Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn:
Hầu hết mọi người đều có nhu cầu được kết nối với người khác, đặc biệt là với những người mà họ quan tâm. Vì vậy, bị từ chối quả thực là một trải nghiệm không mấy dễ chịu, thậm chí dẫn đến những vết thương tâm lý. Compassion xin giới thiệu đến bạn đọc trải nghiệm của tác giả Vironika Tugaleva trong hành trình áp dụng kỹ năng tự yêu (self-love) và tự nhận thức (self-awareness) để chữa lành cho vết thương bị từ chối.
"Không có phép chữa trị ma thuật nào có thể làm cho tất cả biến mất vĩnh viễn. Chỉ có những bước tiến nhỏ đi về phía trước; đó là một ngày dễ dàng hơn, một tràng cười bất ngờ, một tấm gương soi chắc không còn quan trọng nữa." - Laurie Halse Anderson
Chuyện bắt đầu ở trường tiểu học. Và tôi là một đứa nhóc nhập cư mũm mĩm với giọng nói đặc sệt đang mặc trên mình bộ quần áo xuề xòa. Tôi thật lòng muốn những đứa trẻ khác sẽ thích mình nhưng chẳng hiểu sao mọi thứ tôi nói và làm dường như đẩy chúng ra xa. Những trò đùa hay bình luận của tôi làm chúng dị ứng đến im phăn phắt hoặc là sẽ tụ thành nhóm mà chế giễu tôi. Những khoảnh khắc đó thật sự làm tôi đau đớn nhưng cũng đầy băn khoăn. Tôi phải làm gì thì bọn chúng mới thích tôi đây?
Khi bắt đầu học tiếng Anh, tôi bắt gặp vài nhóm bạn đang tụ tập dưới sân trường, nhưng tôi lại tiếp tục bị bắt nạt vì cân nặng, quần áo, và gương mặt dễ đỏ ửng của mình. Thời điểm dậy thì ở tuổi lên chín càng không khá hơn, đúng vậy, tôi dậy thì sớm hơn các cô bạn cùng lứa. Khi học tiểu học, tôi còn nhớ có lần tôi cuốc bộ về nhà thì có hai cậu con trai đi phía sau, nói những thứ như "Năm nay tăng mấy cân rồi phải không?". Lúc đó tôi chỉ biết cúi gằm mặt, hai chân như bánh xe chạy nhanh hết tốc lực về nhà.
Vết thương từ chuyện bị từ chối, bị bắt nạt và bị tẩy chay đã ăn thật sâu. Đến mức tôi chưa bao giờ cảm thấy đủ an toàn cho đến khi tôi hoàn toàn ở một mình.
Khi lên trung học, tôi nhớ có lần tôi cũng đi bộ về nhà và sau lưng tôi là một chàng trai nổi tiếng lớp trên. Anh ấy không nói gì, nhưng tim tôi đã bắt đầu đập loạn xạ và tôi trở nên hoang mang cố gắng đung đưa hai cánh tay một cách tự nhiên nhất. Tôi mắc cỡ và cảm thấy tay mình thừa thãi quá chừng! Tôi khó xử quá đi!
Mặc dù rằng tôi thật sự cố gắng về nhà nhanh nhất có thể, nhưng tôi lại không cảm thấy an toàn đối với gia đình mình. Trong căn nhà này, việc thể hiện cảm xúc là không được khuyến khích hoặc chấp nhận. Tôi nhận ra nơi duy nhất an toàn là khi ở một mình tôi thôi. Nhưng thời gian trôi qua, nỗi lo lắng về ý kiến của người khác đối với tôi bắt đầu lan vào cả những lúc tôi được một mình. Tôi lo lắng. Tôi nhai đi nhai lại những suy nghĩ triền miên. Tôi cực lực phân tích.
Lúc nào cũng sống trong sợ hãi thật sự rất khó khăn, vì vậy tôi đã hình thành tất cả các loại thói quen vô ích nhằm cảm thấy được kiểm soát. Tôi bỏ đói cơ thể mình. Tôi nói dối. Tôi nghiện bất cứ thứ gì tôi có thể chạm tay vào.
Tôi đã trải qua một hành trình dài chữa lành - không chỉ chữa lành khỏi những cách độc hại mà tôi đã học được để tránh sự khó chịu khi ở quanh người khác mà còn chữa lành khỏi những vết thương ban đầu đã gây ra sự khó chịu đó. Con đường dài và khó khăn. Còn tôi thì vẫn đang đi.
Tôi đã học được vài thứ hữu ích. Ví dụ, tôi học được cách nhận ra những suy nghĩ gây lo lắng và chất vấn chúng. Tôi cũng tập tìm kiếm nơi nào trên cơ thể mình đang bị căng thẳng và tôi học cách thư giãn chúng. Và rồi nhận thấy rằng thật ra cảm giác bị từ chối không có khả năng đánh gục tôi (mặc dù tôi gần như đã gục ngã khi chạy trốn khỏi nó). Tôi đã dần quen với việc chấp nhận những cảm xúc không thoải mái thay vì chạy trốn.
Tôi bắt đầu học được cách kiểm soát mức độ căng thẳng chung bằng việc tập thể dục, nạp ít cà phê hơn vào người, viết nhật ký, chánh niệm, và dành rất nhiều thời gian ở một mình. Tôi cũng khám phá được là tập thể dục trước khi tham gia vào sự kiện xã hội có thể làm giảm thiểu khả năng bị kích thích bởi người khác. Và tôi học được rằng hình dung lại tình huống xã hội vừa xảy ra trong tâm trí có hiệu quả đáng kể - với điều kiện tôi đặt giới hạn thời gian và tổng kết bằng một số suy nghĩ trân trọng bản thân.
Qua thời gian tôi hiểu rằng, đôi khi, tôi nên tin tưởng vào sự tự đánh giá bản thân của mình và từ đó thay đổi cách tôi trò chuyện với người khác. Tuy nhiên việc cân nhắc lựa chọn giữa ý kiến nào nên công nhận và ý kiến nào nên cho qua thì tôi vẫn đang suy nghĩ. Trong những lúc như vậy thật ra tôi vẫn không quên tử tế với chính mình.
Vài tháng đầu tiên trong thực hành không lún sâu vào những ý kiến đánh giá bản thân, tôi nhận thấy mình đã được chữa khỏi. Tôi đã nghĩ mình sẽ được giải phóng tự do khỏi các tình huống xã hội mãi mãi về sau. Nhưng đời không như là mơ.
Tôi đã học được cách nghĩ rằng những căng thẳng xã hội và nỗi sợ bị từ chối là cơn dị ứng. Tôi bị dị ứng với những suy nghĩ kiểu như "Họ có thích mình không ta? Mình làm gì để họ thích mình bây giờ? Mình nói gì sai hả ta? Lỡ họ nghĩ mình kỳ quặc thì sao?" Hầu hết thời gian, tôi có thể tránh được thói quen ngựa đi đường cũ. Bằng cách lắng nghe những suy nghĩ đó và nghĩ rằng, "Không, mình dị ứng với chúng mà. Chúng không tốt cho mình tí nào."
Nhưng đôi khi tôi bỏ lỡ việc nhận biết chúng đúng thời điểm. Hoặc là tôi bắt đầu nhận biết khi chúng đã tác động tới tôi nhiều đến mức tôi trở nên căng thẳng hay mệt mỏi. Hoặc là tôi trải nghiệm một loạt các lời từ chối và bị choáng ngợp để có thể có thời gian để xử lý chúng trước khi cảm xúc và suy nghĩ của tôi cuốn tôi vào một vòng xoáy tiêu cực. Và nó đã thành sự thật. Vừa xảy ra tuần trước. Nó kéo dài tận bốn ngày. Tôi đã học cách tha thứ cho bản thân, nhẹ nhàng, và công nhận bản thân rằng đã làm hết sức có thể.
Tôi có vài người bạn mắc phải chứng celiac (chứng không dung nạp gluten) có triệu chứng xuất hiện tác dụng phụ kéo dài nhiều ngày sau khi ăn thực phẩm chứa gluten. Ở đây nói đến việc "hậu quả" đã xảy ra hoàn toàn mà không có sự can thiệp kịp thời nào. Thứ duy nhất họ có thể làm là ngăn cho nó tệ hơn. Đó cũng là cách tôi đã làm!
Tôi cố gắng không tự trách vì đã để mình kẹt lại với việc phán xét bản thân trong vài ngày. Làm vậy thì mọi việc sẽ dễ xử lý hơn. Tôi cố gắng nghĩ theo cách đó khi cơ thể tôi trở nên suy kiệt. Nó cần thời gian để chữa lành. Nó cần tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Nó không cần nhận thêm bất cứ một dấu hiệu của những thứ làm nó mệt mỏi.
Mỗi một lần tâm trí tôi tỏ ra căng thẳng với sự phán xét, là một lần cơ hội cho tôi tự trò chuyện với bản thân bằng tình yêu, lòng kiên nhẫn và sự tử tế. Và cũng là cơ hội để tôi học hỏi thêm về bản thân mình. Tôi cố gắng rút ra cho mình một vài kinh nghiệm từ những giai đoạn khó khăn như vầy.
Tôi từng muốn loại bỏ điều này vì tất cả, nhưng rồi, tôi nhận ra có lẽ tôi sẽ không bao giờ khá hơn. Có lẽ nó thật sự giống như chứng dị ứng. Bất kể tôi học cách gì để tránh né những thứ làm tôi thấy tồi tệ, chúng vẫn là những thứ tồi tệ với tôi.
Mặc dù những cảm giác này vẫn còn làm tôi khó chịu, nhưng tôi đã không còn cảm thấy bế tắc khi chúng trở lại. Tôi đang thực hành. Tôi cảm thấy mình đạt được thành tựu mối khi tôi có thể vượt qua giai đoạn thiếu tự tin bằng lòng tự yêu (self-love) và sự chân thật.
Tôi không thể kiểm soát được những thứ ngoài tầm với và làm tôi mệt mỏi, nhưng tôi có thể là một cô ý tá tốt bụng, nhân hậu với chính mình. Và điều này mang lại cho tôi cảm giác của sự kiểm soát đối với tình hình đó.
Tôi không thể kiểm soát được những gì đã xảy ra. Và tôi dần nhận ra tôi cũng không thể kiểm soát được những tác nhân đang kích thích tôi. Nhưng tôi chính là người có thể kiểm soát được cách mình phản ứng lại với các tác nhân kích thích này. Và nếu kế hoạch phản ứng khác đi thất bại, tôi lại có thể kiểm soát được cách phản ứng đối với thất bại đó.
Dù cho hiếm hoi, thì vẫn luôn có chỗ trống cho sự lựa chọn. Và thay vì tập trung vào những thứ không thể làm, tôi chọn tập trung vào những thứ tôi có thể. Đó là một con đường gập ghềnh. Nếu bạn cũng đang ở giữa đoạn hành trình này, tôi hy vọng bạn sẽ giảm bớt việc chùn tâm trạng xuống và ghi công cho bản thân cho quãng đường đã đi được. Bạn đã làm hết sức có thể, điều đó có giá trị hơn bất cứ thứ gì.
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
Tự nhận thức (self-awareness) thực sự là gì và làm cách nào trau dồi?
Tự Nhận Thức (Self-Awareness) Giúp Chúng Ta Yêu Thương Người Khác Như Họ Vốn Là
5 Bài Học Về Nhận Thức Bản Thân (Self-Awareness) Và Chữa Lành
Self-Compassion - Hạnh Phúc Hơn Với Sự Tự Trắc Ẩn, Bằng: Self-kindness, Common Humanity& Mindfulness
Tự Tin Hay Tự Thương (Self-compassion) Sẽ Khiến Cuộc Sống Trở Nên Dễ Dàng Hơn?
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết
Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:
Bây giờ tôi có phải là tôi không?
Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?
Nếu có lúc nào đó bạn thấy mình KHÔNG-LÀ-AI-CẢ thì hãy nhìn vào những dấu vân tay trên đôi bàn tay mình, và cả những đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Nơi đây đã ghi dấu ấn rành rành, không thể chối cãi về bản sắc riêng biệt của bạn mà không bất cứ ai trên đời này sở hữu giống y chang bạn. Hãy tự tin giơ tay khẳng định “Tôi là chính tôi!”
Hãy đến cùng Compassion làm nên dấu ấn của riêng mình trong chương trình “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“
Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây:www.compassion.vn/booking).
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://tinybuddha.com/blog/the-wounds-of-rejection-heal-with-self-love-and-self-awareness/
Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Duyên Trương
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tạiwww.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Comments