Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn
Trong toán học, chúng ta có tập hợp số lẻ - số chẵn, số nguyên âm - số nguyên dương, số số hữu tỉ - số vô tỉ, số thực - số ảo. Chúng ta chỉ cần số chẵn, số nguyên dương, số hữu tỉ, số thực thôi có ổn không?
Chúng ta có mặt trời và mặt trăng trong mối tương quan thiết thân với sự sống trên Trái Đất. Chúng ta chỉ cần mặt trời thôi có được không?
Trong cơ thể chúng ta có quá trình đồng hoá và dị hoá. Chúng ta chỉ chọn đồng hoá thôi có được không?
Trong một bản nhạc có các nốt phát ra âm thanh đồ, mi, fa, sol, la, si và nốt lặng. Liệu ta không cần nốt lặng có được không?
Nhịp sinh học của chúng ta có hai pha thức dậy và ngủ nghỉ. Liệu chúng ta chỉ ngủ hoặc thức thôi có được không?
Tuy nhiên, với câu hỏi mang tính chất tương tự “Chúng ta có cảm xúc tích cực - ví dụ như vui vẻ và cảm xúc tiêu cực - ví dụ như buồn bã. Liệu chăng chỉ cần cảm xúc tích cực - vui vẻ thôi có được không?” thì ta có thể ngập ngừng khi trả lời. Bởi vì đơn giản là chúng ta chỉ hy vọng trải nghiệm sự dễ chịu, thoải mái do cảm xúc tích cực mang lại và không hề muốn kinh qua sự khó chịu, đau khổ của cảm xúc tiêu cực. Chúng ta chỉ ưa thích gam màu cảm xúc tươi sáng và né tránh các sắc độ cảm xúc đen tối, u ám. Hãy tự chất vấn bản thân liệu điều kỳ vọng này có thực sự làm cho cuộc sống chúng ta vận hành tốt và giúp chúng ta trưởng thành hay không?
Đó là điều bài viết này khơi gợi ra. Quả thật là một câu hỏi thú vị, đáng suy ngẫm khi ta cố gắng từ chối cảm xúc tiêu cực. Trong khi cảm xúc tiêu cực và tích cực đối nghịch nhau thì khi chúng được cân bằng sẽ có một cảm xúc mới được sinh ra gọi là cảm xúc trung tính. Hãy đọc sâu về bài viết để có những góc nhìn mới hay lắng nghe quan điểm tranh luận của tác giả bài viết về vai trò của cảm xúc tiêu cực cho sức khoẻ tinh thần của chúng ta. Nó có thể giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc nhìn nhận và điều tiết cảm xúc chính mình.
Bạn có thể cho rằng tâm lý học tích cực toàn nói về những cảm xúc tích cực. Suy nghĩ đó do bạn mơ hồ ngầm định, cho rằng xu hướng tích cực là những gì vốn có của tâm lý học tích cực! Nhưng thật ra tất cả không phải chỉ có những cảm xúc tích cực. Những cảm xúc tiêu cực là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống và là điều ta cần trải nghiệm để có một cuộc sống đủ đầy, phong phú.
Tại sao chúng ta cần những cảm xúc tiêu cực để hoàn thiện những cảm xúc tích cực? Hãy đọc tiếp để hiểu nhé!
Một cái nhìn sơ bộ về Tâm lý học
Con người nghiên cứu về cảm xúc cách đây khoảng hàng nghìn năm. Với sự tập trung cao độ vào cảm xúc, không bất ngờ gì khi chúng ta biết khá nhiều về chúng; điều đáng ngạc nhiên là sự thiếu hiểu biết xung quanh sự cần thiết của cả hai cảm xúc đối với sự vận hành chức năng lành mạnh.
Hãy bắt đầu bằng những định nghĩa
Cảm xúc tích cực là gì?
