Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn
Khi con người chào đời và khởi sinh một vòng cuộc sống thì điểm cuối cùng - cái chết cũng đồng thời hiện diện như là một cái kết hiển nhiên. Tuy nhiên, có những người muốn tự tay đẩy nhanh cuộc đời mình đi đến điểm cuối cùng này. Có thể đây là lúc người đó thấy rằng cô đơn, lạc lõng, bế tắc, áp lực xung quanh khiến mình chỉ còn vỏn vẹn đứng chật vật trong khe hẹp cuộc sống. Những áp lực xung quanh và bên trong càng dồn ép thì họ chỉ còn muốn tìm đường thoát lên trên 'thiên đường' bằng cách bỏ thân xác lại trần gian.
Cái chết là điều chắc chắn và hiển nhiên nên không xấu hay tốt. Dù mất mát, đau buồn với cái chết của ai đó là bình thường nhưng ta hãy khoan phán xét người có hành động tự sát là đúng hay sai. Nếu chúng ta có phát hiện sớm hoặc ngay lúc thấy họ tự tử thì hãy cho họ cơ hội ý thức về hành động đang làm và cảm nhận nhịp đập cuộc sống vẫn đang hiển hiện trong tim họ ngay bây giờ. Những con người có thể kết nối trái tim với những người đang có ý định tự sát chính là sợi dây nối kết họ với cuộc sống chân thực trên trái đất này.
Nếu một người nào đó mà bạn yêu thương mắc chứng trầm cảmg, rất có thể một lúc nào đó họ sẽ nghĩ đến việc tự tử. Mặc dù có các ước tính khác nhau, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ báo cáo rằng khoảng 2% những người đã từng điều trị ngoại trú cho bệnh trầm cảm chết do tự tử.
Nhưng trầm cảm không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất dẫn đến tự tử. Tự tử chiếm khoảng 1,5% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Các tình trạng tâm thần khác bao gồm rối loạn sử dụng chất kích thích, rối loạn lo âu và rối loạn tâm thần cũng có thể là các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử. Mặc dù có mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe tâm thần và tự tử, và nguy cơ này là nghiêm trọng, nhưng điều quan trọng cần nhớ là phần lớn những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần không cố gắng hoặc thực hiện việc tự sát. Trên thực tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Hoa Kỳ) báo cáo rằng 54% số người chết do tự tử không thấy có vấn đề sức khỏe tâm thần.
Theo Nguồn lực Phòng chống Tự tử, cách tốt nhất để ngăn chặn tự tử là đảm bảo rằng bạn biết các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo tự tử.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm cả những tình huống mà một người trải qua và cảm giác của chính người đó ở bên trong. Mặc dù có thể dễ dàng nhận ra các tình huống và thời điểm thường diễn ra tự sát, nhưng việc hiểu được cảm xúc bên trong của một người nào đó đòi hỏi cần tìm hiểu nhiều hơn một chút.
