top of page

Coaching - Counseling - Mentoring: Khai Vấn, Tham Vấn Và Cố Vấn Khác Biệt Nhau Ra Sao?

Đã cập nhật: 12 thg 10, 2020


Dù cho bạn đóng vai trò là ai trong cuộc đời, vấn đề của bạn là gì, thì tất cả chúng ta đều có thể hành động với một sự giúp sức, một bờ vai để tựa vào, hay là một người soi sáng đoạn đường phía trước. May mắn thay, có nhiều người có chuyên môn, biết cách đồng cảm với người khác, đồng thời rất mong muốn hỗ trợ bạn với những khó khăn trước mắt, và họ đóng nhiều vai trò khác biệt nhau. Bạn có thể gọi họ là nhà khai vấn, nhà cố vấn hay một nhà tham vấn, nhưng làm cách nào bạn có thể biết được mình cần tìm đến ai cho vấn đề hiện tại của bản thân?

Có nhiều cách hiểu chưa chính xác về ba lĩnh vực chuyên môn này. - Khái niệm người hướng dẫn (Coach) không chỉ được dùng để nói đến những người ở trên sân bóng đá hay trong môi trường văn phòng. - Khái niệm cố vấn (Mentor) không chỉ được dùng để nói đến những huấn luyện viên chuyên giúp định hướng chiến thuật di chuyển trên sân của các cầu thủ. - Khái niệm nhà tham vấn (Counselor) không chỉ được dùng để nói đến những người chuyên làm việc với những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Cách khai vấn, cố vấn hoặc tham vấn của mỗi chuyên gia đều không giống nhau, nhưng phương cách tiếp cận của họ đều dựa trên các nguyên tắc cốt lõi của nghề nghiệp. Dựa trên nguyên tắc này, chúng ta sẽ biết được chính xác ai đang nắm giữ giải pháp cho vấn đề mình đang cần giải quyết. Việc tìm được đúng người sẽ giúp bạn theo đuổi mục tiêu cá nhân và thành công trong cuộc sống. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết sự khác biệt về mặt khái niệm cũng như những giải pháp mà ba phương thức trên có thể mang lại.


(*Để chúng ta có một quy ước chung về khái niệm của nhà huấn luyện (Coaching) trong lĩnh vực thể thao và nhà huấn huyện (Coaching) trong lĩnh vực phát triển cá nhân, chúng tôi xin đề cập nhà huấn huyện (Coaching) trong lĩnh vực phát triển cá nhân là nhà Khai vấn - lời người biên tập)

Sự khác biệt giữa Khai vấn (Coaching) và Cố vấn (Mentoring) là gì?

Liên đoàn Khai Vấn Quốc tế ICF định nghĩa khai vấn (coaching) là "hợp tác, đồng hành với thân chủ trong một quy trình sáng tạo và kích thích tư duy thông qua đó truyền cảm hứng cho họ để tối đa hóa tiềm năng cá nhân và nghề nghiệp chuyên môn." Cố vấn (mentoring) có thể được định nghĩa như là một người có thâm niên hơn chia sẻ lời khuyên cho người có ít kinh nghiệm hơn. Ngoài việc dựa trên định nghĩa, chúng ta có thể phân biệt hai khái niệm này dựa trên những đặc tính của chúng.

Khai vấn (Coaching) thường:

  • Ngắn hạn

  • Chính thức và có cấu trúc

  • Cụ thể và đo lường được

  • Hướng đến hiệu suất (performance-driven)

Các nhà khai vấn làm việc với thân chủ qua một tiến trình hợp tác. Nhật ký cho mỗi cuộc trò chuyện được ghi lại bởi cả hai bên. Thông thường, một người khai vấn (coach) sẽ có chuyên môn trong lĩnh vực mong muốn phát triển của người tham gia khai vấn (coachee). Tuy nhiên, một nhà khai vấn không phải là người cung cấp các câu trả lời. Vì lí do này mà một người có thể có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thay vì đưa ra lời khuyên, các khai vấn viên thu thập thông tin trong quá trình đồng sáng tạo giải pháp. Với sự hiếu kì, công việc của khai vấn viên là đặt câu hỏi để kích thích, khơi gợi suy nghĩ của thân chủ. Người khai vấn nhìn nhận thân chủ của họ như một người hoàn toàn có đủ năng lực cá nhân và có sẵn câu trả lời từ bên trong họ. Trong quá trình khai vấn, cả hai cùng nhau khám phá những cách nhìn mới và những giải pháp mới mà họ đang tìm kiếm. Lĩnh vực khai vấn rất đa dạng và bao gồm nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau. Nhiều khai vấn viên xem mình là những người phát triển tiềm năng của con người. Có nhiều công cụ khai vấn đã được phát triển để hỗ trợ các khai vấn viên trong việc cung cấp một không gian an toàn để giúp thân chủ thay đổi chính họ. Khác với Khai vấn (Coaching), Cố vấn (Metoring) thường:

  • Dài hạn

  • Không chính thức

  • Hướng đến sự phát triển (development-driven)

  • Chỉ tiêu đo lường không chặt chẽ bằng

Người cố vấn thường làm việc với các đồng nghiệp đang trong quá trình phát triển chuyên môn, nghề nghiệp. Các công ty thường chỉ định các mối quan hệ giữa cố vấn (mentor) và người được cố vấn (mentee), nhưng mối quan hệ này cũng có thể phát triển một cách tự phát. Trong hầu hết các trường hợp, các chuyên gia có kinh nghiệm có thâm niên được kết nối với những người có tiềm năng phát triển. Người cố vấn (mentor) đưa ra lời khuyên dựa trên trải nghiệm cá nhân và chuyên môn của họ. Nhật ký cuộc gặp và những câu hỏi thường do người được cố vấn (mentee) biên soạn. Bằng cách chọn đi theo con đường của người cố vấn (mentor), người được cố vấn (mentee) sẽ dựa trên mối quan hệ này để phát triển bản thân họ. Nhà khai vấn (coach) phải được đào tạo trong một số giờ cố vấn nhất định, để một người khai vấn có kinh nghiệm hành nghề có thể hướng dẫn họ trong việc phát triển kỹ năng khai vấn. Mô hình cố vấn luôn đem lại lợi ích trong bất kì lĩnh vực nghề nghiệp nào.

Tuy nhiên, đây là điều thường không được chú ý đến trong các tổ chức muốn xây dựng tính gắn kết trong nhân viên.

Một sự khác biệt đáng kể giữa hai cách tiếp cận này là chương trình đào tạo cho từng phương pháp, điều này sẽ được nêu chi tiết hơn ở phần dưới của bài viết này.

Sự khác biệt giữa Khai vấn (Coaching) và Tham vấn (Counseling)

Có rất nhiều cách hiểu chưa chính xác về khái niệm khai vấn và tham vấn. Các đặc tính có thể giao nhau, nổi bật nhất là ở chỗ cả hai đều là “Helping Profession - nghề hỗ trợ người khác, tiếng Việt có thể gọi là 'Vấn Nghiệp'”.


Việc hiểu biết rõ hơn về vai trò của các vị trí này sẽ giúp chúng ta dễ dàng cộng tác hơn, thay vì tạo ra những xung đột về mặt chuyên môn. Trên thực tế, nhiều nhà trị liệu tâm lý đã tiến hành thực hành cả hai phương pháp này. Liên đoàn ICF đặc biệt lưu tâm trong việc tạo ra sự phân định giữa khai vấn và tham vấn. Điều này phải phân định rõ trong quá trình cấp bằng để tránh trường hợp một khai vấn viên thực hiện vai trò tham vấn thay vì khai vấn. Không có khai vấn viên (coach) nào được cung cấp dịch vụ tham vấn mà không được cấp phép. Một người được đào tạo bài bản sẽ biết được đâu là ranh giới giữa khai vấn và tham vấn. Mặc dù khai vấn có thể mang tính trị liệu, nhưng nó không phải là trị liệu chuyên nghiệp. Đây là điều mỗi thân chủ cần được biết. Một quy trình đào tạo bài bản cho khai vấn viên cũng sẽ giúp ích cho họ khi thân chủ của họ yêu cầu giấy phép hành nghề sức khỏe tâm thần. Đồng thời, quá trình này cũng là nền tảng để các khai vấn viên thiết lập quy trình làm việc bài bản trong quá trình hành nghề. Một người khai vấn giỏi sẽ phát triển được mối quan hệ trong ngành để mang lại giải pháp tốt nhất trong quá trình làm việc với thân chủ và để có thể giới thiệu cho thân chủ những người có thể giúp họ khi cần thiết. Khi các tư vấn viên và các khai vấn viên cộng tác được với nhau, thì đó là lúc cơ sở cho sự hợp tác phát triển được thành hình.

