Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:
Chúng ta đã đọc bài viết về Bias - Phần 1: Thiên kiến là gì và thiên kiến trong tâm lý học nói chung. Hôm nay Compassion tiếp tục giới thiệu với các bạn phần 2 của bài viết để tìm hiểu thiên kiến nhận thức là gì. Hai thiên kiến nhận thức thường gặp là thiên kiến tiêu cực (negativity bias) và thiên kiến vị kỷ (self-serving bias). Tác giả đưa ra định nghĩa rõ ràng từng loại, lý giải nguyên nhân tại sao chúng ta hay mắc phải thiên kiến tiêu cực và chỉ ra tác hại cũng như tác dụng của thiên kiến vị kỷ.
Sau khi đã đọc bài về bias - thiên kiến, Compassion khuyến khích bạn nhận lấy một thách thức nho nhỏ là trong 10 ngày tiếp theo hãy tự ý thức nhiều hơn những thiên kiến có thể của bản thân và học cách nhìn nhận đa chiều hơn trong cách nhìn nhận vấn đề đó.
THIÊN KIẾN NHẬN THỨC LÀ GÌ?
Thiên kiến nhận thức là một kiểu suy nghĩ "xuyên tạc sự thật" theo một cách nào đó, mà hậu quả thường là gây "nhiễu" quá trình tư duy, phản hồi, và xét đoán để đưa ra quyết định của một người. Hai thiên kiến nhận thức thường gặp là thiên kiến tiêu cực (negativity bias) và thiên kiến vị kỷ (self-serving bias).
THIÊN KIẾN TIÊU CỰC
Thiên kiến tiêu cực là một loại thiên kiến nhận thức góp phần tác động vào việc bộ não có khuynh hướng chú ý và tập trung quanh các thông tin tiêu cực trong khi lại bỏ qua các thông tin tích cực.
Thiên kiến tiêu cực có thể tác động đến quyết định, cảm xúc, và thậm chí là khả năng tiếp nhận thông tin của một người. Một vài nghiên cứu đã cho thấy con người có thể bị các thông tin tiêu cực thu hút nhanh chóng và dễ dàng hơn. Vì thế, có nhiều khả năng người ta sẽ chú ý đến một cái xe bị hỏng trên cao tốc hơn là hình ảnh một người đang giúp sửa chiếc xe bị bể lốp bên vệ đường. Thiên kiến tiêu cực còn giúp lý giải vì sao người ta dễ bị những lời phê bình làm cho phiền não hơn là cảm thấy hài lòng vì những lời khen ngợi, và tại sao người ta lại có xu hướng bị ám ảnh bởi những biểu hiện thô lỗ hơn là đón nhận những cử chỉ tốt từ người khác.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định một cách chắc chắn lý do thiên kiến tiêu cực tồn tại. Mặc dù một số người cho rằng loại thiên kiến này là một cơ chế bẩm sinh, một số khác lại nhấn mạnh vào vai trò vượt trội của các chuẩn mực văn hóa so với các yếu tố khác, trong việc gia tăng xác suất mà con người chú ý vào các thông tin tiêu cực.
Một vài khả năng có thể lý giải cho việc tại sao con người lại có thiên kiến tiêu cực đó là:
Thông tin tiêu cực thường gây sốc và mới lạ hơn. Một vụ tai nạn xe nghiêm trọng sẽ có nhiều khả năng thu hút được sự chú ý hơn những chuyện như là có ai đó đang âm thầm giúp đỡ người khác chẳng hạn.
Việc tiếp thu thông tin tiêu cực – đặc biệt là kiểu thông tin về những viễn cảnh đầy đe dọa – là rất quan trọng đối với vấn đề sống còn, sức khỏe, và các tương tác xã hội của con người.
Người ta cũng có khuynh hướng sẵn sàng nhớ một thông tin tiêu cực hơn là thông tin tích cực. Vì vậy thiên kiến tiêu cực có thể là kết quả của quá trình ghi nhớ xảy ra vào thời điểm một người tiếp nhận thông tin, chứ không phải là kết quả của các chức năng nhận thức.
Thiên kiến tiêu cực có những ảnh hưởng rõ rệt và nổi trội đến sức khỏe tinh thần. "Rumination" - Thói quen trầm tư hay nghiền ngẫm dai dẳng những thông tin tiêu cực có thể làm tăng khả năng phát sinh trầm cảm ở một người. Những người không nhận thấy các kích thích tích cực hoặc những người hay nói về các sự cố tiêu cực một cách dễ dàng hơn những chuyện tích cực, thì có nhiều khả năng sẽ phải chống chọi với trầm cảm, không hạnh phúc và lo âu. Phần nào đó, sự thiên kiến tiêu cực ở một người có thể là sản phẩm của tính cách và của việc tái rèn luyện cách tư duy cẩn trọng; và những ai không có thiên kiến tiêu cực mạnh thì thường sẽ hạnh phúc hơn, linh hoạt hơn và được yêu mến hơn.
THIÊN KIẾN VỊ KỶ
Thiên kiến vị kỷ là một loại thiên kiến nhận thức khiến cho một người thấy các hành động của mình là tốt đẹp, hoặc diễn giải các sự việc theo một cách có lợi cho bản thân. Nó đặc biệt hay xuất hiện khi một người cho rằng các thành công họ có được là do năng lực của họ, trong khi mọi thất bại đều là do các yếu tố bên ngoài.
