Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:
Trong bộ phim Poetry - Thi Ca (2010) của đạo diễn Lee Chang-dong, bộ phim được đề cử Cành Cọ Vàng - và sau đó thắng giải 'Best Screenplay' (kịch bản hay nhất) tại liên hoan phim Cannes năm 2010. Nhân vật chính là một phụ nữ trung niên, sau một số biến cố trong cuộc sống, cũng như sức khỏe của mình, cô tình cờ tham dự một lớp học: Lớp học làm thơ. Và lớp học ấy là bước đầu tiên, tác động tới cách cô ấy nhìn nhận về cuộc sống, mà mọi thứ dường như đã trở nên khác biệt hoàn toàn sau đó.
Để viết được một bài thơ, thầy giáo của lớp gợi ý mọi người hãy quan sát thật kỹ mọi thứ và cảm nhận sâu nhất bằng trái tim mình. Và cô ấy, đã là người thực hành việc này một cách sâu sắc nhất. Cô quan sát từng trái táo, ngắm nhìn từng chiếc cây trước nhà, cảm nhận từng cơn gió, 'chạm' vào cảnh vật trên cánh đồng, dòng sông... để tìm cho mình cảm hứng viết nên bài thơ của riêng mình.
Và cũng với cách cảm nhận mọi thứ sâu sắc ấy, đã giúp cô có cái nhìn sáng rõ hơn về biến cố dẫn tới cái chết của một cô bé học sinh, cái chết mà có liên quan trực tiếp đến đứa cháu ngoại của mình.
Có thể nói rằng, ở góc độ nào đó, cách tiếp cận thơ ca ấy, đã giúp cô ấy phần nào chữa lành những tổn thương của mình, nhìn nhận mọi thứ sâu sắc và sáng rõ hơn. Để rồi chuyển tải nói ra thông qua việc ghi chép, viết lách.
Đó cũng chính là một trong những tác dụng quan trọng của Thơ Ca. Không chỉ là nghệ thuật, thơ ca còn giúp con người hàn gắn tổn thương, chữa lành & sống hạnh phúc hơn. Yếu tố này đã được các nhà trị liệu tâm lý ứng dụng để tạo nên Liệu Pháp Thơ Ca (Poetry Therapy) - một liệu pháp đã được áp dụng sâu rộng & từ rất lâu trên thế giới.
Thông qua bài đăng bên dưới, Compassion xin mời độc giả cùng tìm hiểu về Poetry Therapy, cũng như thực hành nó nhé.
Một workshop sắp diễn ra của Compassion, cũng có ứng dụng một phần của Poetry Therapy để thực hành cùng nhau. Mời bạn cùng tham gia: Workshop Viết & Khai Vấn: Write Your Life Story.
Liệu pháp thơ ca, là một hình thức trị liệu nghệ thuật biểu đạt, liên quan đến việc sử dụng các bài thơ, các câu chuyện kể và các phương tiện nói hoặc viết khác, để nâng cao niềm vui sống và chữa lành. Các nhà trị liệu có thể sử dụng các tác phẩm văn học hiện có như một phần của việc điều trị hoặc khuyến khích những người tham gia trị liệu tạo ra các tác phẩm văn học của riêng họ để thể hiện được cảm xúc một cách sâu sắc. Trong cả hai trường hợp, nhà trị liệu sẽ mang đến một bầu không khí an toàn, không phán xét, trong đó những người tham gia trị liệu có thể khám phá các biểu đạt bằng chữ của họ và các phản ứng cảm xúc liên quan.
Mặc dù bất kỳ chuyên gia sức khỏe tâm thần nào cũng có thể kết hợp các yếu tố của liệu pháp thơ ca vào thực hành trị liệu của họ, tuy nhiên Liên đoàn quốc tế về Liệu pháp Đọc sách(*)/Thơ ca (International Federation for Biblio/Poetry Therapy) đã phát triển một chương trình có chứng nhận cho những người muốn trở thành nhà trị liệu thơ ca (được chứng nhận hoặc được đăng ký để hành nghề).
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA LIỆU PHÁP THƠ CA
Hiệu quả chữa lành của ngôn từ đã được công nhận từ lâu. Khoảng 4000 TCN, người Ai Cập đầu tiên đã viết một số từ trên giấy cói, hòa tan chúng trong chất lỏng và đưa chúng cho những người bị bệnh như một dạng thuốc chữa bệnh. Trong lịch sử gần đây, đọc và viết biểu đạt đã được sử dụng như phương pháp điều trị bổ sung cho những người gặp khó khăn về tinh thần hoặc cảm xúc. Bệnh viện Pennsylvania, bệnh viện đầu tiên được thành lập tại Hoa Kỳ, được cho là đã sử dụng phương pháp này sớm nhất là vào giữa những năm 1700. Đầu những năm 1800, Tiến sĩ Benjamin Rush đã giới thiệu thơ ca như một hình thức trị liệu cho những người được điều trị. Năm 1928, nhà thơ và dược sĩ Eli Griefer bắt đầu cung cấp những bài thơ như là một đơn thuốc và cuối cùng bắt đầu các nhóm "liệu pháp thơ" tại hai bệnh viện khác nhau với sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần Tiến sĩ Jack L. Leedy và Tiến sĩ Sam Spector. Sau khi Griefer qua đời, Leedy và những người khác tiếp tục kết hợp thơ ca vào quy trình của các nhóm trị liệu, cuối cùng kết hợp lại để thành lập Hiệp hội Liệu pháp Thơ ca (APT) vào năm 1969.
Các thủ thư cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của phương pháp trị liệu này. Arleen Hynes, một người tiên phong trong lĩnh vực này, là một thủ thư bệnh viện, người đã đọc về liệu pháp thơ ca và bắt đầu đọc to các câu chuyện và bài thơ, tạo điều kiện cho những cuộc thảo luận về các tác phẩm và sự liên quan của nó với từng cá nhân để tiếp cận tốt hơn với những người được điều trị và khuyến khích chữa lành. Cuối cùng, cô bắt đầu phát triển một chương trình đào tạo về trị liệu bằng thơ ca, vào khoảng thời gian các cá nhân khác cũng làm như vậy. Năm 1980, tất cả những người đứng đầu trong lĩnh vực này đã được mời đến một cuộc họp để chính thức hóa các hướng dẫn đào tạo và chứng nhận. Trong cuộc họp đó, Hiệp hội Trị liệu Thơ Quốc gia (NAPT) đã được phát triển từ APT.
Khi sự quan tâm tăng lên, một số cuốn sách và bài báo đã được viết để hướng dẫn các học viên thực hành liệu pháp thơ ca. Hynes và Mary Hynes-Berry đồng tác giả ấn phẩm năm 1986 có tên "Cẩm nang Liệu pháp Đọc sách (Bibliotherap) - Quá trình tương tác". Gần đây, Nicholas Mazza đã phác thảo một mô hình hiệu quả cho liệu pháp thơ ca, cũng thảo luận về ứng dụng lâm sàng của nó, trong cuốn "Liệu pháp Thơ ca: Lý thuyết và thực hành". Tạp chí Liệu pháp Thơ ca, được xây dựng năm 1987 bởi NAPT, vẫn là nguồn thông tin toàn diện nhất về lý thuyết, thực hành và nghiên cứu hiện tại.
Ngày nay, liệu pháp thơ ca được thực hành trên phạm vi quốc tế bởi hàng trăm chuyên gia, bao gồm các nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần, nhà tham vấn, nhân viên xã hội, nhà giáo dục và thủ thư. Cách tiếp cận này đã được sử dụng thành công ở một số cơ sở có thể kể tên như tại các trường học, thư viện, bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng và các cơ sở cải huấn với nhiều nhóm dân cư khác nhau, bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên và người già.