Đổi lại, những nhà tham vấn có đạo đức nghề nghiệp sẽ hiểu được giá trị của khai vấn và phát triển mối quan hệ cộng tác với những nhà khai vấn khác cùng làm việc trong lĩnh vực của họ. Điều này cũng phụ thuộc vào cách tiếp cận của từng nhà tham vấn. Một số cách tiếp cận trong tham vấn gần giống với cách tiếp cận trong khai vấn ở chỗ cả hai đều tập trung vào sự thay đổi mang tính giải pháp. Luôn có không gian cho cả khai vấn và tham vấn trong quá trình giúp đỡ người khác. Cần lưu ý là thỏa thuận trong khai vấn nghiêm ngặt hơn đối với thỏa thuận giữa nhà tham vấn và thân chủ. Sở dĩ có sự khác biệt này là bởi vì quá trình tham vấn được thiết kế dựa trên quy trình chữa trị trong y khoa và bản cam kết này thường được liên kết với bảo hiểm.

Một điểm khác biệt thiết yếu giữ tham vấn và khai vấn là sự kỳ vọng về quyền riêng tư. Mặc dù những nhà khai vấn có đạo đức nghề nghiệp được kỳ vọng sẽ duy trì tính bảo mật với thân chủ, nhưng các cuộc đối thoại mang tính pháp lý có thể vẫn phải được tiết lộ một khi có yêu cầu cơ quan pháp lý. Tuy nhiên, luật pháp không thể có bất kì một biện pháp cưỡng chế nào đối với một nhà tham vấn và bệnh nhân của họ. Một sự khác biệt nữa là mức độ thân thiết giữa khai vấn viên và thân chủ trong lĩnh vực khai vấn. Mối quan hệ cá nhân trong tham vấn, ví dụ như một cuộc gặp gỡ với thân chủ để uống cà phê, là điều cấm kỵ (Hart et al. 2001), trong khi đó các mối quan hệ trong khai vấn có thể chồng chéo. Việc bảo vệ ranh giới cho nhà tham vấn là cần thiết và cần được làm rõ trong nguyên tắc nghề nghiệp. Điều này được thiết lập để bảo vệ cả thân chủ và nhà tham vấn trong môi trường trị liệu. Các nhà tham vấn thường phải chịu sức ép cao hơn các nhà khai vấn dựa vì những áp lực về mặt cảm xúc và mức độ căng thẳng cao. Bởi vì tham vấn thường liên quan đến những cảm xúc mãnh liệt, đòi hỏi tham vấn viên phải có khả năng giải tỏa tinh thần tốt.

Số ca cần được tham vấn cũng ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng của một tham vấn viên. Trong quá trình hành nghề tham vấn, có những ca đe dọa đến cả cuộc sống cá nhân của tham vấn viên. Những trường hợp như vậy khiến cho họ càng bị áp lực hơn nữa.

Vì sự phát triển của cả tham vấn và khai vấn, sự khác biệt giữa hai lĩnh vực này cần được thảo luận và làm rõ đứng từ góc nhìn của cả phía chuyên gia hành nghề lẫn thân chủ. Khai vấn:

  • tập trung vào giải pháp trong hiện tại hoặc tương lai

  • hướng đến giải pháp & sự thay đổi

  • tập trung vào thành quả/mục tiêu

  • đồng sáng tạo

  • ngắn hạn

  • giấy chứng nhận và chứng chỉ được đề cao

  • không cần chẩn đoán

  • giúp thân chủ hiểu rõ

  • cung cấp các chuyên viên đạt tiêu chuẩn sẵn sàng hỗ trợ thân chủ

  • hỗ trợ trị liệu

  • thân chủ như một chỉnh thể toàn vẹn khi bước vào một mối quan hệ khai vấn

  • thay đổi là quá trình tự thân


Tham vấn:

  • thường là tiền cứu

  • thân chủ đã suy giảm mức độ chức năng hoạt động cá nhân

  • có trường hợp liên quan đến thuốc men và cần kết hợp chăm sóc với đội ngũ y tế

  • truy vấn bằng câu hỏi "Tại sao"

  • lâu dài, tùy thuộc từng trường hợp

  • dựa trên lý thuyết

  • yêu cầu bằng thạc sĩ cần thiết để được cấp phép hành nghề

  • cấp phép hành nghề là bắt buộc theo pháp luật

  • thường được tạo ra thông qua bệnh tật hoặc rối loạn chức năng

  • mang tính chẩn đoán

  • chữa lành cho các hành vi không lành mạnh

  • phục hồi từ những chấn thương trong quá khứ

  • giảm bớt đau khổ tâm lý

  • đôi khi được chi trả bảo hiểm

  • có trường hợp bị kỳ thị

  • cung cấp hướng dẫn và lời khuyên

  • người tham vấn được coi là một người có thẩm quyền

  • khám phá yếu tố nhận thức và tâm lý tác động đến hạnh phúc

Đã có một số lời chỉ trích về nghề khai vấn bởi một số người trong nghề tham vấn, và ngược lại. Đây là một điều đáng tiếc và có khả năng là do sự kỳ thị đối với cả hai ngành nghề. Những cá nhân buông lời chỉ trích thường không hoàn toàn hiểu được quá trình hợp pháp hóa nghề khai vấn, do đó tự giới hạn chính họ. Các ngành nghề có thể cùng tồn tại và thậm chí tăng cường thêm sự hỗ trợ cho khách hàng.

3 ví dụ thực tế

Sau đây là một vài ví dụ thực tế trong đó cả ba phương pháp có thể hoạt động phối hợp với nhau.

Ví dụ thứ nhất: Khi một thân chủ đã tham gia tham vấn, một nhà khai vấn có thể hỗ trợ nhà tham vấn đó.

Một ví dụ điển hình là Lucy, 28 tuổi, người đã tham gia tham vấn với Ron về việc lạm dụng chất gây nghiện. Sau vài buổi, Ron phát hiện ra rằng Lucy có những mục tiêu cá nhân ngoài việc ngừng uống rượu. Vốn là một nhà tham vấn có tư duy rất cởi mở, đã liên lạc với Donna, một nhà khai vấn cuộc sống (life coach), để hỗ trợ Lucy với những mục tiêu này. Ba người họ cùng nhau tìm ra một kế hoạch hành động cụ thể cho Lucy. Donna hỗ trợ Lucy có trách nhiệm trong việc thực hiện các bước hành động tự quyết của mình. Ron tiếp tục hỗ trợ Lucy trong việc khám phá các chấn thương trong quá khứ và tại sao việc lạm dụng rượu lại trở nên nghiêm trọng. Ron và Donna đang làm việc cùng nhau để cùng giúp Lucy.


Ví dụ thứ hai: Khi một nhà khai vấn đang làm việc với khách hàng, và khách hàng đó biểu hiện nhu cầu tâm lý mà chỉ có một nhà tham vấn được đào tạo mới có thể cung cấp được dịch vụ, việc phát triển một mối quan hệ làm việc với nhà tham vấn được cấp phép sẽ là điều cần thiết. David là khai vấn viên vừa ký một hợp đồng khai vấn với Steve. Sau vài buổi, Steve đã tiết lộ một số nhu cầu tâm lý mà chỉ có một tham vấn được đào tạo và được cấp phép mới có thể đáp ứng. Nhà khai vấn David có sẵn mối quan hệ với một số nhà tham vấn tại nơi anh sinh sống. Anh gửi gắm Steve đến một trong số họ. Họ cùng nhau quyết định sẽ cộng tác để hỗ trợ Steve thông qua tiết lộ gần đây của anh ấy và mong muốn thiết lập mục tiêu trong tương lai.

Ví dụ thứ ba: Mối quan hệ cố vấn giữa các nhà tham vấn và giữa các nhà khai vấn rất thường xuyên được sử dụng.