Một ví dụ đó là người ta nhận thấy có biểu hiện của thiên kiến vị kỷ ở một sinh viên nọ, khi người này cho rằng việc đạt điểm cao trong bài kiểm tra là do trí thông minh của anh ta, còn điểm thấp là do bài kiểm tra không công bằng, do anh ta bị ốm, hay do thiếu sự chuẩn bị. Khi làm thế, người ta có thể hưởng lợi từ những thành công của bản thân trong khi lại lẩn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho các thất bại.
Ở mức độ cao, thiên kiến vị kỷ có thể khiến một người gần như không có khả năng chịu trách nhiệm cho các hành động của họ. Và sự hiện diện liên tục của thiên kiến vị kỷ có thể là dấu hiệu của một kiểu rối loạn nhân cách như là chứng ái kỷ (narcissism).
Tuy nhiên, loại thiên kiến này cũng là một phần bình thường trong cách suy nghĩ của con người, và hầu hết mọi người đều một đôi lần có những biểu hiện của thiên kiến vị kỷ.
Thiên kiến vị kỷ cũng phục vụ cho một số các chức năng hữu ích, như là:
Bảo vệ lòng tự tôn và giúp con người duy trì ý thức về năng lực, sự độc lập và tính hiệu quả.
Cho phép người ta chấp nhận các rủi ro trong nghề nghiệp, giáo dục và trong tương tác giữa các cá nhân mà không cần phải chịu đựng toàn bộ sự vùi dập do thất bại.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã tìm cách giải đáp những khác biệt rõ ràng trong năng lực toán học giữa bé trai và bé gái. Trong khi các bé trai vượt trội trong hầu hết các năm học ở trường, các bé gái tham gia ít lớp về toán hơn và khó có thể tin rằng chúng giỏi toán. Người ta cho rằng nguyên nhân có thể là do có một sự đảo ngược của cách tư duy mang thiên kiến vị kỷ. Một vài nghiên cứu đã tìm ra rằng các bé gái có xu hướng gắn những thành công trong môn toán với việc học hành chăm chỉ và những thất bại ở môn này là do thiếu năng lực. Ngược lại, các bé trai có thể có thiên kiến và cho rằng thành công là nhờ trí tuệ còn thất bại là do các yếu tố bên ngoài. Và các bé trai cũng có xu hướng đánh giá thái quá năng lực toán học của bản thân. Ví dụ thực tiễn đời sống này về thiên kiến vị kỷ chứng minh cho việc làm thế nào mà thiên kiến có thể thật sự cải thiện được hiệu suất khi nó khuyến khích các bé trai theo đuổi các lớp toán đầy thử thách.
THỬ NGHIỆM LIÊN TƯỞNG NGẦM
Thử nghiệm liên tưởng ngầm (The Implicit Attitudes Test – viết tắt: IAT) nhắm đến việc tìm ra các quan điểm tiêu cực ẩn của xã hội đối với các nhóm thiểu số. Nó đã được dùng để đánh giá sự phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, kỳ thị đồng tính luyến ái, và các dạng thức khác của định kiến. Một trong những phiên bản phổ biến nhất là bài kiểm tra liên tưởng ngầm trắng - đen (Black-White race Implicit Attitudes Test). Bài kiểm tra cho những người tham gia xem lần lượt từng gương mặt và từng từ. Họ được yêu cầu phân loại gương mặt nào là trắng hoặc đen, và các từ nào mang nghĩa tốt hay nghĩa xấu bằng cách sử dụng ký tự “e” và “i” trên bàn phím. Ở một vài phân đoạn trong bài kiểm tra, những người tham gia được yêu cầu “nối” các từ và các khuôn mặt bằng cách tạo nhãn cho chúng với cùng một từ khóa. Nếu một người tỏ ra do dự khi nối gương mặt da đen với những từ mang nghĩa tốt hoặc nhanh chóng liên kết chúng với những từ mang nghĩa xấu, bài kiểm tra chỉ ra rằng người đó có thể có thiên kiến ngầm chống lại người da đen.
Tuy nhiên, một vài nhà phê bình của IAT nói rằng bài kiểm tra không có hiệu quả để đánh giá định kiến vì các kết quả không luôn luôn tương quan với thiên kiến công khai. Giữa năm 2009 và 2015, bốn phân tích tổng hợp độc lập đã cho thấy kết quả của thử nghiệm IAT là một dự báo yếu ớt về hành xử của một người. Một phân tích tổng hợp năm 2017 cho thấy mặc dù thiên kiến ngầm của một cá nhân có thể bị thay đổi, các điểm số biến động của IAT hiếm khi tương quan với sự thay đổi hành vi. Nói cách khác, các hành vi phân biệt đối xử có thể đòi hỏi nhiều tư duy có ý thức hơn so với các nhận định đã nêu ra trước đó.
Các bài viết khác cùng chủ đề 'Liên quan đến Bias":
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết
Là con người, ai cũng trải qua các giai đoạn phát triển thể chất, lý trí, cảm xúc, tinh thần.
Về tâm trí, bạn nghĩ khi nào thì tư duy bạn ngừng phát triển?
Tư duy con người ở bên trong hộp sọ hay bên ngoài hộp sọ?
Nếu bạn đã đụng trần kính vô hình của khung tư duy thì làm sao để giải phóng cho tư duy tự do phát triển?
Công cụ nào giúp bạn cởi trói tư duy và tạo thêm nhiều góc nhìn đa chiều mới?
Hãy cùng Compassion khám phá lại vùng đất tư duy của chính mình và phát triển hoa trái ngọt lành của tư duy bằng công cụ Points Of You với Workshop Growth Mindset - Kiến Tạo Tư Duy Phát Triển
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Nguồn bài dịch: https://www.goodtherapy.org/blog/psychpedia/bias
Người dịch: Trần Thị Ca Dao ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments