Người ta không bỗng dưng lớn lên có tính cách nội tâm, vì người lớn hướng nội đã từng là một đứa trẻ hướng nội. Điều gì đúng với một đứa trẻ hướng nội cũng đúng với người lớn hướng nội. Trái với quan điểm phổ biến cho rằng người hướng nội không có tính xã hội, và họ là những người cô đơn không thân thiện, thiếu kỹ năng xã hội. Họ chỉ đơn giản là có nhu cầu và sở thích xã hội khác chúng ta mà thôi.
Tình bạn
Không dễ để người hướng nội kết bạn mới vì làm quen với ai đó tốn rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên, người hướng nội không có nhu cầu mở rộng vòng tròn bạn bè. Họ ưa thích có một hoặc hai người bạn thân, mặc dù họ có thể biết nhiều người và có một số lượng lớn người quen biết. Mặc dù có sở thích như thế, những người hướng nội thường bị chỉ trích vì không nỗ lực kết bạn và thường bị nhìn nhận là thiếu kỹ năng xã hội.
Sở thích xã hội
Người hướng nội cần rất nhiều không gian cá nhân. Họ thích ở trong phòng một mình với cánh cửa đóng kín và những người không hiểu người hướng nội tin rằng mong muốn được ở một mình là một dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, đối với người hướng nội thì hành vi này là bình thường; nó không phải là một dấu hiệu né tránh cuộc sống. Ở gần người khác làm cho họ mệt mỏi vì vậy họ cần thời gian một mình để lấy lại năng lượng. Ở một mình cũng cho họ một cơ hội để suy nghĩ và cảm thấy mọi thứ không bị gián đoạn. Những người hướng nội không thích những bữa tiệc lớn và nếu họ phải tham dự một bữa tiệc, họ thích dành thời gian cho chỉ một hoặc hai người khác, nói về những điều họ rành về nó. Những đứa trẻ hướng nội ưa thích chơi cùng với một hoặc hai đứa trẻ khác.
Hoạt động ưu thích
Người hướng nội thích các hoạt động họ có thể làm một mình hoặc chỉ với một vài người khác. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi có rất nhiều đứa trẻ có tính cách hướng nội thích đọc sách. Họ cũng có xu hướng thích các hoạt động cho phép thể hiện sáng tạo, như viết lách, âm nhạc và nghệ thuật. Những đứa trẻ hướng nội cũng thích trò chơi yên tĩnh và giàu trí tưởng tượng. Khi có cơ hội tham gia vào một hoạt động nhóm hoặc trò chơi, người hướng nội thích lùi lại và quan sát trước khi tham gia. Nhiều người coi đây là sự nhút nhát, nhưng thực tế không phải vậy. Họ cảm thấy thoải mái hơn với những tình huống quen thuộc và họ chỉ đơn giản là cố gắng làm quen với hoạt động trước khi tham gia.
Hành vi xã hội
Người hướng nội có xu hướng trầm tính và nhún nhường. Họ không thích là trung tâm của sự chú ý, ngay cả sự chú ý tích cực. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người hướng nội không khoe khoang về thành tích hoặc kiến thức của họ. Trong thực tế, họ có thể biết nhiều hơn họ sẽ thừa nhận. Những đứa trẻ có tính cách hướng nội có thể dễ bị gán cho là "đần độn", chỉ bởi vì chúng dường như muốn che giấu khả năng của mình. Khi người hướng nội mệt mỏi, do ở trong một nhóm lớn hoặc nếu có quá nhiều điều đang diễn ra, họ có thể biểu lộ kém hoạt náo hơn, với ít biểu cảm trên khuôn mặt hoặc cử động cơ thể. Người hướng nội cũng có hai tính cách riêng biệt: một bộ mặt riêng tư và một bộ mặt công khai. Điều đó có thể giải thích tại sao họ có thể nói chuyện huyên thuyên trong môi trường thoải mái, như ở nhà và lại trầm lặng khi ở nơi khác.
Tương tác xã hội
Mặc dù người hướng nội có vẻ trông như là người thiếu các kỹ năng xã hội hoặc chống đối xã hội, nhưng điều đó không đúng. Cách thức tương tác xã hội của họ đơn giản là khác với người hướng ngoại mà thôi. Họ có xu hướng lắng nghe nhiều hơn nói và cũng là những người lắng nghe tuyệt vời. Họ chăm chú và sẽ giao tiếp bằng mắt với người họ đang lắng nghe và hiếm khi ngắt lời. Khi họ nói chuyện, người hướng nội có xu hướng nói những gì họ nghĩ và có thể rời mắt khỏi người họ đang nói chuyện. Họ không thích nói chuyện phiếm và thà không nói gì còn hơn là nói những điều họ cảm thấy không quan trọng. Mặc dù người hướng nội hay trầm lặng, họ sẽ nói chuyện không ngừng nếu họ quan tâm đến chủ đề đó. Họ cũng không thích bị ngắt lời khi đang nói, hoặc bị gián đoạn khi đang làm công việc gì đó.
Biểu hiện bằng lời nói
Nếu được lựa chọn, người hướng nội thà thể hiện ý tưởng của họ bằng chữ viết hơn là bằng lời nói. Khi họ phải nói, họ cần thời gian để suy nghĩ trước khi trả lời một câu hỏi. Đôi khi họ thậm chí cảm thấy cần phải luyện tập trong đầu những gì họ muốn nói trước khi nói ra. Sự cần thiết phải suy nghĩ trước khi nói thường dẫn đến việc người hướng nội chậm trả lời các câu hỏi hoặc bình luận. Khi họ nói chuyện, họ cũng có thể tạm dừng khá thường xuyên và thậm chí gặp vấn đề trong việc tìm đúng từ.
Cảm xúc và sự phản hồi cảm xúc
Người hướng nội trở nên cạn kiệt cảm xúc sau khi dành thời gian cho người khác, đặc biệt là người lạ. Họ không thích những nơi đông người và những đứa trẻ hướng nội thậm chí có thể trở nên cáu kỉnh và bực bội nếu chúng quanh quẩn với quá nhiều người trong thời gian quá dài. Ngay cả khi người hướng nội vui thích tham gia một bữa tiệc hoặc hoạt động, họ vẫn có thể cảm thấy kiệt sức sau đó. Cha mẹ thường đăng ký cho những đứa trẻ hướng nội tham gia nhiều hoạt động để giúp trẻ cải thiện các kỹ năng xã hội, nhưng lịch trình đầy hoạt động là quá sức đối với những trẻ này. Người hướng nội cũng khá ý thức về không gian riêng tư. Họ không thích chia sẻ không gian với người khác quá lâu và có thể thấy khách vào nhà là sự xâm phạm không gian cá nhân. Người hướng nội cũng rất khó khăn để chia sẻ cảm xúc của họ và cảm thấy xấu hổ sâu sắc trước những sai lầm công khai.
Đặc điểm và sở thích khác
Người hướng nội có thể tập trung cao độ vào một cuốn sách hoặc dự án trong một thời gian dài nếu họ thấy thú vị và thích khám phá các chủ đề một cách sâu sắc và kỹ lưỡng. Đó có thể là lý do tại sao những người hướng nội không muốn bị làm phiền khi họ đang đọc hoặc làm việc. Người hướng nội nhận thức cao về thế giới nội tâm, như là về sự nhận thức, suy nghĩ, ý tưởng, niềm tin và cảm xúc của chính họ. Họ cũng có ý thức cao về môi trường xung quanh, nhận thấy những chi tiết mà người khác không nhìn thấy được. Tuy nhiên, họ không lập tức nói ra suy nghĩ hoặc quan sát của họ. Ví dụ như họ có thể chờ vài ngày hoặc vài tuần mới nói về các sự kiện đó. Người hướng nội cũng ưa thích sự nhất quán hơn là thay đổi và họ đối phó với sự thay đổi tốt nhất khi biết trước những gì mong đợi và có đủ thời gian để chuẩn bị.
Thông tin về bản dịch: Bản dịch được dịch theo hình thức Crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing
Tác giả: Carol Bainbridge
Người dịch: Anh Đào Lê
Commentaires