LIỆU PHÁP THƠ CA HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Là một phần của liệu pháp, một số người có thể muốn khám phá những cảm giác và ký ức đã bị chôn vùi trong tiềm thức và xác định cách chúng có thể liên quan đến hoàn cảnh trong cuộc sống hiện tại. Thơ ca được cho là có lợi cho quá trình này vì nó thường có thể:
Được sử dụng như một phương tiện để thể hiện cảm xúc mà bình thường khó có thể thể hiện ra được
Thúc đẩy sự chiêm nghiệm bản thân, khám phá, tăng sự tự nhận thức và giúp các cá nhân hiểu được thế giới của họ
Giúp các cá nhân xác định lại tình huống của họ bằng cách mở ra những cách nhận thức mới về thực tế
Xác thực trải nghiệm cảm xúc và cải thiện sự gắn kết nhóm bằng cách giúp mọi người nhận ra nhiều trải nghiệm của họ được chia sẻ bởi những người khác
Giúp các nhà trị liệu hiểu sâu hơn về những người họ đang điều trị
Nói chung, các nhà trị liệu sử dụng thơ ca có thể tự do lựa chọn bất kỳ bài thơ nào họ tin rằng cung cấp giá trị trị liệu, nhưng hầu hết có xu hướng tuân theo các hướng dẫn chung. Những bài thơ được lựa chọn nên ngắn gọn, giải quyết những cảm xúc hoặc trải nghiệm phổ quát, cung cấp một mức độ hy vọng nào đó và chứa ngôn ngữ đơn giản. Một số bài thơ thường được sử dụng trong trị liệu là:
"The Road Not Taken" (Con đường chưa đi) của Robert Frost
"The Journey" (Hành trình) của Mary Oliver
"Talking to Grief" (Nói chuyện với nỗi đau buồn) của Denise Levertov
"The Armful" (Ôm đầy vòng tay) của Robert Frost
"I Wandered Lonely as a Cloud" (Tôi lang thang cô đơn như một đám mây) của William Wordsworth
Mặc dù việc lựa chọn tài liệu thường được thực hiện bởi nhà trị liệu, nhưng những người được điều trị có thể được yêu cầu mang đến một bài thơ hoặc một hình thức văn học khác mà họ lựa chọn, vì điều này cũng có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc có giá trị về cảm giác và cảm xúc của họ.
KỸ THUẬT SỬ DỤNG TRONG LIỆU PHÁP THƠ CA
Có tồn tại một vài mô hình trị liệu thơ ca khác nhau, nhưng phổ biến nhất và được sử dụng thường xuyên nhất là mô hình được giới thiệu bởi Nicholas Mazza. Theo mô hình này, liệu pháp thơ ca bao gồm ba yếu tố chính: tiếp nhận/truyền đạt, biểu đạt/sáng tạo và mang tính biểu tượng/nghi lễ.
Trong yếu tố tiếp nhận/truyền đạt, nhà trị liệu sẽ giới thiệu một bài thơ hoặc tác phẩm văn học và khuyến khích người đang trị liệu phản ứng lại. Tài liệu thường được chọn dựa trên khả năng mô tả, giải thích và xác định các vấn đề liên quan đến nội dung của phiên trị liệu. Tài liệu được chọn thường được đọc to bởi nhà trị liệu hoặc người đang trị liệu để giai điệu và nhịp điệu của bài thơ có thể được trải nghiệm đầy đủ. Trong trường hợp trị liệu theo nhóm, gia đình hoặc cặp vợ chồng, các cá nhân có thể thay phiên nhau đọc các khổ thơ khác nhau hoặc có thể được yêu cầu đọc toàn bộ bài thơ cùng một lúc. Trong khi bài thơ đang được đọc, nhà trị liệu lưu ý các phản ứng bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ của cá nhân, và những phản ứng này thường được khám phá sau khi đọc với các câu hỏi như: "Tôi nhận thấy bạn đang mỉm cười khi đọc bài thơ. Bạn có thể cho tôi biết về phản ứng của bạn được không? " "Có một dòng đặc biệt nào trong bài thơ khiến bạn cảm động không?" "Bài thơ này khiến bạn cảm thấy thế nào?"
Yếu tố biểu đạt/sáng tạo liên quan đến việc sử dụng viết sáng tạo - như thơ, thư từ và ghi chép cá nhân - cho mục đích đánh giá và điều trị. Quá trình viết có thể là cả giải tỏa và trao quyền, thường giải phóng những cảm xúc bị tắc nghẽn hoặc những ký ức bị chôn vùi và để những mối quan tâm và điểm mạnh của cá nhân đó được lên tiếng. Một số người có thể nghi ngờ khả năng viết sáng tạo của họ, nhưng các nhà trị liệu có thể hỗ trợ bằng cách giải thích cho họ biết không cần phải sử dụng vần điệu hoặc một cấu trúc cụ thể. Các nhà trị liệu cũng có thể sử dụng những bài thơ gốc hoặc giới thiệu những bài thơ có nhiều cảm xúc giác quan cho những người phải vật lộn với việc hình dung. Một nhà trị liệu cũng có thể chia sẻ một bài thơ với cá nhân và sau đó yêu cầu họ chọn một dòng đã chạm được vào họ theo một cách nào đó và sau đó sử dụng dòng đó để bắt đầu bài thơ của riêng họ.
