top of page
Ảnh của tác giảCompassio

Chủ nghĩa hoàn hảo


Chủ nghĩa hoàn hảo không giống như việc phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Sự hoàn hảo không liên quan đến việc đạt được thành tựu và trưởng thành một cách "lành mạnh"- Brené Brown



Chủ nghĩa hoàn hảo hoặc cầu toàn thường được xem như một dấu hiệu tích cực giúp bạn tăng cơ hội đạt được những thành công, nhưng nó cũng có thể dẫn đến những tư tưởng tự chuốc lấy thất bại hoặc những hành vi khiến cho việc đạt được các mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Nó cũng có thể là nguyên nhân gây ra căng thẳng, lo âu, trầm cảm và những vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Với những người gắng sức đạt được sự hoàn hảo một cách tuyệt đối để thoát khỏi cảm giác thua kém hoặc thất bại, thì họ có thể tìm đến sự giúp đỡ của một nhà trị liệu; điều này thường giúp chúng ta kiểm soát được việc tự phê bình bản thân quá mức cần thiết.


Vậy chủ nghĩa hoàn hảo là gì?

Chủ nghĩa hoàn hảo thường được định nghĩa như là một nhu cầu bộc lộ ra bên ngoài sự hoàn hảo hoặc có vẻ như là hoàn hảo, hoặc thậm chí tin tưởng rằng chủ thể đó hoàn toàn có thể đạt được sự hoàn hảo. Nó thường được xem như là một dấu hiệu tích cực hơn là một thiếu sót. Mọi người có thể sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa cầu toàn lành mạnh” để mô tả hoặc biện minh cho hành vi cầu toàn hóa mọi thứ.

Brené Brown-một nhà văn và giáo sư nghiên cứu tại trường Đại học Công tác Xã hội Houston, đã phân biệt giữa chủ nghĩa hoàn hảo và hành vi lành mạnh như sau: “Chủ nghĩa hoàn hảo không giống như việc phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Sự hoàn hảo không liên quan đến việc đạt được thành tựu và trưởng thành một cách lành mạnh”. Cô giải thích rằng sự cầu toàn được nhiều người sử dụng như một lá chắn để bảo vệ mình chống lại nỗi đau do bị đổ lỗi, phán xét hoặc sự xấu hổ.


Các dấu hiệu cho thấy bạn có thể là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo:

Hầu hết mọi người luôn muốn mọi thứ về bản thân phải tốt nhất hoặc ít nhất là trong một vài mảng nhất định trong cuộc sống của họ. Đối với những người xem cầu toàn như một “công việc full-time”, sự hoàn hảo và chỉn chu đối với họ là không thể thiếu. Họ cũng có thể:

  • Không dám nhận một công việc nào đó trừ khi họ biết rằng mình có thể hoàn thành một cách hoàn hảo.

  • Xem thành quả cuối cùng là phần quan trọng nhất của bất kỳ sự nhiệm vụ nào. Do đó, họ có thể ít tập trung hơn vào quá trình học hỏi hoặc hoàn thành một công việc hết sức trong khả năng của họ.

  • Không xem một công việc là đã hoàn thành cho đến khi kết quả phải hoàn hảo như theo những tiêu chuẩn của riêng họ.

  • Trì hoãn. Những người cầu toàn có thể không muốn bắt đầu công việc cho đến khi họ chắc rằng có thể làm nó một cách hoàn hảo.

  • Tốn quá nhiều thời gian để hoàn thành một công việc mà đa số những người khác không mất nhiều thời gian như thế.



https://unsplash.com/photos/l3_9j916sh0

Ví dụ của hành vi cầu toàn

Hầu hết mọi người đều mong muốn đạt được thành công, nhưng làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu không phải lúc nào cũng biểu thị cho hành vi cầu toàn. Những người cầu toàn thường tin rằng những gì họ làm là vô nghĩa trừ khi nó hoàn hảo. Thay vì tự hào về sự tiến bộ, học hỏi hoặc nỗ lực của bản thân, họ có thể liên tục so sánh công việc của mình với người khác hoặc mặc định phải đạt được kết quả tốt nhất.

Và kể cả khi có được kết quả mong muốn, những người cầu toàn vẫn tìm ra lý do để không hài lòng. Họ cảm giác rằng nếu bản thân thực sự hoàn hảo, họ sẽ không phải làm việc quá sức để đạt được mục tiêu của mình.

Vài ví dụ cho sự cầu toàn bao gồm:

  • Dành 30 phút để viết đi viết lại một email 2 câu.

  • Tin rằng để mất 2 điểm trong một bài kiểm tra là dấu hiệu của sự thất bại.

  • Cảm thấy khó khăn để vui vẻ với người khác khi họ thành công.

  • Đặt ra những tiêu chuẩn theo thành tựu của người khác hoặc so sánh bản thân theo một cách bất lợi và phi thực tế với người khác.

  • Bỏ qua một lớp học nào đó hoặc tránh làm việc vặt vì sẽ là vô nghĩa khi phải nỗ lực, trừ khi sự hoàn hảo có thể đạt được.

  • Tập trung vào thành quả cuối cùng hơn là quá trình học hỏi.

  • Tránh chơi một trò chơi hoặc thử một hoạt động mới lạ nào với bạn bè vì sợ mọi người sẽ thấy mình không hoàn hảo.


Các loại Chủ nghĩa hoàn hảo

Một vài loại riêng biệt của chủ nghĩa hoàn hảo được cho là tồn tại. Trong khi các loại này bao gồm các hành vi tương tự nhau, thì động cơ và kết quả của chúng thường khác nhau.

  1. Tiêu chuẩn hoàn hảo cá nhân: Người quen với kiểu cầu toàn này có thể tuân thủ theo một bộ tiêu chuẩn thúc đẩy họ. Những người khác vẫn có thể coi các tiêu chuẩn này là cao, nhưng với người đặt ra các tiêu chuẩn này chúng lại là động lực với họ. Kiểu cầu toàn này được cho là lành mạnh, vì nó không dẫn đến căng thẳng quá mức hoặc kiệt sức. Những người có tiêu chuẩn hoàn hảo cá nhân có thể ít dùng các thói quen có hại để đối phó với căng thẳng do chủ nghĩa hoàn hảo mang lại. Chủ nghĩa cầu toàn này chỉ có thể áp dụng nếu mục tiêu của họ khiến bản thân cảm thấy tràn đầy năng lượng và không bị quá tải hay sụp đổ.

  2. Chủ nghĩa hoàn hảo tự phê bình: Kiểu người cầu toàn này dễ bị đe dọa bởi những mục tiêu họ đặt ra cho bản thân hơn là cảm thấy có động lực. Họ có thể thường xuyên cảm thấy vô vọng hoặc nghĩ rằng những mục tiêu đặt ra sẽ không bao giờ thành hiện thực. Nghiên cứu cho thấy chủ nghĩa hoàn hảo tự phê bình có nhiều khả năng dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như đau khổ, tránh né vấn đề, bất an và tự lên án bản thân.

  3. Chủ nghĩa hoàn hảo theo quy định xã hội: Được phác thảo trong một nghiên cứu của Đại học York 2014, loại cầu toàn này mô tả nhu cầu về sự xuất sắc thường được đặt lên những người có công việc đòi hỏi độ chính xác cao, như luật sư, chuyên gia y tế và kiến trúc sư. Những cá nhân trong các ngành nghề này phải trải qua nhiều suy nghĩ vô vọng, căng thẳng và nguy cơ tự làm đau bản thân và tự tử cao hơn bình thường. Chủ nghĩa hoàn hảo theo quy định xã hội cũng áp dụng cho những người sống theo những tiêu chuẩn văn hóa bác học và những người cố gắng đạt được các mục tiêu không thực tế này. Ví dụ, những học sinh phải chạy theo tiêu chuẩn học tập của cha mẹ đề ra, hoặc các thanh thiếu niên và người trưởng thành cảm thấy áp lực để đạt được tỷ lệ cơ thể được xem là "lý tưởng" có thể phát triển các đặc điểm của chủ nghĩa hoàn hảo theo quy định xã hội.




Lĩnh vực của Chủ nghĩa hoàn hảo

Sự cầu toàn có thể tác động đến nhiều mảng trong cuộc sống của một người, và những mảng này thường được gọi là các lĩnh vực. Đôi khi, sự cầu toàn chỉ ảnh hưởng đến một lĩnh vực, khi khác, nó lại ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Dưới đây là một số lĩnh vực mà sự cầu toàn ảnh hưởng trong cuộc sống:

  • Tại nơi làm việc hoặc trường học: Những người cầu toàn trong trường học hoặc tại nơi làm việc có thể mất nhiều thời gian hơn những người khác để hoàn thành một công việc. Họ cũng có thể tránh bắt đầu một công việc mà họ không cảm thấy tự tin. Điều này thường là do mong muốn hoàn thành công việc một cách hoàn hảo.

  • Trong các mối quan hệ thân thiết hoặc tình bạn: Sự cầu toàn có thể khiến họ đặt tiêu chuẩn phi thực tế của họ lên người thân, mang lại thêm căng thẳng và áp lực cho mối quan hệ.

  • Hoạt động thể chất: Thể thao và điền kinh thường khuyến khích hoặc làm trầm trọng sự cầu toàn. Trong các môn thể thao cá nhân, chẳng hạn như thể dục dụng cụ hoặc chạy đua, tính cầu toàn đặc biệt phổ biến, vì vận động viên thường muốn vượt lên giới hạn của chính mình.

  • Môi trường hoặc vùng xung quanh: Điều này có thể bao gồm nhu cầu về việc giữ cho ngôi nhà hoặc sân vườn luôn phải sạch sẽ. Nó có thể khiến một cá nhân dành một lượng lớn thời gian và công sức để giữ cho môi trường xung quanh họ ngay lập tức gọn gàng hoặc phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ của họ.