Các tình huống trong cuộc sống
Một số điều kiện và tình huống nhất định có liên quan đến việc tăng nguy cơ tự tử, bao gồm:
Cái chết hoặc bệnh nan y của người thân hoặc bạn bè
Ly hôn, ly thân hoặc tan vỡ một mối quan hệ
Giảm sút, mất sức khỏe (thực tế hoặc chỉ là tưởng tượng)
Mất việc làm, nhà cửa, tiền bạc, địa vị, lòng tự tôn hoặc an toàn cá nhân
Lạm dụng ma túy hoặc rượu
Trầm cảm
Ngoài ra, có một số thời điểm mà mọi người có thể dễ có cảm giác muốn tự sát, chẳng hạn như:
Ngày lễ và ngày kỷ niệm
Tuần đầu tiên sau khi xuất viện
Khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chống trầm cảm
Ngay trước và sau khi chẩn đoán một bệnh nặng (ví dụ, nguy cơ tự tử ở bệnh nhân ung thư cao nhất ngay sau khi chẩn đoán hơn là sau khi ung thư đã lan rộng hoặc tiến triển)
Ngay trước và trong quá trình bị xử lý kỷ luật
Những thay đổi về cảm xúc và hành vi
Về mặt cảm xúc, người muốn tự tử có thể đang cảm thấy:
Nỗi đau khôn cùng
Vô vọng
Bất lực
Vô giá trị, xấu hổ, tội lỗi hoặc căm ghét bản thân
Sợ mất kiểm soát và làm hại bản thân hoặc người khác
Về mặt hành vi, người đó có thể:
Xuất hiện buồn bã, thu mình, mệt mỏi, thờ ơ, lo âu, cáu kỉnh hoặc dễ nổi nóng
Không thể hiện tốt ở trường học, nơi làm việc hoặc các hoạt động khác
Trở nên bị cô lập về mặt xã hội hoặc hòa vào các bè nhóm không tốt
Giảm hứng thú với tình dục, bạn bè hoặc các hoạt động đã từng yêu thích
Thờ ơ với hạnh phúc bản thân hoặc không chú ý đến vẻ bề ngoài
Thay đổi thói quen ăn uống hoặc ngủ nghỉ
Các loại yếu tố nguy cơ tự tử
Có hai loại yếu tố nguy cơ tự tử khác nhau: yếu tố nguy cơ gần và yếu tố nguy cơ xa.
Các yếu tố nguy cơ gần là những dấu hiệu cho thấy rằng một nỗ lực tự sát có thể diễn ra, ví dụ như những ý nghĩ tự tử xuất hiện gần đây, cảm giác tuyệt vọng, các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống gần đây, có tiếp cận với súng ống và biết về người khác chết do tự sát.
Các yếu tố nguy cơ xa là các vấn đề hoặc sự kiện nền có thể làm tăng nguy cơ tự tử, chẳng hạn như có các vấn đề về tâm thần, tiền sử gia đình tự tử và tiền sử từng cố gắng tự sát trước đó.
Dấu hiệu cảnh báo
Các dấu hiệu cảnh báo tự tử bao gồm:
Trầm cảm
Nỗ lực tự sát trước đó
Có mối bận tâm với cái chết
Nói những câu như, "Bạn sẽ tốt hơn nếu như không có tôi" hoặc "Tôi ước gì tôi đã chết đi cho rồi"
Nói chuyện cởi mở về việc muốn tự sát
Xây dựng kế hoạch tự sát, có được các phương tiện để thực hiện, hành vi "diễn tập" hoặc sắp xếp thời gian cho nỗ lực đó
Lập di chúc hoặc cho đi tài sản yêu thích
Nói lời tạm biệt một cách không thích hợp, bất thường
Đưa ra những tuyên bố ám chỉ mơ hồ như, "Bạn sẽ không phải lo lắng về tôi nữa đâu", "Tôi ước mình có thể đi ngủ và không bao giờ thức dậy" hoặc "Tôi không thể chịu đựng được nữa"
Đột ngột chuyển từ trạng thái rất chán nản sang rất vui vẻ hoặc bình tĩnh mà không có lý do rõ ràng
Nếu bạn thấy dấu hiệu cảnh báo
Nếu bạn quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào ở người thân của mình, hãy khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nếu họ từ chối hoặc chưa sẵn sàng, hãy kiên trì. Nếu họ có vẻ có nguy cơ tự làm tổn thương bản thân ngay lập tức, đừng để họ một mình, hãy loại bỏ bất kỳ phương tiện nào mà họ có thể sử dụng để làm tổn thương mình và đưa họ đến phòng cấp cứu hoặc can thiệp tâm lý càng sớm càng tốt.