Trong liệu pháp nhóm, những bài thơ có thể được viết riêng lẻ từng cá nhân hoặc hợp tác với nhau. Thành viên nhóm đôi khi được đưa một từ, chủ đề hoặc câu khởi xướng và được yêu cầu trả lời lại một cách tự nhiên. Sự đóng góp của các thành viên trong nhóm được biên soạn lại để tạo ra một bài thơ duy nhất sau đó có thể được sử dụng để thúc đẩy thảo luận nhóm. Trong liệu pháp cặp đôi, cặp đôi có thể được yêu cầu viết một bài thơ đôi bằng cách đóng góp các dòng xen kẽ.
Viết thư, một công cụ trị liệu hiệu quả khác, có thể là một cách sáng tạo dễ tiếp cận hơn đối với một số người. Một bài tập liên quan đến việc viết một lá thư cho nhân vật của một bài thơ đọc trong trị liệu. Bức thư có thể bao gồm các biểu cảm tán thành hoặc không tán thành, và quá trình này có thể làm rõ các phản ứng ban đầu của cá nhân đối với bài thơ. Một lá thư cũng có thể được gửi đến bất kỳ cảm xúc nào hiện đang gây khó khăn để giúp một người hình dung và thể hiện ra những cảm xúc này với hy vọng giành được quyền kiểm soát chúng. Các cá nhân cũng có thể được khuyến khích có một cuốn ghi chép cá nhân trong quá trình trị liệu và ghi lại những suy nghĩ của họ sau khi nghe hoặc đọc một bài thơ. Những người trong liệu pháp nhóm có thể có cơ hội chia sẻ các trang viết của họ với các thành viên trong nhóm.
Yếu tố biểu tượng/nghi lễ liên quan đến việc sử dụng phép ẩn dụ, kể chuyện và nghi lễ làm công cụ để thực hiện thay đổi. Các phép ẩn dụ, về cơ bản là các biểu tượng, có thể giúp các cá nhân giải thích những cảm xúc và trải nghiệm phức tạp một cách ngắn gọn nhưng sâu sắc. Các nghi thức có thể đặc biệt hiệu quả để giúp những người đã trải qua mất mát hoặc đổ vỡ, chẳng hạn như ly dị hoặc cái chết của người thân, để giải quyết cảm xúc của họ xung quanh sự kiện đó. Chẳng hạn viết và sau đó đốt lá thư viết cho một người chết đột ngột có thể là một bước hữu ích trong quá trình chấp nhận và vượt qua đau buồn.
LIỆU PHÁP THƠ CA CÓ THỂ GIÚP ĐƯỢC GÌ?
Liệu pháp thơ ca đã được sử dụng như một phần của phương pháp điều trị cho một số mối quan tâm, bao gồm rối loạn nhân cách ranh giới, ý định tự tử, vấn đề bản sắc, chủ nghĩa cầu toàn và đau buồn (borderline personality,suicidal ideation, identity issues, perfectionism, and grief). Nghiên cứu cho thấy phương pháp này thường là một phần hữu ích trong quá trình điều trị. Một số nghiên cứu cũng ủng hộ liệu pháp thơ ca như một cách tiếp cận để điều trị trầm cảm, khi nó cho thấy đã lặp đi lặp lại làm giảm các triệu chứng trầm cảm, cải thiện lòng tự tôn và sự hiểu biết bản thân, khuyến khích bộc lộ cảm xúc. Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh khả năng trị liệu bằng thơ để giảm bớt lo âu và đau khổ ở những người được chẩn đoán mắc bệnh nan y.
Những người trải qua căng thẳng sau chấn thương cũng được báo cáo cho thấy tình trạng sức khỏe tâm thần và cảm xúc được cải thiện do kết quả của liệu pháp thơ ca. Một số cá nhân sống sót sau chấn thương lớn hoặc bị lạm dụng có thể gặp khó khăn trong việc xử lý trải nghiệm nhận thức và do đó, ngăn chặn các ký ức và cảm xúc có liên quan. Thông qua liệu pháp thơ ca, nhiều người có thể tích hợp những cảm xúc này, định hình lại các sự kiện đau thương và phát triển một triển vọng tích cực hơn cho tương lai.
Những người gặp các vấn đề về nghiện, lạm dụng chất (addiction) có thể thấy liệu pháp thơ ca giúp khám phá cảm xúc của họ về việc lạm dụng chất gây nghiện, nhận thức việc sử dụng ma túy/chất gây nghiện dưới một góc nhìn mới và phát triển hoặc tăng cường kỹ năng đối phó. Viết thơ cũng có thể là một cách để những người có vấn đề về lạm dụng chất thể hiện suy nghĩ của họ về điều trị và thay đổi hành vi.
Một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp thơ ca có thể mang lại lợi ích cho những người bị tâm thần phân liệt mặc dù có những khiếm khuyết về ngôn ngữ và cảm xúc liên quan đến tình trạng này. Viết thơ có thể là một phương pháp hữu ích để mô tả trải nghiệm tâm thần và có thể cho phép các nhà trị liệu hiểu rõ hơn về quá trình suy nghĩ của những người họ đang điều trị. Liệu pháp thơ cũng đã giúp một số cá nhân bị tâm thần phân liệt cải thiện các kỹ năng hoạt động xã hội và thúc đẩy các quá trình suy nghĩ rành mạch hơn.
Điều quan trọng cần lưu ý trong hầu hết các trường hợp, đặc biệt là trong các trường hợp lo ngại về sức khỏe tâm thần từ trung bình đến nặng, liệu pháp thơ ca được sử dụng để kết hợp với một loại trị liệu khác, không phải là phương pháp duy nhất để điều trị.
QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO ĐỂ TRỞ THÀNH CÁC NHÀ TRỊ LIỆU THƠ CA
Các nhà trị liệu thơ ca được đào tạo văn học cũng như tâm lý lâm sàng để cho phép họ có thể lựa chọn loại hình văn học phù hợp với quá trình trị liệu. Mặc dù không có chương trình đại học về trị liệu thơ ca, Liên đoàn quốc tế về trị liệu bằng Đọc sách/Thơ ca (International Federation for Biblio-Poetry Therapy-IFBPT), cơ quan chứng nhận độc lập cho nghề này, đã phát triển các yêu cầu đào tạo cụ thể.
Đào tạo, dưới hình thức một chương trình nghiên cứu độc lập, được cung cấp với sự chỉ đạo của Người cố vấn/Giám sát viên được IFBPT phê duyệt. Các cá nhân tham gia đào tạo để trở thành một nhà trị liệu thơ được chứng nhận (Certified poetry Therapist - CPT), nhà trị liệu thơ đã đăng ký (Registered Poetry Therapist - RPT) hoặc điều phối viên ứng dụng thơ ca được chứng nhận (Certified Applied Poetry Facilitator - CAPF). Những người có bằng thạc sĩ trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần hoặc bằng cấp y tế và giấy phép chuyên môn có thể lấy thêm chứng nhận CPT hoặc RPT. Cả CPT và RPT đều đủ điều kiện để làm việc với các cá nhân có sức khỏe tốt cũng như những người đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Để có được chứng chỉ RPT, cần có trình độ đào tạo và thực tế nâng cao hơn.
Để có được chứng nhận CAPF, cần phải có bằng cử nhân. Sau khi được chứng nhận, các CAPF có đủ điều kiện để làm việc với các cộng đồng khỏe mạnh và có thể được các trường học hoặc thư viện tuyển dụng. Họ cũng có thể làm việc trong các cơ sở sức khỏe tâm thần với sự giám sát của một chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ.
NHỮNG QUAN NGẠI VÀ HẠN CHẾ CỦA LIỆU PHÁP THƠ CA
Mặc dù có sức hấp dẫn mạnh mẽ và phạm vi ứng dụng rộng rãi, một số lo ngại đã được đặt ra về việc sử dụng liệu pháp thơ.
Nội dung của một số bài thơ có thể không có giá trị hoặc tác dụng ngoài ý muốn đối với một số người trong trị liệu. Một số bài thơ có thể gợi lên ký ức hoặc cảm xúc mà cá nhân chưa sẵn sàng để xử lý hoặc có giá trị cá nhân quan trọng đối với một người nhưng ít áp dụng cho người khác trong điều trị. Ngôn ngữ của một số bài thơ có thể khó hiểu, và thông điệp của một số bài thơ có thể rất mơ hồ đến mức ít thu được giá trị trị liệu. Tuy nhiên, các nhà trị liệu nhận thức được các yếu tố này và cẩn thận khi lựa chọn tài liệu văn học sẽ được sử dụng trong phiên trị liệu có thể tránh được nhiều hoặc tất cả các vấn đề tiềm năng này.
Một số nhà phê bình đã chỉ ra rằng mọi người có thể phân tích một bài thơ ở mức độ trí tuệ thuần túy, không có bất kỳ liên quan nào đến cảm xúc. Kiểu trí thức hoá này có thể có nhiều khả năng xảy ra khi những bài thơ phức tạp được sử dụng, vì một người có thể dành quá nhiều thời gian để cố gắng giải mã ý nghĩa của bài thơ đến nỗi họ mất đi cảm xúc và phản ứng tự phát. Những bài thơ không nguyên bản hoặc chứa đầy những lời sáo rỗng không có khả năng kích thích các cá nhân ở mức độ cảm xúc sâu sắc hoặc thách thức họ suy nghĩ theo cách thúc đẩy phát triển.
Khả năng nói và ngôn ngữ của các cá nhân trong trị liệu cũng phải được xem xét, vì các bài thơ sẽ có ít giá trị nếu các từ được sử dụng không được hiểu. Trong các buổi trị liệu theo nhóm, những người gặp khó khăn trong việc đọc hoặc viết có thể miễn cưỡng chia sẻ những bài thơ của họ, điều này có thể là rào cản đối với thảo luận và một số người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai hoặc thiếu kỹ năng ngôn ngữ nâng cao có thể bị thách thức bởi nghĩa bóng ngôn ngữ thường được sử dụng trong các bài thơ. Hơn nữa, liệu pháp thơ ca có thể có ít hoặc không có giá trị đối với những người đơn giản là không thích thơ.
Ghi chú của người dịch:
"Bibliotheraphy" - "Liệu pháp đọc sách", một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, "biblion" có nghĩa là "sách", và "therapeia" có nghĩa là "liệu pháp". Theo "ALA - Từ điển giải nghĩa thư viện học và tin học Anh-Việt"* của Hội Thư viện Mỹ thì liệu pháp đọc sách là"việc sử dụng sách và các loại tài liệu khác trong một chương trình đọc sách có hướng dẫn, được hoạch định và thi hành nhằm góp phần vào việc trị liệu những chứng xáo trộn tâm thần và cảm xúc, hay những trường hợp kém thích nghi xã hội".
Bài viết liên quan cùng chủ đề:
Thơ Ca Có Thể Chữa Lành Vết Thương Lòng Hay Không? Sáng Tác Thơ Để Thẩm Thấu Và Đi Xuyên Qua Nỗi Đau
Trị Liệu Viết Biểu Đạt Là Gì? Phương Thức Trị Liệu Bằng Nghệ Thuật Để Vượt Qua Chấn Thương Tâm Lý
Expressive Writing - Thực hành “Viết ra tâm tình”- giúp chúng ta bình tâm & rành mạch những suy nghĩ
Thực Hành Viết Về Trải Nghiệm Cảm Giác Được Kết Nối Giúp Chúng Ta Mở Rộng Lòng Tử Tế
Art Therapy Mask - Công Cụ Sử Dụng Mặt Nạ Trong Trị Liệu Bằng Nghệ Thuật
Dance Movement Therapy - Trị Liệu Thông Qua Nhảy Múa/Chuyển Động Là Gì? Áp Dụng Như Thế Nào?
Tham khảo bài viết gốc:
Chavis, G.G. (2011). Poetry and story therapy: The healing power of creative expression. Philadelphia, PA: Jessica Kingsley Publishers.
Gooding, L. F. (2008). Finding your inner voice through song: Reaching adolescents with techniques common to poetry therapy and music therapy. Journal of Poetry Therapy, 21(4), 219-229.
International Federation for Biblio/Poetry Therapy. (n.d.). Summary of training requirements. Retrieved from http://ifbpt.org/obtaining-a-credential/getting-trained
Mazza, N. (2003). Poetry therapy: Theory and practice. New York: Brunner-Routledge.
Olsen-McBride, L. (2009). Examining the influence of popular music and poetry therapy on the development of therapeutic factors in groups with at-risk adolescents (Doctoral dissertation). Retrieved from http://etd.lsu.edu/docs/available/etd-11102009-114408/unrestricted/Olson-McBride_diss.pdf
Rossiter, C. (2004). Blessed and delighted: An interview with Arleen Hynes, poetry therapy pioneer. Journal of Poetry Therapy, 17(4), 215-222.
Springer, W. (2006). Poetry in therapy: A way to heal for trauma survivors and clients in recovery from addiction. Journal of Poetry Therapy, 19(2), 69-81.
The National Association for Poetry Therapy. (n.d.). History. Retrieved from http://www.poetrytherapy.org/history.html
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Người dịch: Trang; Người biên tập: Anh Đào Lê - Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
댓글