  • Sự sạch sẽ và sức khỏe: Trớ trêu thay, kiểu cầu toàn này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Chẳng hạn, một người có thể ngừng hẳn việc đánh răng vì họ đã có lần không đánh răng như đã hằng ngày vẫn làm. Kiểu cầu toàn này cũng có thể dẫn đến các rối loạn ăn uống như chán ăn về mặt tâm lý, vô hình chung buộc họ phải tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh cứng nhắc.

  • Cách một người nói hoặc viết: Khi một người cầu toàn về cách họ nói hoặc viết, chất lượng của lời nói hoặc văn phong của họ có thể giảm. Nó có thể khiến họ nói rất ít hoặc tránh viết vì sợ mắc lỗi.

  • Ngoại hình: Kiểu cầu toàn này có thể khiến ai đó lo lắng quá mức về cách chải chuốt cá nhân hoặc phong cách của họ. Họ có thể mất hàng giờ để chọn những gì để mặc hoặc làm thế nào để tạo kiểu tóc. Sự cầu toàn xung quanh ngoại hình cũng có thể dẫn đến rối loạn ăn uống hoặc nghiện tập thể dục theo một cách tiêu cực.


Nguyên nhân của chủ nghĩa hoàn hảo là gì?

Nhiều yếu tố có thể góp phần vào việc chủ nghĩa hoàn hảo phát triển. Một số bao gồm:

  • Thường xuyên sợ sự bất đồng quan điểm của người khác hoặc cảm giác không an toàn và chưa đủ tốt.

  • Các vấn đề sức khỏe tâm lý như bất an hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Trong khi mối tương quan giữa OCD và chủ nghĩa hoàn hảo là có tồn tại, nhưng không phải tất cả những người cầu toàn đều mắc OCD, và những người mắc OCD không phải đều là những người cầu toàn.

  • Có phụ huynh thể hiện hành vi cầu toàn hoặc thể hiện sự không tán thành khi những nỗ lực của con cái họ không đạt được sự hoàn hảo như họ muốn. Một số cha mẹ khuyến khích con mình cần phải đạt thành công trong mọi lĩnh vực hoặc ép đặt sự hoàn hảo lên chúng đến một mức độ có thể bị coi là lạm dụng.

  • Một sự gắn bó không an toàn từ sớm. Những người có một mối liên kết gặp nhiều vấn đề với cha mẹ khi họ còn trẻ có nhiều khả năng sẽ khó khăn trong việc khiến bản thân thoải mái khi trưởng thành. Họ có thể khó chấp nhận một kết quả tốt là tốt nếu nó không hoàn hảo.

  • Những người có lịch sử đạt nhiều thành tích cao đôi khi cảm thấy áp lực quá lớn để sống theo thành tích trước đó của bản thân. Điều này thường dẫn họ đến những hành vi cầu toàn quá mức. Trẻ em thường xuyên được khen ngợi về thành tích của chúng có thể cảm thấy áp lực để tiếp tục đạt được khi chúng lớn lên, điều này cũng có thể gây ra xu hướng hoàn hảo hóa sự việc.

Nếu bạn cảm thấy những đặc điểm của sự cầu toàn khiến bạn bức bối hàng ngày, hãy nhớ rằng hành vi và thói quen cầu toàn không bao giờ là mãi mãi. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi thái độ lành mạnh hơn về các mục tiêu và tiêu chuẩn của bản thân với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu đáng tin cậy đủ để thấu hiểu bạn cần gì.


Tài liệu tham khảo:

Flett, G. L., Heisel, M. J., & Hewitt, P. L. (2014). The destructiveness of perfectionism revisited: Implications for the assessment of suicide risk and the prevention of suicide. Review of General Psychology, 18(3), 156-172. doi: http://dx.doi.org/10.1037/gpr0000011

Hasse, A. M., Prapavessis, H., & Owens, R. G. (2013, June 24). Domain-specificity in perfectionism: Variations across domains of life. Personality and Individual Differences, 55(2013), 711-715. Retrieved from http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.719.5924&rep=rep1&type=pdf

Rettner, R. (2010, July 11). The dark side of perfectionism revealed. Retrieved from http://www.livescience.com/6724-dark-side-perfectionism-revealed.html

Scutti, S. (2014, September 26). Perfectionists, especially doctors, architects, and lawyers, are at higher risk of suicide. Retrieved from http://www.medicaldaily.com/perfectionists-especially-doctors-architects-and-lawyers-are-higher-risk-suicide-305256

Szymanski, J. (2011, October 3). Perfectionism: Healthy or hurtful? Retrieved from http://blogs.hbr.org/cs/2011/10/is_perfectionism_helping_or_hu.html

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thông tin bài đăng:

Người dịch: Linh Trần - Người review: Diệu Hiền

Nguồn bài gốc: https://www.goodtherapy.org/learn-about-therapy/issues/perfectionism

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing

Về Compassion: www.compassion.vn/about


Về sự kiện sắp tới của Compassion:

CROWD TALK "XUNG ĐỘT THẾ HỆ" 24/3/2019 - Xem chi tiết tại: https://www.compassion.vn/events-1/crowdtalk-xung-dot-the-he

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

SPONSORED CONTEN​T

MỜI TÀI TRỢ NỘI DUNG TRÊN COMPASSIO

bottom of page