Kế hoạch dự phòng
Mặc dù không phải tất cả bệnh nhân trầm cảm, nhưng những người bị trầm cảm thường có ý định tự tử. Có thể bạn đang sống chung với chứng trầm cảm nhưng không cảm thấy muốn tự tử, nhưng một số người cảm thấy hữu ích khi lập kế hoạch dự phòng cho trường hợp họ có thể cảm thấy muốn tự tử trong tương lai.
Phòng ngừa tự tử
Nếu bạn không biết liệu mình có nên lo lắng cho người thân của mình và chưa sẵn sàng đưa họ đến phòng cấp cứu hoặc gọi đến đường dây nóng về tình trạng tự tử, thì đây là một số điều bạn có thể làm.
Luôn tỉnh táo, cảnh giác
Biết về các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo. Đặc biệt quan tâm nếu người thân của bạn có nhiều dấu hiệu cảnh báo tự tử.
Khuyến khích người thân bị trầm cảm tìm kiếm sự giúp đỡ. Giúp họ tìm các nguồn điều trị như bác sĩ, nhà trị liệu hoặc đường dây nóng về tự tử.
Giao tiếp
Đừng đánh giá thấp cảm xúc của người thân. Ngay cả khi một tình huống có vẻ dễ dàng khắc phục đối với bạn, điều đó không có nghĩa là người thân của bạn cũng nhìn nhận nó theo cách tương tự.
Hỏi người thân của bạn về ý định tự tử. Nhiều người sợ rằng việc nói về ý định tự tử sẽ làm tăng khả năng xảy ra. Điều đó chỉ đơn giản là không đúng.
Thể hiện sự hỗ trợ
Thể hiện tình yêu của bạn. Ngay cả khi bạn cảm thấy tình yêu phải thể hiện rõ ràng qua hành động của mình, thì nhiều người vẫn khao khát — và cảm thấy được chứng thực bằng — cách thể hiện tình yêu đó bằng lời nói.
Chia sẻ cảm xúc của bạn với người khác. Người thân của bạn có thể yêu cầu bạn giữ những gì họ chia sẻ với bạn cho riêng mình và không nói với bất kỳ ai. Nhưng khi có dấu hiệu cảnh báo tự tử, yêu cầu đó không chỉ là không công bằng đối với bạn, mà còn có thể vì lợi ích tốt nhất của họ khi cho người khác tham gia hỗ trợ nếu cần. Sử dụng khả năng phán đoán tốt nhất của bạn và coi sức khỏe và sự an toàn của người thân của bạn là ưu tiên hàng đầu.
Lưu ý về các dấu hiệu cảnh báo
Trong khi hầu hết những người cố gắng tự tử đều cho thấy một số dấu hiệu cảnh báo, thì cũng có những người, vì sự kỳ thị của xã hội hoặc mong muốn không tỏ ra yếu đuối, sẽ che giấu thành công những gì họ đang cảm thấy. Nếu bạn không nhận ra rằng người thân của bạn đang suy nghĩ đến việc tự tử, đừng tự trách bản thân. Hãy nhớ rằng bạn đã làm những gì tốt nhất có thể với thông tin bạn có.
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
Tự Tử Không Thèm Quan Tâm Bạn, Nhưng Không Có Nghĩa Là Bạn Không Xứng Đáng Đối Với Cuộc Sống Này
Bước Vào Bên Trong Tâm Trí Của Một Người Đang Phải Đối Mặt Với Trầm Cảm
Khi người thân yêu của bạn đang đau khổ: Làm thế nào để thực tâm giúp đỡ?
Cảm Xúc Tích Cực Và Tiêu Cực Là Gì? Liệu Chúng Ta Có Cần Cả Hai?
Làm Thế Nào Để Tạo Động Lực Cho Một Người, Bao Gồm Cả Bản Thân Mình? (Phần 1)
Trị Liệu Viết Biểu Đạt Là Gì? Phương Thức Trị Liệu Bằng Nghệ Thuật Để Vượt Qua Chấn Thương Tâm Lý
Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellmind.com/suicide-warning-signs-and-risk-factors-1067525
Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Trang ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Comentários