mọi người nhận thức được một số khía cạnh của bản thân, nhưng chỉ theo một cách riêng tư.


Ví dụ, nhìn thấy khuôn mặt của bạn trong gương là một kiểu tự nhận thức riêng tư. Cảm thấy đau bụng khi bạn nhận ra rằng mình quên học bài cho một bài kiểm tra quan trọng hoặc cảm thấy trái tim mình rung động khi nhìn thấy ai đó mà bạn bị thu hút cũng là những ví dụ về sự tự nhận thức riêng tư.

Self-Consciousness - Tự ý thức: Một trạng thái bậc cao của tự nhận thức (Self-Awareness)

Đôi khi, mọi người có thể trở nên tự nhận thức quá mức và hướng vào cái được gọi là tự ý thức.

Bạn đã bao giờ cảm thấy như mọi người đang theo dõi bạn, phán xét hành động của bạn và chờ đợi xem bạn sẽ làm gì tiếp theo? Tình trạng tự nhận thức cao hơn này có thể khiến bạn cảm thấy lúng túng và lo lắng trong một số trường hợp.


Trong rất nhiều trường hợp, những cảm giác tự ý thức này chỉ là tạm thời và phát sinh trong các tình huống khi chúng ta "ở trong ánh đèn sân khấu". Tuy nhiên, đối với một số người, tự ý thức quá mức có thể phản ánh một tình trạng mãn tính như rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder).


Những người có tự ý thức cá nhân có mức độ tự nhận thức riêng tư cao hơn, đó có thể là một điều tốt lẫn xấu. Những người này có xu hướng nhận thức rõ hơn về cảm xúc và niềm tin của họ, và do đó có nhiều khả năng gắn chặt với các giá trị cá nhân của mình. Tuy nhiên, họ cũng có nhiều khả năng phải chịu hậu quả tiêu cực về sức khỏe như tăng căng thẳng và lo âu.


Những người tự ý thức công khai có mức độ tự nhận thức công khai cao hơn. Họ có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn về cách người khác nhìn nhận họ và thường lo ngại rằng người khác có thể đánh giá họ dựa trên ngoại hình hoặc hành động của họ. Kết quả là, những cá nhân này có xu hướng tuân theo các quy tắc số đông và cố gắng tránh các tình huống mà họ có thể trông tệ hại hoặc cảm thấy xấu hổ.

Lời kết

Tự nhận thức đóng một vai trò quan trọng trong cách chúng ta hiểu bản thân và cách chúng ta tương quan với người khác và thế giới. Tự nhận thức cho phép bạn đánh giá bản thân trong mối quan hệ với người khác. Đối với những người có cảm nhận cực kỳ cao về nhận thức bản thân, có thể dẫn đến tự ý thức quá mức. Nếu bạn cảm thấy rằng mình đang vật lộn với một ý thức tự thân gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn, hãy thảo luận với các triệu chứng của mình với bác sĩ để tìm hiểu thêm về những gì bạn có thể làm để đối phó với những cảm giác này.

 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Người dịch: Anh Đào Lê ; Biên tập: Phạm Đại Bàng

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing -

Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Коментарі

Оцінка: 0 з 5 зірок.
Ще немає оцінок

Додайте оцінку

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page