Cảm xúc tích cực là cảm xúc chúng ta thường cảm thấy dễ chịu khi trải nghiệm. Cẩm nang Tâm lý học Tích cực Oxford định nghĩa chúng là " những phản ứng hài lòng và mong mỏi thuộc về hoàn cảnh.... khác biệt với cảm giác vừa lòng và ảnh hưởng tích cực không phân biệt" (Cohn & Fredrickson, 2009).
Về cơ bản, định nghĩa này nói rằng những cảm xúc tích cực và những phản ứng hài lòng đối với môi trường (hay đối thoại nội tâm) mà phức tạp và có mục tiêu hơn là những cảm xúc đơn thuần.
Cảm xúc tiêu cực là gì?
Ngược lại, những cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc mà chúng ta thường không thấy vui lòng khi trải nghiệm. Những cảm xúc tiêu cực có thể được định nghĩa là "những cảm xúc không hài lòng hay không vui được gợi lên trong một người để thể hiện ảnh hưởng tiêu cực của một sự kiện hay một người" (Pam, 2013).
Nếu một cảm xúc làm bạn chán nản hoặc kéo bạn chùn xuống, thì hẳn nó là một cảm xúc tiêu cực.
17 ví dụ về cảm xúc: Danh sách những cảm xúc tích cực và tiêu cực
Những ví dụ về cảm xúc tích cực và tiêu cực sẽ thay đổi tùy theo người bạn đặt câu hỏi; thậm chí định nghĩa của một cảm xúc cũng có thể thay đổi theo quan điểm của người trả lời. Dù bạn định nghĩa cảm xúc theo cách nào, sự sáng suốt giữa hai định nghĩa này nằm ở trực giác - chúng ta dường như "tự biết" cái nào là cảm xúc tích cực và cái nào là tiêu cực.
Một số cảm xúc tích cực phổ biến bao gồm:
Yêu
Vui sướng
Thỏa mãn
Hài lòng
Quan tâm
Thích thú
Hạnh phúc
Thanh thản
Kinh sợ (vừa kinh ngạc vừa sợ hãi)
Một vài trong số những cảm xúc tiêu cực thường cảm thấy là:
Sợ hãi
Tức giận
Ghê tởm
Buồn
Thịnh nộ
Cô đơn
Sầu muộn
Bực bội, khó chịu
Chúng ta có cần cả hai loại cảm xúc không?
Khi nhìn lại danh sách ví dụ về những cảm xúc tiêu cực, bạn có muốn cảm nhận một trong số chúng không? Có lẽ là không, và điều đó không có gì là lạ. Thật không ổn tí nào để trải nghiệm bất kỳ một cảm xúc nào trong số chúng.
Bây giờ, hãy tham khảo danh sách những cảm xúc tích cực. Có bao giờ bạn cảm nhận được một trong số những cảm xúc đó và suy tư rằng, "Tôi ước mình không cảm nhận cảm xúc này?" Dù bạn trải nghiệm điều này một đến hai lần - nhìn chung ở thời điểm chúng ta nghĩ chúng ta không nên cảm nhận những cảm xúc tích cực - thật dễ nhận ra rằng danh sách này chứa đầy những cảm xúc thú vị mà mọi người có xu hướng tìm kiếm. Chúng ta biết rằng chúng ta cần những cảm xúc tích cực để vận hành hiệu quả, trưởng thành và phát triển.
Vì vậy, nếu về cơ bản, ta thấy khó chịu khi chúng ta trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực và cảm thấy dễ chịu và mong muốn trải nghiệm những cảm xúc tích cực, liệu chúng ta có thực sự cần những cảm xúc tiêu cực không?
Và hoá ra, câu trả lời là “Có”!
Cảm xúc tiêu cực có cần thiết?
Dù rằng không dễ chịu mấy để trải nghiệm, những cảm xúc tiêu cực thật sự cần thiết cho một đời sống lành mạnh. Điều này đúng với hai lý do lớn:
Những cảm xúc tiêu cực cho chúng ta một điểm đối lập với những cảm xúc tích cực; không có sự tiêu cực, liệu những cảm xúc tích cực có còn đem lại sự thoải mái?
Những cảm xúc tiêu cực phục vụ cho mục đích tiến hóa, khuyến khích chúng ta hành động theo cách giúp tăng cơ hội sống sót và giúp chúng ta trưởng thành và phát triển như mọi người.
Như Tracy Kennedy từ trang Lifehack.org chỉ ra, có một lý do chính đáng cho mỗi cảm xúc cơ bản, cả tích cực và tiêu cực:
Tức giận: chiến đấu chống lại các vấn đề
Sợ hãi: để bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm
Mong chờ: để mong đợi và lên kế hoạch
Ngạc nhiên: tập trung vào các tình huống mới
Niềm vui: để nhắc nhở chúng ta những gì quan trọng
Nỗi buồn: để kết nối chúng ta với những người chúng ta yêu thương
Tin tưởng: để kết nối với những người giúp đỡ
Ghê tởm: từ chối những gì không lành mạnh
Không có sợ hãi, liệu bạn có ở đây hôm nay? Hoặc bạn sẽ tham gia vào một số hành động rủi ro, đặt bản thân vào nguy hiểm không cần thiết? Không có sự ghê tởm, liệu bạn có thể kiềm chế việc đưa bất kỳ, rất nhiều chất có hại mà bạn tiếp cận vào trong người khi mới chập chững biết đi?
Dù cho không vui lòng mấy, nhưng chúng ta không thể từ chối hay phủ nhận được việc những cảm xúc tiêu vực phục vụ một mục đích quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Có đúng thật là một người sẽ chỉ cảm thấy stress trong một tình huống tiêu cực?
Dù cho bạn có thể nghĩ về stress như một cảm xúc tiêu cực cố định hay một phản ứng với một tình huống, thực ra nó được trải nghiệm khá thường xuyên trong những tình huống trung lập và tích cực.
Trong thực tế, nhiều trải nghiệm được coi là tích cực có thể đóng góp phần lớn những căng thẳng vào cuộc sống của chúng ta. Sau đây chỉ là một vài những ví dụ về trải nghiệm tích cực mang lại căng thẳng:
Lên kế hoạch cho đám cưới sắp tới
Chuẩn bị cho việc chuyển đến một nơi mới mà bạn hào hứng muốn sống tại đó
Những dịp lễ hội - đặc biệt là với gia đình!
Có con
Bắt đầu một công việc mới thú vị
Hoàn toàn bình thường khi bạn cảm thấy stress trong những tình huống trên, kể cả bạn phân loại chúng vào mục hạnh phúc hay tích cực. Đó là một ví dụ khác về sự tương tác giữa tích cực và tiêu cực giúp cuộc sống của chúng ta cân bằng.
Cảm xúc tích cực và tiêu cực: Nhìn vào sự khác biệt
Như chúng ta đã biết, những cảm xúc tích cực và tiêu cực đều rất quan trọng cho một cuộc sống lành mạnh, trọn vẹn, viên mãn. Hãy cùng xem cảm xúc trong cả hai loại tác động đến chúng ta như thế nào.
Cách chúng ảnh hưởng đến bộ não ra sao?
Cả hai cảm xúc tích cực và tiêu cực đều có vai trò quan trọng khi liên kết đến não, nhưng chúng thường có những vai trò riêng biệt.
Ví dụ, những cảm xúc tích cực đã được chứng minh là tác động đến não theo những cách sau:
Chúng có thể tăng hiệu suất của chúng ta trong nhiệm vụ nhận thức bằng cách nâng cao tinh thần của chúng ta mà không làm chúng ta mất tập trung như những cảm xúc tiêu cực làm (Iordan & Dolcos, 2017).
Những cảm xúc tích cực có thể kích hoạt các mạch thần kinh về khen thưởng trong não, góp phần làm giảm mức độ hormone căng thẳng và hạnh phúc cao hơn (Ricard, Lutz, & Davidson, 2014).
Những cảm xúc tích cực có thể giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn và mở rộng phạm vi tập trung của bộ não (Fredrickson, 2001).
Trong khi đó, những cảm xúc tiêu cực được biết là ảnh hưởng đến não theo những cách sau:
Tạo điều kiện xử lý xung đột cảm xúc, giúp chúng ta hiểu được thông tin cảm xúc không thống nhất hoặc mâu thuẫn; nói cách khác, những cảm xúc tiêu cực có thể giúp chúng ta tìm ra những vấn đề khó khăn thuộc cảm xúc (Zinchenko et al., 2015).
Tạo điều kiện xử lý xung đột nhận thức, hỗ trợ chúng ta trong việc thấu hiểu thông tin nhận thức không thống nhất hoặc mâu thuẫn; nói cách khác, những cảm xúc tiêu cực cũng có thể giúp chúng ta hiểu ra khi chúng ta nhận được những tín hiệu khó hiểu (Kanske & Kotz, 2010; 2011).
Giảm trải nghiệm về sự đồng cảm, có thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi việc quá dính líu với người khác và tập trung vào các mục tiêu của chính mình (Qiao-Tasserit, Corradi-Dell’Acqua, & Vuilleumier, 2017).
Cả hai đều có vai trò tác động lên não của chúng ta và những vai trò này là bổ sung chứ không phải cạnh tranh.
Vai trò của cả hai loại cảm xúc trong tâm lý học tích cực
Do tác động của những cảm xúc tích cực và tiêu cực đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta, nó dễ dàng nhận ra lý do tại sao tâm lý học tích cực theo dõi sát sao những cảm xúc tiêu cực bên cạnh những phần tích cực. Quan trọng đối với chúng ta là học cách tăng cường cảm xúc tích cực và tận dụng những cơ hội mà chúng mang lại, nó cũng quan trọng để học cách thích nghi với những cảm xúc tiêu cực và đối phó với chúng một cách hiệu quả.
Khi chúng ta có thể chấp nhận, nắm lấy và khai thác cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực của chúng ta, chúng ta sẽ cho mình cơ hội tốt nhất để sống một cuộc sống cân bằng, có ý nghĩa. Đây là lý do tại sao lĩnh vực tâm lý học tích cực ngần ngại tập trung quá nhiều vào chỉ riêng cảm xúc tích cực, điều quan trọng là phải hiểu làm thế nào để biến cảm xúc tiêu cực thành một trải nghiệm tích cực cũng như tận dụng cảm xúc tích cực của chúng ta.
Làm thế nào chúng ta có thể theo dõi cảm xúc tốt nhất?
Bây giờ chúng ta đã biết về tầm quan trọng của việc chấp nhận và điều tiết cảm xúc của mình, cả tích cực và tiêu cực, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào chúng ta thực sự làm được điều này.
Bước đầu tiên để điều tiết hiệu quả cảm xúc của chúng ta là xác định, hiểu và tìm ra các mô hình trong trải nghiệm cảm xúc của chúng ta.
Biểu đồ cảm xúc tích cực và tiêu cực
Nếu bạn cần trợ giúp để xác định cảm xúc tích cực so với tiêu cực hoặc theo dõi cảm xúc của chính bạn, có một số biểu đồ có thể giúp ích. Kiểm tra các ví dụ dưới đây hoặc làm cho riêng bạn nếu bạn cảm thấy muốn sáng tạo hơn.
Biểu đồ biểu tượng cảm xúc tích cực và tiêu cực:
Danh sách đơn giản về cảm xúc tích cực và tiêu cực:
Tiêu cực
Sầu khổ, buồn rầu, đau khổ, buồn bã, không vui, chán nản, căm ghét, trách mắng, hối tiếc, đau đớn, oán giận, đe dọa, phản đối, tức giận, thịnh nộ, thù địch, căm thù, xấu hổ, bấp bênh, ngượng ngùng, bạo dạn, lúng túng, lo âu, hoảng sợ, thất vọng, bi quan, hoài nghi, ganh tị, mệt mỏi, đau đớn, lo lắng, hoảng sợ, sợ hãi.
Tích cực
Quan tâm, cảm hứng, nhiệt tình, sảng khoái, thích thú, thấu cảm, tò mò, phấn khởi, vui lòng, điềm tĩnh, thanh thản, hòa bình, tin tưởng, ngây ngất, vui sướng, hạnh phúc, sung sướng, hài lòng, vô tư lự, thoải mái, thỏa mãn, đủ đầy, đầy hy vọng, tự tin, lạc quan, đam mê, hòa hợp, sôi nổi, biết ơn, tử tế, yêu mến, yêu thương.
Bánh xe cảm xúc (phiên bản được Việt hoá bởi Compassion)
Một cái nhìn xúc tích về cảm xúc trung tính
Trong khi những cảm xúc tích cực và tiêu cực đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ các nhà nghiên cứu và các nhà thực hành tâm lý, thì có một loại cảm xúc khác mà trong chúng ta ai cũng có nhưng đã bị bỏ qua: cảm xúc trung tính.
Bạn đã không nghe nhiều về những cảm giác trung tính này từ các nhà tâm lý học, nhưng chúng là một chủ đề được thảo luận nhiều trong một số kinh sách Phật giáo. Những cảm xúc này được gọi là adukkhamasukha, có thể dịch là không khoái lạc cũng không đau khổ (Anālayo, 2017). Họ đề cập đến “một phạm vi ở phần trung gian của hàng loạt trải nghiệm cảm nhận, nằm giữa nỗi đau và niềm vui, tương đối “nhạt nhẽo” và không đau đớn rõ rệt cũng không dễ chịu rõ ràng (Anālayo, 2017).
Vì cảm xúc trung lập là một chủ đề trần tục đối với hầu hết chúng ta, chúng ta hiếm khi suy nghĩ về chúng; tuy nhiên, chúng có thể là phạm trù cảm xúc mà chúng ta dành phần lớn thời gian! Hãy nghĩ về một ngày của bạn: bao nhiêu trong số thời gian đó đã trải qua trong niềm vui và sự hài lòng? Bao nhiêu trong sự tức giận và buồn bã? Câu trả lời cho những câu hỏi đó có thể sẽ ít thời gian hơn nhiều so với bạn có trong ngày. Những cảm xúc bạn cảm thấy trong thời gian còn lại có khả năng là trung tính.
Mặc dù cảm xúc trung tính không có hóa trị - tích cực hoặc tiêu cực - một số người nói rằng cảm xúc trung tính có thể được tính là cảm xúc tích cực, vì chúng được đặc trưng bởi sự vắng mặt của nỗi đau và đau khổ. Bất cứ điều gì bạn tin về những cảm xúc tiêu cực, hãy ghi nhớ chúng như một phần quan trọng, nếu ta thường hay lãng quên mất điều này, cảm xúc tiêu cực là một mảnh ghép trải nghiệm cảm xúc của bạn. Bạn có thể đọc thêm nhiều hơn quan điểm của Phật giáo về cảm xúc trung tính.
Lời nhắn nhủ dành cho bạn
Như mọi khi, tôi hy vọng bạn đọc xong bài này với một ít hiểu biết nhiều hơn so với lúc bắt đầu. Xác định, chấp nhận và điều tiết cảm xúc của chúng ta, cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực là một nhiệm vụ quan trọng để sống một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Sử dụng những gì bạn đã học được ở đây để tăng cường sự hiểu biết của bạn về cảm xúc của chính bạn và cảm xúc của người khác, và cam kết nhận thức và điều tiết tốt hơn về trạng thái cảm xúc của chính mình. Bạn sẽ không hối hận đâu!
Suy nghĩ của bạn về chủ đề này là gì? Bạn có nghĩ rằng những cảm xúc tiêu cực là cần thiết, hoặc bạn nghĩ rằng chúng ta có thể loại bỏ chúng mà không có bất kỳ tác động bất lợi nào? Những loại cân bằng nào bạn nhắm đến? Cho chúng tôi biết trong phần ý kiến dưới đây.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Nguồn bài dịch: https://positivepsychology.com/positive-negative-emotions/
Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây