Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn
Cơ thể và tâm trí có mối liên kết gắn bó vừa hữu hình vừa vô hình sâu sắc. Nhìn nhận lại toàn diện sức khỏe và hạnh phúc lành mạnh cả thể chất và tinh thần giúp chúng ta cân bằng và hài hòa đủ đầy cuộc sống. Có thể lúc nào đó chúng ta lãng quên một trong hai người bạn thiết thân này. Bây giờ chúng ta hãy chủ động nắm giữ lại mối kết nối vững chắc và tinh tế với cơ thể, tâm trí và cả tinh thần của chính mình. Hãy thử dành cho bản thân vài khoảnh khắc mỗi ngày để lắng lòng và lắng nghe cảm giác, cảm xúc và thông điệp cơ thể cũng như tâm trí muốn nói với chúng ta, bạn nhé!
Ngay cả trước Sigmund Freud và phong trào phân tâm học, các nhà tâm lý học đã tranh luận tại sao khái niệm cơ thể - tâm trí (body - mind) lại quan trọng như vậy đối với tâm lý học. Lý do cho điều này bắt nguồn từ ý tưởng rằng các điều kiện thể chất ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và các điều kiện tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất.
Không giống như ham muốn hay ước mơ, suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta không chỉ tồn tại trong tâm trí. Cảm giác, ừm, cũng là cảm giác thực tế có thật trên cơ thể chúng ta.
Mọi người đều có cảm giác nôn nao, rạo rực trong bụng khi đứng trên sân khấu hoặc trong buổi hẹn hò đầu tiên, trong khi những người dễ tức giận được mô tả là “có một cái đầu nóng”. Và trầm cảm thực sự hoạt động giống như đau đớn về thể chất ở cấp độ thần kinh hóa. Cơ thể nắm giữ sức khỏe thể chất và chức năng hoạt động của bạn. Ví dụ, ngay cả những hành động nhỏ như đi bộ và cử động linh hoạt của ngón tay cũng phụ thuộc vào một cơ thể khỏe mạnh.
Nhưng tâm trí là nơi chứa đựng tinh thần và động lực của bạn để hoạt động. Ngày nay, chúng ta có bằng chứng cho thấy sức khỏe tinh thần và thể chất có liên quan đến nhau, đến mức các nghiên cứu về sự hợp nhất giữa cơ thể và tâm trí trong tâm lý học dường như đặc biệt quan trọng (theo Taylor và cộng sự, 2010).
Mục lục bài viết:
Định nghĩa sự hợp nhất giữa Cơ Thể - Tâm Trí
Lập bản đồ cảm xúc: Nghiên cứu sự hiện diện vật lý của cảm xúc
Tác động vật lý của Cảm xúc Tích cực và Cảm xúc Tiêu cực
Chúng ta có thể lý giải sự thống nhất giữa tâm trí và cơ thể này như thế nào?
Trí tuệ bản năng cơ thể bên trong và bên ngoài
Kỹ thuật hợp nhất Cơ thể - Tâm Trí
Tâm lý học Tích cực và hợp nhất Cơ thể - Tâm trí
Tiến về phía trước
Lời nhắn nhủ cho bạn
Định nghĩa sự hợp nhất giữa Cơ Thể - Tâm Trí
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để hiểu sự hợp nhất giữa tâm trí và cơ thể. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự hợp nhất giữa cơ thể và tâm trí là rất quan trọng trong lĩnh vực y tế, vì bệnh nhân không cảm thấy sự phân chia rõ ràng giữa cơ thể và tâm trí của họ. Do đó, các bác sĩ không nên đưa ra những chẩn đoán tách rời tâm trí khỏi cơ thể (Davidsen và cộng sự, 2016).
Một cách tiếp cận y tế với việc hợp nhất tâm trí - cơ thể có liên quan tới việc đánh giá lại cách điều trị bệnh nhân theo lối nông cạn, hời hợt và để tránh điều trị các triệu chứng mà không xem xét các giải pháp tổng thể.
Nói tóm lại, theo Selhub (2007):
“Trong y học về tâm trí - cơ thể, tâm trí và cơ thể không được coi là những thực thể hoạt động riêng biệt, mà là một đơn vị hoạt động. Tâm trí và cảm xúc được xem là ảnh hưởng đến cơ thể, và ngược lại, cơ thể ảnh hưởng đến tâm trí và cảm xúc” (trang 4).
Bên cạnh các phương pháp tiếp cận y tế nghiêm ngặt, còn có các mô hình tích hợp giữa tâm trí và cơ thể dựa trên khoa học thần kinh. Ví dụ, Taylor cùng cộng sự (2010) đã thảo luận về một số mô hình dựa trên tâm sinh lý nơi các tế bào thần kinh và cơ nhất định ảnh hưởng đến các trạng thái tinh thần như căng thẳng.
Các mô hình của các nghiên cứu khác nhau đều chỉ ra hiệu ứng hai chiều được thúc đẩy bởi cả yếu tố từ trên xuống và từ dưới lên. Trong trường hợp này, cơ chế từ trên xuống được định nghĩa là những cơ chế bắt đầu trong các quá trình tâm thần ở vỏ não, và cơ chế từ dưới lên là những cơ chế bắt đầu với các thụ thể cảm giác.
Lập bản đồ cảm xúc: Nghiên cứu sự hiện diện vật lý của cảm xúc
Một nghiên cứu năm 2013 tập trung vào vị trí mọi người trải qua những cảm xúc khác nhau trong cơ thể. Nghiên cứu này đã tạo thành “bản đồ” đầu tiên minh họa mối liên hệ giữa cảm xúc và cảm giác cơ thể của chúng ta. Trong nghiên cứu, một nhóm các nhà nghiên cứu Phần Lan đã tạo ra những cảm xúc khác nhau ở 701 người tham gia và sau đó yêu cầu họ tô màu trên bản đồ cơ thể về nơi họ cảm thấy hoạt động tăng hoặc giảm (Nummenmaa cùng cộng sự, 2013).
Những người tham gia nghiên cứu đến từ cả các nước Tây Âu (Phần Lan và Thụy Điển) và các nước Đông Á (Đài Loan). Bất chấp sự khác biệt về văn hóa, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những điểm tương đồng đáng chú ý trong cách những người tham gia phản ứng.
Các nhà nghiên cứu giải thích những phát hiện của họ:
“Hầu hết các cảm xúc cơ bản đều liên quan đến cảm giác hoạt động mạnh ở vùng ngực trên, có thể tương ứng với những thay đổi về nhịp thở và nhịp tim. Tương tự, các cảm giác ở vùng đầu xuất hiện với tất cả các cảm xúc, phản ánh cả những thay đổi sinh lý ở vùng mặt […] cũng như những thay đổi cảm nhận trong tâm trí do các sự kiện kích hoạt cảm xúc gây ra”
Những hình ảnh dưới đây đại diện cho bản đồ cơ thể cho sáu cảm xúc cơ bản. Màu vàng cho biết mức độ hoạt động cao nhất, tiếp theo là màu đỏ. Màu đen là trung tính, trong khi màu xanh lam và xanh lam nhạt cho thấy hoạt động tương ứng giảm và rất thấp.
Cùng với những cảm xúc cơ bản, đây là bản đồ cơ thể của sáu cảm xúc phức tạp hơn:
Bây giờ là lúc chúng ta khám phá lý do tại sao chúng ta cảm nhận được những cảm xúc tương ứng này.
Tác động vật lý của Cảm xúc Tích cực và Cảm xúc Tiêu cực
Mỗi cảm xúc chúng ta trải qua có một biểu hiện khác nhau trong cơ thể. Hãy giải mã những cảm xúc chính này và phản ứng thể chất của chúng:
1) Hạnh phúc
Hạnh phúc là một trong những cảm xúc lấp đầy toàn bộ cơ thể bằng hoạt động. Điều này có thể cho thấy cảm giác sẵn sàng về thể chất đi kèm với trạng thái vui vẻ và tăng cường giao tiếp giữa cơ thể và não bộ. Chúng ta thường cảm thấy an toàn khi chúng ta hạnh phúc, vì vậy trong trạng thái này, chúng ta có thể dành toàn bộ sự chú ý để trải nghiệm bản thân như một phần của thế giới đầy niềm vui xung quanh chúng ta.
2) Tình yêu
Đây là một cảm xúc nổi bật khác giúp kích hoạt cơ thể, chỉ trừ một phần nhỏ ở chân. Tình yêu thường gắn liền với ham muốn thể xác, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nó kích hoạt cảm giác trong cơ quan sinh sản mạnh hơn cảm giác hạnh phúc. Trọng tâm cảm xúc của tình yêu vừa là đối tượng của tình cảm vừa là cường độ của cảm xúc trong cái tôi chủ quan; do đó, có sự kích hoạt dữ dội xung quanh đầu và ngực nhưng khó nhận thấy hơn ở các chi dưới.
3) Niềm tự hào
Cảm xúc này tràn ngập vùng đầu và ngực với một cảm giác rất dữ dội. Mô hình kích hoạt này tương ứng với việc tập trung vào bản thân, với các nguồn lực và nhận thức được hướng vào bên trong và tránh xa các bộ phận ngoại vi như tay chân.
Mặc dù cảm xúc ngạc nhiên cũng diễn ra theo một mô hình tương tự, nhưng sức mạnh của việc kích hoạt ít hơn nhiều, vì các nguồn lực hút vào bên trong để chuẩn bị cho cơ thể đối mặt với nguy hiểm. Bởi vì sự ngạc nhiên có thể tích cực, tiêu cực hoặc trung tính, cơ thể trải nghiệm nó theo cách phản ánh sự không chắc chắn về sự kiện kích hoạt gây ra.
4) Giận dữ
Giận dữ là cảm xúc tiêu cực có khả năng kích hoạt mạnh nhất, đặc biệt là ở đầu, ngực và tay. Cơ thể tức giận tự chuẩn bị cho xung đột bằng cách tập trung sự chú ý và nguồn lực vào các bộ phận của cơ thể có thể phải hành động.
Khi chúng ta hình dung về sự tức giận hoặc thời điểm mà chúng ta cảm thấy tức giận, nhiều người mô tả một mong muốn rất lớn để đánh đấm một cái gì đó. Điều này phù hợp với quá trình quét hình ảnh khi cảm giác tràn đến tay chúng ta.
5) Sợ hãi
Nỗi sợ hãi có một kiểu kích hoạt tương tự nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều, khi cơ thể chuẩn bị vào tư thế chiến hay biến (fight-or-flight), nhưng không nhất thiết phải tìm kiếm sự va chạm trực diện.
Rõ ràng, nỗi sợ hãi đòi hỏi phải suy nghĩ ngay lập tức: tôi quyết định chạy trốn khỏi kẻ săn mồi này, hay chiến đấu cho đến chết? Theo thuật ngữ hiện đại, tôi cảm thấy mình có thể giữ vững lập trường của mình với mối nguy đáng sợ này, hay tôi nên bỏ trốn? Vì vậy, có nghĩa là chúng ta trải qua nỗi sợ hãi với cảm giác dồn dập lên đầu.
6) Chán ghét, ghê tởm
Sự chán ghét kéo các nguồn lực của cơ thể nén càng thêm chặt vào lõi của cơ thể. Cảm xúc này khiến cơ thể chuẩn bị đào thải bất kỳ chất độc hại nào nó đã tiếp nhận vào, do đó, trọng tâm của hoạt động dọc theo đường tiêu hóa.
Khi chúng ta cảm thấy ghê tởm, chán ghét người khác, có lẽ chúng ta cảm thấy tập trung cảm giác trong các cơ quan quan trọng của mình, như một phản ứng bảo vệ tự nhiên để chống lại sự ghét bỏ đó.
7) Xấu hổ và khinh thường
Mặc dù sự xấu hổ và sự khinh thường có các kiểu kích hoạt tương tự nhau, nhưng sự khinh thường ít kích hoạt trong lồng ngực hơn. Điều này có thể là do trọng tâm của sự khinh miệt nằm ngoài cái tôi và sự phán xét của người khác. Mặt khác, sự xấu hổ tập trung vào cảm giác thất bại cá nhân và phán xét bản thân vì đã gây ra điều này.
Sự suy giảm hoạt động ở các chi thể hiện rất rõ khi xấu hổ. Có lẽ điều này là do cơ thể tự rút các nguồn lực vào trong để chuẩn bị phản ứng chiến hay biến (fight-or-flight).
8) Lo âu
Lo âu là một dạng căng thẳng dài hạn, mức độ thấp. Nó kích hoạt lồng ngực dữ dội và có thể dẫn đến cảm giác sụp đổ hoặc sợ hãi, giống như trải nghiệm của các cơn hoảng loạn. Những người trải qua các cơn hoảng sợ thường cho biết họ cảm thấy đau thắt ở ngực, và không thể suy nghĩ được ngoài nỗi sợ hãi dồn dập vào lúc đó.
Những cảm giác này có thể dẫn tới sự căng thẳng tương ứng của tim và phổi khi chúng phải cố gắng đấu tranh để cung cấp oxy cho cơ thể trong điều kiện sợ hãi kéo dài.
9) Trầm cảm
Đây là sơ đồ đáng chú ý nhất về những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Nó không kích thích sự kích hoạt ở bất kỳ phần nào của cơ thể và làm giảm sự kích hoạt ở các chi.
Trong trạng thái trầm cảm, rất khó để kết nối với bản thân năng động và thế giới bên ngoài. Nỗi buồn không kìm nén được cảm giác ở đầu và ngực và thường góp phần vào việc thiếu sinh lực hoặc hoạt động nói chung.
Chúng ta có thể lý giải sự hợp nhất giữa tâm trí và cơ thể này như thế nào?
Bởi vì cảm xúc biểu hiện trong cơ thể dưới dạng cảm giác vật lý, theo đó cảm giác thể chất có thể tạo ra cảm xúc tương ứng. Nhà khoa học thần kinh phân tử Lauri Nummenmaa giải thích như sau:
“Cảm xúc không chỉ điều chỉnh tinh thần mà còn điều chỉnh trạng thái cơ thể của chúng ta. Bằng cách này, chúng chuẩn bị cho chúng ta phản ứng nhanh chóng trước những nguy hiểm, cũng như với những cơ hội […]. Nhận thức về những thay đổi cơ thể tương ứng với xúc cảm chúng ta có thể kích hoạt những cảm xúc có ý thức, chẳng hạn như cảm giác hạnh phúc”
Ví dụ, giống như hơi ấm của chiếc chăn quấn quanh vai bạn vào một ngày lạnh giá, có thể chuyển từ cảm giác ấm áp của thể chất thành cảm giác hạnh phúc và an toàn.
Mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể là thứ mà chúng ta cảm nhận được theo bản năng, nhưng liệu chúng ta có chú ý đến cảm giác cơ thể của mình mỗi giây mỗi phút?
Để hiểu được đời sống tình cảm của chính mình và của những người xung quanh, chúng ta cần có nhận thức sâu sắc hơn, có thể đạt được thông qua thực hành tỉnh thức chánh niệm (mindfulness) và phát triển trí tuệ bản năng cơ thể (body intelligence).
Hãy dành một chút thời gian để ghi nhận cảm giác thể chất của bạn hiện tại, cũng như cơn lũ cảm xúc tiếp theo sau đó của bạn, nó tràn ngập nào là niềm vui, nỗi đau buồn và rồi sự bình tĩnh. Theo thời gian, điều này có thể giúp bạn chạm tới nhiều hơn những khía cạnh đang tồn tại và cung cấp cho bạn sự hiểu biết phong phú về toàn bộ mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể của bạn.
Trí tuệ bản năng cơ thể là một phương pháp tâm lý học nêu bật tầm quan trọng của việc nhận biết cảm giác cơ thể như một cách để cải thiện sức khỏe của chúng ta.
Bước đầu tiên là nhận biết các tín hiệu và cảm giác bên trong mà cơ thể nói với bạn.
Trí tuệ bản năng cơ thể bên trong và bên ngoài
Cơ thể là đối tượng của các tác nhân gây căng thẳng liên tục, cả bên ngoài và bên trong (theo Antonovsky, 1993). Là một phần không thể thiếu của bộ máy con người, nó truyền đạt những gì nó cần để tồn tại và đối phó với những tác nhân gây căng thẳng — chúng ta chỉ cần tích cực lắng nghe chúng.
Khi chúng ta phải đối mặt với những cảm xúc khó khăn, những cách không lành mạnh như tự dùng thuốc hoặc áp dụng các hình thức chối bỏ, là những cách mà mọi người thường xuyên sử dụng để đối phó với cảm giác không mong muốn. Thay vào đó, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dựa vào những cảm giác khó chịu này để hiểu các thông điệp mà cơ thể đang chuyển đến cho tâm trí của chúng ta?
Mặc dù có thể khuây khỏa một lúc, nhưng cơ chế đối phó không lành mạnh, thiết thực này có thể gây hại cho sức khỏe. Chúng không tạo điều kiện cho những cải thiện lâu dài mà chúng ta cần để giải quyết nguồn gốc thực sự của sự khó chịu. Trí tuệ bản năng cơ thể cung cấp các công cụ để củng cố mối liên kết giữa tâm trí và cơ thể và hướng tới 'sức khỏe lành mạnh và hạnh phúc toàn vẹn' (well-being) tích cực.
Trí tuệ bản năng cơ thể không thể loại bỏ bệnh tật, nhưng nó có thể giúp bạn hiểu được cảm giác của cơ thể. Nó có thể làm giảm một số triệu chứng căng thẳng như đau ngực, đau đầu, thay đổi nhịp tim và những triệu chứng khác.
Duperly và cộng sự (2008) phát hiện ra rằng, đối với sinh viên y khoa, duy trì một thái độ tích cực là rất quan trọng trong các tiêu chí phòng ngừa và giữ gìn sức khỏe của họ. Các sinh viên có thái độ tích cực thì chấp nhận lời khuyên phòng bệnh tốt hơn, nên không để cho tình trạng căng thẳng hoặc rối loạn buộc trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu. Ví dụ về phòng chống bệnh tật này là một ví dụ chính cho thấy cách thức thái độ định hình các khía cạnh khác của cuộc sống và tác động đến sức khỏe.
Vậy làm thế nào để chúng ta tạo ảnh hưởng lên động lực vô thức này trong suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác thể chất? Dưới đây là danh sách toàn diện các kỹ thuật giúp xây dựng trí tuệ bản năng cơ thể, điều chỉnh sự chú ý của chúng ta và nâng cao nhận thức về cơ thể để có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
Kỹ thuật hợp nhất Cơ thể - Tâm Trí
Lĩnh vực hợp nhất cơ thể - tâm trí bao gồm một số quy luật và phương pháp tiếp cận. Đây là mục tiêu chính của kỹ thuật này:
“Mục tiêu của các kỹ thuật tâm trí - cơ thể là điều chỉnh hệ thống phản ứng với căng thẳng để có thể duy trì sự cân bằng, khôi phục hoạt động của vỏ não trước trán, giảm hoạt động của hạch hạnh nhân và khôi phục hoạt động bình thường của trục HPA và hệ thống thần kinh giao cảm-nhân lục (locus ceruleus-sympathetic nervous system)” (theo Selhub, trang 5).
Lĩnh vực y tế bao gồm một loạt các kỹ thuật “thay thế” nhằm nâng cao nhận thức và củng cố mối liên kết giữa tâm trí và cơ thể. Năm ví dụ về các phương thức này bao gồm: tỉnh thức chánh niệm (mindfulness), thiền, thư giãn, phản hồi sinh học (biofeedback) và ba phương pháp thực hành Yoga, Thái cực quyền và Khí công (theo McGuire cùng cộng sự, 2016). Hãy khám phá những điều này sâu hơn dưới đây.
1. Tỉnh thức Chánh niệm (Mindfulness)
“Tỉnh thức Chánh niệm được đặc trưng bởi nhận thức sâu sắc, không đánh giá và duy trì nhận thức trong từng khoảnh khắc về các trạng thái và tiến trình tinh thần có thể cảm nhận được. Điều này bao gồm nhận thức liên tục, tức thì về các cảm giác thể chất, quan điểm, trạng thái cảm xúc, suy nghĩ và hình dung.”(theo Grossman,cùng cộng sự, 2003).
Chánh niệm tỉnh thức là một công cụ mạnh mẽ trong điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần, các tình trạng liên quan đến căng thẳng, ung thư và các tình trạng tim mạch. Những người dễ bị trầm cảm, lo âu và các tình trạng liên quan đến căng thẳng, thường dính chấp vào việc suy nghĩ quá nhiều và nghiền ngẫm. Họ cũng phải vật lộn với việc tách khỏi những suy nghĩ và lo lắng của mình, điều này có thể khiến họ rơi vào tình trạng kiệt sức. Chánh niệm tỉnh thức rất quan trọng đối với những người đang tự vật lộn trong tâm trí rối bời, như một cách để hướng sự chú ý của họ vào trải nghiệm hiện tại.
Fazekas, Leitner và Pieringer (2010) cho rằng tầm quan trọng của việc nhận ra chính xác cảm xúc đang trải nghiệm là một cách để thực hành tự điều chỉnh hiệu quả. Các dấu hiệu bên trong là một phương tiện luôn sẵn có để phát triển trí tuệ bản năng cơ thể; ví dụ, nhận biết “Hôm nay tôi cảm thấy lo âu trong người”, thực sự khiến hạch hạnh nhân thư giãn. Cơ thể bình tĩnh lại khi tâm trí nhận ra những gì nó đang cảm thấy (2010).
Giảm căng thẳng dựa trên tỉnh thức chánh niệm (Mindfulness-Based Stress Reduction) là một ví dụ khác về các liệu pháp dựa trên chánh niệm. Đây là một khóa học có cấu trúc chương trình cung cấp cho những người tham gia một cam kết mới về cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc toàn vẹn. Về cơ bản, chánh niệm chuyển hướng chú ý đến môi trường bên ngoài để chúng ta có thể thoát khỏi vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực của chúng ta, hoặc sự đau đớn và khó chịu.
Bằng cách phá vỡ các mô thức suy nghĩ trong quá khứ, những cách tiếp cận này làm chậm nhịp tim và làm dịu hơi thở, giúp cơ thể tiếp tục thư giãn và sau đó tràn ngập cơ thể với các chất dẫn truyền thần kinh dễ chịu hơn. Điều này tiếp tục tạo ra một vòng lặp phản hồi tích cực.
2. Thiền
Trong thiền truyền thống, trọng tâm chính để rèn luyện sự chú ý là hít vào và thở ra không khí bằng mũi. Nghiên cứu về hơi thở xác nhận rằng bằng cách hòa hợp với hơi thở và chú ý đến nó, hơi thở của bạn sẽ chậm lại một cách tự nhiên. Điều này giúp cơ thể thư giãn, dẫn đến ít lo âu, trầm cảm và tức giận.
Nếu bạn cảm thấy quá tải với tất cả các tài liệu hiện có, hãy cân nhắc thử một cách mỗi ngày trong thời gian 5 phút. Có thể trước khi ăn tối hoặc khi thức dậy, để bạn thiết lập lại bộ não của mình.
3. Các kỹ thuật thư giãn
Có những lúc cần phải cảnh giác và căng thẳng. Tuy nhiên, rất nhiều lúc, chúng ta không cần đến cảm giác căng thẳng quá mức cảnh giác. Làm thế nào để chúng ta giúp bản thân thư giãn? Có rất nhiều cách.
Thư giãn cơ bắp tăng dần (Progressive Muscle Relaxation - PMR) là một ví dụ về liệu pháp thư giãn được biết là giúp xây dựng trí tuệ bản năng của cơ thể. Thư giãn cơ bắp tăng dần chỉ dẫn chúng ta căng cơ một cách có hệ thống và sau đó thả lỏng cơ bắp, làm như thế trên từng nhóm cơ tại một thời điểm. Quá trình này dẫn đến giảm căng thẳng về thể chất bằng cách tăng cường sự tập trung vào cơ thể.
Có các kỹ thuật thư giãn khác bao gồm Quán sát cơ thể (Body Scan) và các hình thức tự chăm sóc khác.
4. Phản hồi sinh học (Biofeedback)
Một kỹ thuật tiên phong để xây dựng trí tuệ bản năng của cơ thể là phản hồi sinh học. Đây là việc sử dụng theo dõi khoa học và sinh lý của cơ thể để nâng cao nhận thức về các trạng thái cơ thể bằng các điện cực. EMG - điện cơ đồ, cho phép mọi người thay đổi trạng thái của cơ thể (theo Ancoli, Peper và Quinn).
Bằng chứng ủng hộ phản hồi sinh học đã rất mạnh mẽ; nó có thể làm giảm một số rối loạn như huyết áp cao và chứng đau nửa đầu. Một trong những đặc quyền quan trọng nhất của phản hồi sinh học là khả năng tự định hướng mà nó tạo ra. Nhức đầu, hen suyễn, đau bụng tái phát, đau vùng chậu và rối loạn giấc ngủ chỉ là một trong số các bệnh mà phản hồi sinh học có thể giúp chữa trị.
5. Yoga, Thái cực quyền, Khí công
Ba cách luyện tập thể chất này tập trung vào việc sử dụng các chuyển động của cơ thể thu hút sự chú ý đến trải nghiệm bên trong của hiện tại.
Tốc độ chậm và ổn định của các chuyển động giúp chúng ta thư giãn và giảm căng thẳng về thể chất. Chúng cũng tạo ra một trạng thái tinh thần tập trung giúp giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Một báo cáo từ Harvard Health đã khám phá những lợi ích của ba kỹ thuật hợp nhất cơ thể - tâm trí này, khám phá cách chúng hỗ trợ chống lại chứng lo âu và trầm cảm.
Tâm lý học Tích cực và hợp nhất Cơ thể - Tâm trí
Trong hai nghiên cứu gần đây, các kỹ thuật tâm trí - cơ thể đã giúp điều trị chứng trầm cảm ở trẻ em và người lớn.
Một nghiên cứu của Staples, Atti và Gordon (2011) đã nêu bật những cải thiện đáng kể trong các triệu chứng trầm cảm và giảm cảm giác vô vọng đối với 129 trẻ em và thanh thiếu niên Palestine, trong một nhóm luyện tập kỹ năng tâm trí - cơ thể kéo dài 10 buổi.
Những kỹ năng về tâm trí - cơ thể này bao gồm thiền định, hình dung có định hướng (guided imagery), kỹ thuật thở, huấn luyện tự sinh (autogenic training), phản hồi sinh học (biofeedback), biểu đồ gia tộc (genogram) và thể hiện bản thân thông qua các bức tranh và chuyển động. Sau 7 tháng, những tiến bộ vẫn giúp giải quyết các khó khăn và xung đột đang diễn ra. Ngay cả cảm giác tuyệt vọng cũng được xóa bỏ.
Có một số biện pháp can thiệp tâm lý tích cực sử dụng sự hợp nhất giữa cơ thể và tâm trí (theo Wong và cộng sự, 2015, Zeller và cộng sự, 2004). Ví dụ, Jindani & Khalsa (2015) đã nghiên cứu tác động của một chương trình yoga đối với những người tham gia bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder - PTSD). Những người tham gia nhận thấy rằng phương pháp can thiệp bằng yoga có “hiệu quả cao”. Bản thân PTSD cũng có thể được coi là một rối loạn tâm trí - cơ thể, vì các triệu chứng có thể biểu hiện ở cả thể chất và tinh thần. Một kế hoạch điều trị tâm trí - cơ thể dường như cần thiết cho tình trạng này.
Một đánh giá về “các phương pháp y học thay thế” - alternative medicines (chẳng hạn như yoga, thôi miên và thiền định) cho thấy chúng có thể hữu ích trong việc kiểm soát căng thẳng và có ảnh hưởng đến các tình trạng tâm thần khác (theo Park, 2015). Park tuyên bố rằng những phát hiện này hỗ trợ lý do tại sao các phương pháp điều trị cơ thể - tâm trí nên được tích hợp vào tâm lý học lâm sàng.
Với tất cả các bằng chứng cho thấy tác động của các phương pháp điều trị tâm trí - cơ thể trong điều trị rối loạn tâm thần, cải thiện sức khỏe tâm thần và giúp sức khỏe thể chất tốt hơn, tại sao những phương pháp này vẫn chưa được áp dụng phổ biến trong tâm lý học lâm sàng?
Các nhà tâm lý học tích cực đã sẵn sàng để cho phương pháp tiếp cận sức khỏe hạnh phúc toàn diện này trở thành xu hướng chủ đạo.
Tiến về phía trước
Hợp nhất nhất cơ thể - tâm trí nói chung vẫn là một nguồn chưa được khai thác trong lĩnh vực tâm lý học. Có một số lý thuyết khác nhau về sự hợp nhất giữa tâm trí và cơ thể vì nó liên quan đến các vấn đề y tế và tâm lý, và với nhiều nghiên cứu hơn, có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi hầu hết các nhà tâm lý học kết hợp các kỹ thuật này. Nếu tâm trí và cơ thể thực sự hòa nhập, thay vì một bên chỉ phản ứng với bên kia, thì sự kết nối sâu hơn giữa cơ thể và tâm trí là chìa khóa cho sức khỏe thể chất và tinh thần tổng thể.
Một bước tiếp theo để củng cố các nghiên cứu này là đo lường mức độ hạnh phúc lành mạnh toàn vẹn (well-being) bằng cách đo lường rõ ràng tình trạng lành mạnh về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần. Các nội dung giảng dạy tâm lý học tích cực cũng có thể tìm cách chỉ dẫn mọi người hiểu biết toàn diện hơn về bản thân.
Cảm nhận rõ hơn về trí tuệ bản năng cơ thể, khi học cách đối phó với những thách thức trong cuộc sống, liên quan đến các mục tiêu khác trong lĩnh vực tâm lý tích cực. Ví dụ, chỉ dạy khả năng phục hồi cho thân chủ, hoặc thực hành tự chăm sóc cho bản thân, phù hợp với những mục tiêu chăm sóc cơ thể và tâm trí của chúng ta.
Lời nhắn nhủ cho bạn
Tâm trí và cơ thể là những công cụ tuyệt vời nhất mà chúng ta sở hữu để đạt được hạnh phúc toàn vẹn tích cực. Chúng ta bắt buộc phải học về trí tuệ bản năng cơ thể, và sử dụng nó như một phần của việc điều trị và phòng ngừa bệnh tật về thể chất và tinh thần.
Các thực hành như thư giãn cơ bắp tăng dần (progressive muscle relaxation), giảm căng thẳng dựa trên tỉnh thức chánh niệm (mindfulness-based stress reduction), thiền, chánh niệm, phản hồi sinh học (biofeedback) và yoga, chỉ là một vài cách để tăng cường kết nối giữa cơ thể và tâm trí.
Các can thiệp tâm lý tích cực hiện nay đã bao gồm các kỹ thuật tích hợp tâm trí - cơ thể. Bất kỳ ai tìm cách cải thiện sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của mình đều có thể đạt được lợi ích từ cách tiếp cận toàn diện về sự kết hợp giữa cơ thể và tâm trí này.
Bạn có thể kết hợp phương pháp nào trong số năm phương pháp thực hành vào thói quen của mình và làm thế nào? Có những tài nguyên nào khác mà bạn sử dụng để giúp bạn hoặc thân của bạn kết nối thân - tâm toàn vẹn không?
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
Cảm Xúc Tích Cực Và Tiêu Cực Là Gì? Liệu Chúng Ta Có Cần Cả Hai?
MINDFUL BREATHING - Bài tập hít thở 5 phút giải tỏa stress và cân bằng cảm xúc tiêu cực
Mindfulness-Based Art Therapy - Lợi Ích Của Trị Liệu Nghệ Thuật Dựa Trên Thực Hành Tỉnh Thức
Liệu Pháp Yoga (Yoga Therapy) Là Gì? Và Liệu Pháp Yoga Mang Lại Những Gì Cho Bạn?
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết
1. Compassion Expert Booking: Trần Thị Mỹ Yến - Mindfulness Coach
Cô Mỹ Yến hiện là người sáng lập và chủ tịch của Mindful Living Institue. Cô Mỹ Yến là 1 trong 5 Giảng viên chính thức đầu tiên của Search Inside Yourself tại Việt Nam, một chương trình phát triển trí tuệ cảm xúc dựa trên hiểu biết về khoa học thần kinh và Mindfulness dành cho lãnh đạo, được phát triển từ cái nôi của Google.
Xem chi tiết: Tại đây
2. Khóa đào tạo Mindful Leadership Program: SEARCH INSIDE YOURSELF - LÃNH ĐẠO TỪ BÊN TRONG
Xem chi tiết: Tại đây
Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://positivepsychology.com/body-mind-integration-attention-training/
Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Trang ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Comments