Một nhà khai vấn mới ra nghề, tên Rhona, gặp khó khăn trong việc thúc đẩy doanh nghiệp khai vấn của mình. Một nhà khai vấn dày dặn, Kristina, với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, đề nghị cho Rhona thấy một số cách để nhận ra tiềm năng đáng kinh ngạc của cô. Rhonda gặp gỡ với Kristina hàng tuần và đặt câu hỏi cụ thể để xây dựng doanh nghiệp của mình. Kristina hướng dẫn Rhonda phát triển con đường sự nghiệp cá nhân để thành công và giúp cô triển khai các câu hỏi khai vấn cuộc sống sâu hơn, nhờ đó mà Rhonda bắt đầu dấn thân và ngay lập tức hành động vì mục tiêu của mình.

Lợi ích của những phương pháp này

Khai vấn, tham vấn và cố vấn đều mang lại lợi ích cho khách hàng. Biết được sự khác biệt về lợi ích có thể giúp một người chọn phương pháp tiếp cận mà họ muốn theo đuổi. Trong một điều kiện lý tưởng, mọi người sẽ được trải nghiệm cả ba phương pháp để tối đa hóa sức khỏe và hạnh phúc toàn diện. Dù điều đó hiếm khi xảy ra, vì vậy đây là một đánh giá về lợi ích của mỗi phương pháp. Lợi ích khai vấn Khai vấn có lợi cho khách hàng bằng cách tạo không gian cho họ đạt được những mục tiêu mong muốn trong lĩnh vực họ đã chọn. Các nhà khai vấn được chứng nhận có khả năng cùng thân chủ tạo ra các giải pháp để giúp họ nâng cao năng lực đạt được hạnh phúc toàn diện, năng suất và mục tiêu. Lĩnh vực khai vấn có thể hỗ trợ cho các cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh, nuôi dạy con cái, các mối quan hệ, sức khỏe, tài chính và nhiều lĩnh vực khác. Tính rõ ràng, được làm sáng tỏ vấn đề là một lợi ích đáng kể được ghi nhận bởi hầu hết các khách hàng tham gia khai vấn. Khai vấn viên có chuyên môn cao chọn đi cùng khách hàng của họ trên một hành trình hướng tới sự tự nhận thức và hợp tác trong các kế hoạch hành động cụ thể để đưa họ tiến lên phía trước. Quá trình này giúp tạo ra một lối sống mới cho phép khách hàng vượt qua những trở ngại mà trước đây từng cản trở tiến trình phát triển cá nhân và nghề nghiệp chuyên môn của họ. Khả năng chịu trách nhiệm là một điểm mạnh khác của khai vấn. Điều này giúp đo lường được khả năng thành công trong việc hướng đến các mục tiêu mong muốn. Các cột mốc đã thiết lập và việc được chinh phục được từng cột mốc sẽ tiếp thêm sinh lực cho khách hàng trên con đường đạt được mục tiêu thành công. Việc đưa vào trách nhiệm buộc con người có quan điểm đa chiều hơn trong quá trình xử lý nhận thức của họ (Tetlock, P.E., & Boettger, R., 1989). Với lượng thông tin khổng lồ để xử lý trong một thời gian nhất định, hầu hết con người chúng ta là những kẻ “keo kiệt nhận thức” và tự cho rằng sử dụng càng ít nguồn lực càng tốt (Corcoran, K. & Mussweiler, T. 2010). Khai vấn tạo không gian cho nhiều công cụ nhận thức được sử dụng, giúp việc học hỏi qua trải nghiệm thử-sai có độ chính xác hơn, nhờ đó giúp ích cho quá trình tự khám phá bản thân. Nó cho phép mọi người lùi lại, nhìn xa hơn những gì ngay trước mắt để thấy được bức tranh lớn hơn. Sự phong phú và biến thể linh hoạt trong các công cụ khai vấn là những lợi ích bổ sung.

Cần có có các công cụ đa dạng để phục vụ cho nhóm các đối tượng khác nhau. Vì vậy, thử và sai trong việc tìm kiếm công cụ phù hợp cho mỗi cá nhân cũng là một phần trong khai vấn. Lợi ích của tham vấn

Tham vấn mang lợi ích đến khách hàng qua việc tạo một không gian đáng tin cậy và an toàn để chữa lành. Nhà tham vấn được cấp phép hành nghề có khả năng đối diện với những cảm xúc và tình huống khó khăn. Họ rất thành thạo trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho các hình thức suy sụp khác nhau về mặt cảm xúc. Chữa lành thông qua tham vấn cũng tác động đến những khía cạnh khác trong cuộc sống của khách hàng.

Có nhiều cách can thiệp trong tham vấn. Điều này là một điểm ưu việt của phương pháp này. Mặc dù kinh nghiệm con người là khác nhau, nhiều giải pháp tham vấn và can thiệp tâm lý tích cực được công nhận là hữu ích cho các đối tượng khác biệt về tuổi tác, văn hóa, tình trạng kinh tế xã hội. Đây là một nền tảng vững chắc cho các nhà tham vấn trong quá trình hỗ trợ thân chủ. Một lợi ích khác của tham vấn là nó có một lịch sử lâu đời hơn. Nó đi theo mô hình y khoa và do đó được công nhận một cách khoa học. Sự công nhận này mang lại sự tin cậy cho những người hành nghề tham vấn. Khi một khách hàng tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần, họ sẽ được nhà tham vấn cung cấp một loạt các phương pháp trị liệu để có thể lựa chọn.

Lợi ích của cố vấn

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cố vấn giúp tăng hiệu quả công việc (Scandurra, T.A., 1992). Thành công trong kinh doanh thường được đo lường bằng sức khỏe tài chính và thăng tiến nghề nghiệp, trong đó cố vấn có thể đóng một vai trò quan trọng. Bắt chước hành vi và đưa ra các hướng dẫn là điều mà vai trò cố vấn có thể hỗ trợ. Thành tựu của một tổ chức là một lợi ích khác của cố vấn. Khi có một sự ràng buộc và ý thức về mối gắn kết giữa các đồng nghiệp muốn thăng tiến sự nghiệp trong một công ty, họ sẽ hành động hướng tới thành công đó. Việc tăng tính hiệu quả trong công việc sẽ giúp một doanh nghiệp phát triển mạnh và thậm chí có thể truyền cảm hứng cho những người khác trong tổ chức đó. Việc thường xuyên duy trì các mối quan hệ cố vấn, đặc biệt là với các nhân viên mới giúp họ gắn bó hơn với doanh nghiệp và tăng doanh thu. Sau đây là các lợi ích của vai trò cố vấn có thể được trải nghiệm trong cả ba phương pháp:

  • trao quyền

  • cải thiện kỹ năng giao tiếp

  • năng suất được cải thiện

  • ủng hộ

  • phản hồi

  • có góc nhìn nhận thấu hiểu sâu sắc

  • nâng cao nhận thức bản thân và tích lũy khả năng kiểm soát

  • tăng khả năng tự điều chỉnh

  • nâng cao lòng tự trọng và năng lực bản thân

  • động lực cải thiện

  • giảm hành vi tự chuốc lấy thất bại

Sự khác biệt giữa Cố vấn (Mentoring) và Tham vấn (Counseling)

Một trong những khác biệt đáng kể giữa cố vấn và tham vấn là ở bản thân mối quan hệ được thiết lập. Một mối quan hệ cố vấn thường không chính thức. Các cuộc họp thường ở nhiều nơi và thời lượng thường kéo dài. Một mối quan hệ tham vấn là một mối quan hệ chính thức, các buổi tham vấn thường ở văn phòng của nhà tham vấn, và thời lượng thường không dài như mối quan hệ cố vấn.

Một sự khác biệt khác là giá trị của lời khuyên được cung cấp. Một lời khuyên cố vấn được đón nhận ở mức độ cá nhân và toàn diện vì mối quen thuộc cá nhân và sự ngưỡng mộ về mặt chuyên môn. Giá trị lời khuyên của một nhà tham vấn lại nằm ở chỗ họ được đào tạo bài bản và giá trị chuyên môn nghề nghiệp họ đã mang lại cho các bệnh nhân khác. Chi phí của cả hai phương pháp có sự khác biệt lớn. Tham vấn có nhiều mức chi phí khác nhau, vì dịch vụ này là một nghề nghiệp. Bảo hiểm có thể chi trả một số chi phí, nhưng không áp dụng cho mọi trường hợp. Cố vấn thì miễn phí. Mặc dù việc được cố vấn không mất phí nghe có thể hấp dẫn, nhưng khó lòng tìm được một người cố vấn tốt hơn là tìm một người tham vấn phù hợp. Khách hàng có thể nhận được sự giới thiệu để được tham vấn từ bác sĩ chăm sóc của họ. Khách hàng cũng có thể tìm một nhà tham vấn thông qua công ty bảo hiểm của họ. Ở nhiều địa phương thường có thể tìm thấy các nhóm nhà thực hành tâm lí tích cực nhưng việc tìm một người cố vấn phù hợp với bản thân thì khó hơn nhiều. Cố vấn được sử dụng hơn một lần để hỗ trợ nhân viên mới trở nên dễ dàng thích nghi hơn với môi trường làm việc mới của họ. Thông qua việc chỉ định một người cố vấn ngay từ ban đầu khi mới tuyển nhân sự vào, việc thích nghi với văn hóa của công ty có thể dễ dàng xảy ra hơn. Bằng cách giúp nhân viên mới nhanh chóng cảm thấy họ là một phần của tổ chức, việc cố vấn có thể giúp giảm bớt sự căng thẳng cho họ khi trở thành một thành viên mới.

Cuộc trò chuyện trong quá trình tham vấn được pháp luật bảo hộ còn với mối quan hệ cố vấn thì không. Có thể có một mức độ bảo mật nhất định trong nhận thức của cố vấn, nhưng nó không bắt buộc, cũng không được bảo đảm.

Sự khác biệt về đào tạo giữa khai vấn, cố vấn và tham vấn

Đây là một sự khác biệt lớn giữa các phương pháp.

Tham vấn có những yêu cầu khắt khe và nghiêm ngặt nhất.


Khai vấn, thông qua Liên đoàn Khai vấn quốc tế ICF, đã có nhiều cải tiến trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho đạo đức nghề nghiệp và đào tạo. Cố vấn đòi hỏi ít hoặc không cần đào tạo, mà thay vào đó phụ thuộc vào trình độ của đồng nghiệp cấp trên trong hệ thống phân cấp công ty, cũng như chuyên môn cá nhân. Để trở thành một nhà tham vấn được cấp phép, trước tiên họ phải có bằng Thạc sĩ hoặc bằng Tiến sĩ về tham vấn. Sau khi đạt đến trình độ học vấn này, người đó phải tham gia thực tập hoặc thực hành để có được kinh nghiệm thực tế trong tham vấn. Để thực hành tham vấn chuyên nghiệp, phải có giấy phép hành nghề. Giấy phép khác nhau giữa các tiểu bang ở Mỹ. Trở thành một nhà tham vấn phải mất nhiều năm giáo dục và đào tạo.

Một nhà khai vấn có thể được chứng nhận thông qua một chương trình đào tạo, được phổ biến rộng rãi. Bạn có thể mong muốn tham gia một chương trình đào tạo được công nhận thông qua Liên đoàn Khai vấn quốc tế ICF, mặc dù đây là điều không bắt buộc. Để được công nhận theo ICF đòi hỏi số giờ đào tạo khác nhau bằng hình thức cố vấn và kinh nghiệm thực tế, được trả thù lao chính thức. Nhà khai vấn được đào tạo theo tiêu chuẩn của ICF có thể đạt được chứng chỉ thông qua ba con đường khác nhau. Mặc dù có sự khác biệt về giờ đào tạo và kinh nghiệm, cả ba tuyến phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và năng lực cốt lõi của ICF. Sự phát triển liên tục của các tiêu chuẩn chuyên nghiệp này đang mang lại tính hợp pháp ngày càng cao cho nghề khai vấn, vì nghề này tương đối mới so với các nghề nghiệp mang tính giúp đỡ hiện có.


  • ACC, hay Associate Certified Coaches, yêu cầu hơn 60 giờ đào tạo và hơn 100 giờ kinh nghiệm khai vấn.

  • PCC, hay Professional Certified Coaches, yêu cầu hơn 125 giờ đào tạo và hơn 500 giờ kinh nghiệm khai vấn.

  • MCC, hay Master Certified Coach, yêu cầu hơn 200 giờ đào tạo và hơn 2500 giờ kinh nghiệm khai vấn.

Đối với cố vấn, việc đào tạo lại chủ yếu được phát triển thông qua kinh nghiệm sống và kinh nghiệm chuyên môn. Hầu hết các chuyên gia cao cấp sẽ nhận được sự giáo dục và đào tạo tiên tiến, cùng với trải nghiệm thực tế có thể có ích cho những cá nhân trẻ, đang tìm cách leo lên nấc thang thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, việc cố vấn có thể diễn ra ở bất kỳ môi trường nào. Bất cứ ai cũng có thể nhận một người khác dưới trướng của mình để giúp họ tiến bộ cá nhân. Nhiều cố vấn tham gia đào tạo lãnh đạo trong suốt sự nghiệp của họ.



Lời nhắn nhủ dành cho bạn

Tất cả ba cách tiếp cận đều hữu ích, và nhiều so sánh đã được thực hiện. Đã có những giả định mang tính khinh miệt được đưa ra giữa các ngành nghề này, điều đó không có ích trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các nghề. Với sự hiểu biết sâu sắc hơn về vai trò của mỗi nghề nghiệp, nhiều chuyên gia đang hành nghề có thể áp dụng một tư duy mở để giúp đỡ người khác.

Từ bỏ cái tôi để ủng hộ một tư duy khác là một điểm bắt đầu khôn ngoan khi tìm hiểu về khai vấn, tham vấn và cố vấn. Cả ba đều có những điều tuyệt vời để cung cấp cho những người khác trong việc theo đuổi một cuộc sống thành công hơn. Với những tiến bộ trong cách tiếp cận, sự hợp tác nhiều hơn giữa các lĩnh vực trên nhất định rồi sẽ diễn ra.


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề:


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Để hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về các vai trò giúp đỡ khác nhau của nghề Vấn Nghiệp - Helping Profession, thứ ba ngày 13/10/2020 Compassion tổ chức Livesteam "Compassion Expert Talk" đầu tiên với chủ đề "Helping Profession: Khai Vấn - Tham Vấn - Tư Vấn - Cố Vấn... Là Thế Nào? Khác Biệt Nhau Ra Sao?


Đây sẽ là chuỗi Talkshow của tháng 10, có tên gọi Compassion Expert Talk, nằm trong khuôn khổ chương trình Compassion Expert - Chuyên Gia Trắc Ẩn Với Cộng Đồng. Nhằm tạo ra các thảo luận, trao đổi giữa các chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau (đặc biệt liên quan đến chủ đề chăm sóc tinh thần, phát triển con người) với thân chủ (client) cũng như cộng đồng.


Chi tiết chương trình: - Thời gian: 19h00-20h30, tối thứ 3 ngày 13/10/2020 (Buổi đầu tiên) - Địa điểm: Online qua Zoom - Chi phí: Miễn phí (vui lòng đăng ký tại link sự kiện https://www.compassion.vn/events-1/compassion-expert-talk-tro-chuyen-cung-chuyen-gia-trac-an?fbclid=IwAR1G-06JNyktkmKpUtJlyOk4KsM59v5bAnznhI8QKFTCVKJNfPkfWEZMBSI)


Chuỗi Talkshow sẽ cung cấp: - Khai Vấn - Tham Vấn - Tư Vấn - Cố Vấn... (Coaching - Counseling - Consulting - Mentoring...) Là Thế Nào? Khác Biệt Nhau Ra Sao? - Làm thế nào để lựa chọn chuyên gia phù hợp cho vấn đề của bản thân

- Giải đáp thắc mắc liệu bạn có cần sự trợ giúp từ chuyên gia? - Chuyên gia là ai? Tìm kiếm chuyên gia ở đâu? - Chuyên gia có gì trong tay? Chuyên gia sẽ giúp bạn như thế nào?

MỜI BẠN ĐĂNG KÍ THAM GIA TALKSHOW TẠI: https://www.compassion.vn/.../compassion-expert-talk-tro...


 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trênCompassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tạihotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại:www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion:www.compassion.vn/booking).


 

Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê - Athena Vo

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page