Trạng thái chuyển từ quá trình chủ động chăm sóc con cái qua cuộc sống yên ắng không con bên cạnh có thể là một điều khó khăn đối các bậc cha mẹ, người đã trãi qua một quãng đời vì con. Đặc biệt, đối với cha, mẹ đơn thân, quá trình này càng cam go. Tuy vậy, Hội Chứng Chiếc Tổ Trống không phải lúc nào cũng chỉ đem lại toàn tiêu cực. Dòng nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều cha mẹ thật sự chứng nghiệm cảm giác mong muốn truyền lại di sản giá trị sống (generativity - xem ghi chú của người dịch ở cuối bài), làm mới lại các mối quan hệ, và thấy lại niềm vui khi con cái họ rời nhà.
Hội chứng Chiếc Tổ Trống: Nó là gì?
Đối với nhiều bậc cha mẹ, nuôi dạy con cái giống như một nghĩa vụ của chính họ. Nhiều người dành gần hết thời gian của mình để tiếp tục đóng vai trò nuôi dưỡng cả sau giai đoạn con qua tuổi 18 và nhiều năm sau đó nữa. Nên khi con rời nhà, người phụ huynh đơn thân ở lại với mớ hỗn độn các mối cảm xúc trống trãi, cô đơn, và rối loạn trong việc định hình lại bản thân mình. Điều đó gây ra 'Hội Chứng Cái Tổ Trống'. Quá trình chuyển đổi cuộc sống thường sẽ kèm với sự khó khăn và sự nuối tiếc khoảng thời gian đã qua với con mình. Tuy nhiên, đối với một số cha, mẹ, Hội chứng Chiếc Tổ Trống lại mang đến các loại cảm giác như mắc tội, vô nghĩa, và trống trãi, lớn đến mức biến thành trầm cảm.
Cũng là bình thường khi cùng lúc trải nghiệm hai cảm giác vừa phấn khích vừa u sầu, khi con cái chuyển sang giai đoạn trưởng thành. Tuy vậy, khi một ông bố, bà mẹ đơn thân không có bạn đời bên cạnh để nhờ cậy, những cảm xúc này thường dâng lên gấp đôi. Chuẩn cổ điển của Hội Chứng Chiếc Tổ Trống thể hiện rõ ở ông bố, bà mẹ ở nhà chăm con. Khi cha, mẹ, đặc biệt là mẹ, ở nhà chăm con, họ không tìm thấy nhiều nghĩa vụ nào khác, ngoài nghĩa vụ đối với con cái . Khi con trẻ không còn cần đến mình, họ sẽ cảm thấy quá sức với sự tự do, trống rỗng của mình.
Tuy nhiên,theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Karen Fingerman, hiện tượng này đang trở nên biến chuyển hơn. Nhiều bà mẹ ra ngoài làm việc hơn. Giao tiếp với con cái đi học xa là điều dễ dàng và thuận tiện hơn trước. Thế nên ngày càng có ít cha, mẹ, đặc biệt là người mẹ, mắc hội chứng Chiếc Tổ Trống.
Trong gia đình mà cha mẹ đơn thân, người mẹ có thể cần làm việc nhiều hơn. Điều này giảm thiểu rủi ro mắc chứng Chiếc Tổ Trống, vì phụ huynh đơn thân đã có thêm các hoạt động là nghĩa vụ và các nguyện ước cần hoàn thành khác. Tuy nhiên, việc thiếu đi người bạn đời lại làm ngôi nhà vốn đã trống vắng càng trở nên trống vắng. Không có nghiên cứu cụ thể nào về việc cha mẹ đơn thân có dễ mắc chứng Chiếc Tổ Trống hơn cha, mẹ song thân hay không, và vì rằng hội chứng này không phải một căn bệnh, mà là một tập hợp vô hình nhiều triệu chứng, có rất ít nghiên cứu chỉ rõ các nhân tố tiềm ẩn trong hiện tượng này.
Hội chứng Chiếc Tổ Trống đối với cha / mẹ đơn thân
Cha, mẹ đơn thân hy sinh nhiều thứ hơn cho con cái. Trong khi cha, mẹ song thân nhỉnh được chút thời gian giải trí mỗi tuần hay ngủ nướng thêm được chút nhờ vào sự trợ giúp của người còn lại. Thì cha, mẹ đơn thân thường phải tự làm hết một mình. Điều này nghĩa là họ có ít thời gian giải trí, nghỉ ngơi và theo đuổi các mục tiêu khác. Nhiều người đơn thân còn bỏ qua cả việc phát triển sự nghiệp, mối tình lãng mạn, sở thích mới, những người bạn mới để có nhiều thời gian hơn cho con.
Khi đứa con chuyển ra ngoài, người cha/mẹ đơn thân có nhiều thời gian hơn. Điều này nghĩa là họ có nhiều thời gian làm nhiều thứ họ muốn hơn, nhưng đồng thời cũng mất đi cảm thức về mục đích và niềm vui sống. Một vài cha, mẹ đơn thân sẽ cảm thấy ức chế với những thứ họ đã từ bỏ vì con. Lấy thí dụ, họ đau buồn vì để lỡ một mối quan hệ tình cảm đáng lẽ đã thành, hoặc họ lo sợ rằng đã quá trễ để có thể thay đổi công việc hay tìm một sở thích mới.
Hội chứng Chiếc Tổ Trống: Giả định vs Thực tế
Trong khi nhiều ông bố, bà mẹ đơn thân trải qua Hội Chứng Chiếc Tổ Trống, nhiều người khác lại có thể tìm lại lý tưởng sống khi con họ chuyển đi. Có một giả định cho rằng việc chuyển sang giai đoạn trưởng thành của con cái luôn tạo nỗi đau trong lòng cha mẹ. Làm cha mẹ là việc tốn nhiều công sức và thời gian.
Một số cha mẹ tận hưởng cơ hội được ngủ thêm, có nhiều thời gian rảnh, có thể theo đuổi các mối quan hệ mới và kết nối lại với bản thân mình khi không chăm sóc con cái. Nhiều người phụ huynh bày tỏ cảm giác tự hào và vui thích khi con họ bước sang giai đoạn trưởng thành. Đôi khi, mối quan hệ thân phụ mẫu được cải thiện khi con trẻ rời đi, khi đó người cha, mẹ phát triển mối tình cảm bạn bè với chúng. Một vài người cha mẹ còn cho thấy họ kết nối sâu sắc hơn với con cái khi chúng rời nhà.
Dầu giả định phổ biến này cho thấy các bà mẹ có khuynh hướng nếm trải Hội Chứng Chiếc Tổ Trống hơn, một vài nghiên cứu lại chỉ ra rằng nỗi đau buồn liên quan đến hội chứng này thật ra thích xâm chiếm các ông bố hơn.
Đối mặt với Hội chứng Chiếc Tổ Trống như một cha/mẹ đơn thân
Chẳng có cảm xúc nào gọi là “đúng đắn” sau cái việc con cái rời nhà. Kỳ thực, nhiều cha, mẹ chênh vênh giữa hai làn cảm xúc u sầu và vui vẻ. Thay vì lo lắng rằng cảm giác họ có có phù hợp không, phụ huynh nên cho bản thân được phép khám phá các cung bậc cảm xúc trong giai đoạn chuyển lên một bậc khác của cuộc đời làm cha mẹ. Một vài thủ thuật hữu ích giúp các ông bố, bà mẹ vượt qua giai đoạn chuyển bậc này gồm có:
Tìm sự trợ giúp từ một người hoặc một nhóm. Có một nơi để trút bầu tâm sự sẽ giải tỏa được nhiều thứ. Các phụ huynh từng trải sẽ giúp bạn đánh giá lại các xúc cảm và đưa ra phương cách giải quyết. Hãy tìm một nhóm hỗ trợ gần nơi bạn ở.
Tránh dựa dẫm vào con. Điều này có thể làm nguy hại mối quan hệ cha mẹ - con cái và thực tế còn làm hội chứng này trầm trọng hơn.
Lên kế hoạch các hoạt động vui vẻ với con mà không xâm phạm cuộc sống tự do mới có của chúng. Thí dụ, lên kế hoạch một kỳ nghỉ gia đình hoặc hỏi con bạn xem điều gì làm chúng thấy vui khi ghé thăm nhà.
Tìm một sở thích mới. Bạn có nhiều thời gian hơn xưa và bạn xứng đáng với hoạt động nào mang lại cho mình niềm vui. Thử đăng ký một lớp học, đi hẹn hò, hay tìm đọc những cuốn sách hay.
Tìm gặp nhà tâm lý trị liệu để bày tỏ cảm xúc cũng là một cách hay. Nhà trị liệu có thể giúp bạn hiểu được thời làm cha mẹ đóng vai trò gì trong những nghĩa vụ với con cái, và rồi cùng bạn định hình và phát triển một hình ảnh khác. Trong trị liệu, bạn sẽ được chỉ cách xác định các ý nghĩ tự chống lại bản thân, các phương pháp tự chăm sóc bản thân để giảm thiểu nguy cơ trầm cảm, và tìm hiểu sâu hơn về bản thân mình ngoài vai trò là ông bố, bà mẹ.
Nhà trị liệu giỏi còn giúp được bạn tìm hiểu các cách thức bảo tồn mối quan hệ với con khi chúng ngày càng trở nên độc lập hơn. Nếu giai đoạn chuyển bậc của con bạn làm thay đổi mối tương quan các thành viên trong gia đình hoặc gây xung đột với các thành viên khác, bạn nên tìm nhà tâm lý trị liệu chuyên môn về gia đình để tư vấn.
Ghi chú của người dịch: Thuật ngữ Generativity (được đề cập ở đầu bài) được nhà Phân tâm học Erik Erikson đưa ra vào năm 1950 để biểu thị "mối quan tâm thiết lập và hướng dẫn thế hệ tiếp theo”. Ông sử dụng thuật ngữ này lần đầu trong quá trình xác lập giai đoạn chăm sóc của lý thuyết về các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội.
Giai đoạn chăm sóc nằm trong độ tuổi trung niên của cuộc đời một người, từ tuổi 40 đến 64. Generativity được định nghĩa là khả năng vượt qua lợi ích cá nhân để cung cấp sự chăm sóc và quan tâm cho các thế hệ trẻ và già hơn. Các nhà phân tâm học hiện đại, bắt đầu từ đầu những năm 1990 đã đưa vào khái niệm về mối quan tâm đến việc để lại di sản, được cho là ‘khao khát nội tại về sự bất tử’ trong việc định nghĩa Generativity.
(Nguồn thông tin ghi chú: en.wikipedia.org)
---------------------------------------------------------------------------------
Nguồn bài dịch: https://www.goodtherapy.org/blog/how-to-cope-with-empty-nest-syndrome-when-youre-a-single-parent-0531198
Người dịch: Khánh ; Người biên tập: Hải Yến
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments