Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn
Mặc dù chiếm từ 15-20% dân số, nhưng những người nhạy cảm cao (Highly Sensitive Person – HSP) vẫn thường bị hiểu nhầm là kỳ lạ hay thái quá - hoặc chính bản thân họ cũng không hiểu được sự khác biệt này. Trên thực tế, HSP không phải là một chứng rối loạn hay một trạng thái, mà là một đặc điểm tính cách - họ đơn giản chỉ là người có hệ thống thần kinh nhạy cảm dễ bị ảnh hưởng từ những điều nhỏ nhất trong môi trường của họ. Khi chúng ta có nhận thức đúng về nhóm người này, chúng ta đã góp phần vào việc giúp họ hòa nhập tốt hơn và phát triển những khả năng tuyệt vời mà chỉ người nhạy cảm có thể.
Bên cạnh đó, việc hiểu rõ về HSP cũng giúp những người nhạy cảm cao có thể yêu thương tích cách của mình mà không lạm dụng hay dùng nó để bao biện cho các vấn đề của mình.
Bạn nghĩ gì về những người nhạy cảm cao? Liệu họ có thực sự là thủy tinh mong manh dễ vỡ? Hãy cùng Compassion tìm hiểu những quan niệm sai lầm phổ biến về họ nhé!
“Tôi từng không thích trở thành một người nhạy cảm. Bởi vì nghĩ rằng điều này khiến tôi trở nên yếu đuối. Nhưng nếu lấy đi đặc điểm duy nhất đó, bạn đã lấy đi bản chất con người tôi. Bạn lấy đi lương tâm của tôi, khả năng đồng cảm, trực giác, óc sáng tạo của tôi, sự đánh giá sâu sắc của tôi về những điều nhỏ nhặt, đời sống nội tâm sống động, nhận thức sâu sắc của tôi về nỗi đau và niềm đam mê của tôi đối với tất cả. ” - Caitlin Jap
Không ngạc nhiên, với sự nhạy cảm của mình, tôi đã phải vật lộn để hòa nhập khi trưởng thành trong những năm 1970 ồn ào và sôi động, một thập kỷ không được biết đến với sự tinh tế.
Tôi rất nhạy cảm và không ngừng bị trêu chọc vì đã khóc hoặc phản ứng quá mức với mọi thứ. Nếu tôi không hiểu điều gì đó mà giáo viên đang cố gắng nói với tôi, tôi sẽ bắt đầu khóc. Nếu bạn bè không muốn chơi với tôi, tôi sẽ khóc nhiều hơn. Tôi sẽ bị ám ảnh bởi từng điều dù nhỏ bé mà bất cứ ai nói với tôi. Không ngạc nhiên khi tôi là một đứa trẻ cô đơn và không có bạn bè như mọi người, họ chắc hẳn phải cảm thấy như đang đi trên lớp vỏ trứng mong manh, có thể vỡ bất cứ lúc nào khi ở cạnh tôi.
Tôi luôn lo lắng ôm chặt chiếc khay nhựa màu xanh của mình trong giờ ăn trưa ở trường và trăn trở về việc liệu có ai sẽ ngồi cùng với tôi hay không. Họ hiếm khi làm vậy.
Và tất nhiên, các buổi thể dục là một sự tra tấn khác vì các trưởng nhóm đã chọn tất cả mọi người trừ tôi vào nhóm của họ. Tôi không trách họ. Tôi không có bản lĩnh cạnh tranh và sự tự tin cần thiết để giành chiến thắng. Các buổi học của tôi chủ yếu dành để ngồi trên bàn một mình, và thời gian nghỉ giải lao phần lớn được dành để trốn tránh những người bạn đầy năng lượng của tôi.
Tôi đã sống cuộc đời qua lăng kính của trái tim mình. Tôi không thể tách mình khỏi bất kỳ ai hay bất cứ thứ gì. Thiếu khả năng thiết lập ranh giới, tôi không biết đâu là nơi mình đã dừng lại và đâu là nơi những người khác bắt đầu.
Câu chuyện về việc không hòa nhập này tiếp tục diễn ra trong cuộc sống trưởng thành của tôi. Giá như tôi hiểu sớm hơn rằng tôi cần ngừng cố gắng để hòa hợp với những người khác. Tôi cần phải tự giáo dục bản thân về ý nghĩa thực sự của một tâm hồn nhạy cảm - một người để ý mọi thứ, phản ánh sâu sắc, và quan tâm đến người khác cũng như cảm giác của họ.
Hãy đào đủ sâu và tìm hiểu thật nhiều để thấy rằng sự nhạy cảm, cách bạn cảm nhận cuộc sống là một thế mạnh. Hiểu rằng sự đồng cảm và trực giác của bạn có sức mạnh chữa lành và chuyển hóa, đồng thời cũng là nguồn kết nối và sáng tạo.
Nếu bạn cho rằng nhạy cảm đồng nghĩa với việc trở thành một đứa trẻ nhút nhát "mít ướt", bạn thực sự đã hiểu sai (mặc dù, đúng vậy, có nhiều người nhạy cảm khóc rất nhiều). Đó chỉ là một trong số những quan niệm sai lầm phổ biến và gây khó chịu về người nhạy cảm cao (Highly Sensitive Person – HSPs):
1. Những người nhạy cảm đều là những người nhút nhát và sống nội tâm.
Cũng có những người hướng ngoại nhạy cảm — khoảng 30% những người nhạy cảm là những người hướng ngoại. Những người nhạy cảm có xu hướng cần thời gian ở một mình để nạp năng lượng sau khi ở trong môi trường quá sôi nổi. Giống như những người hướng nội, nhưng họ vẫn có thể nhận được năng lượng từ những người xung quanh. Điều đó có nghĩa là họ cần tìm sự cân bằng phù hợp giữa thời gian xã hội và thời gian nghỉ ngơi để họ cảm thấy được kết nối nhưng không bị kiệt sức.
2. Sự nhạy cảm là những ‘bông tuyết’ mỏng manh, vô dụng
Nhiều đặc điểm xác định của những người nhạy cảm, chẳng hạn như sự đồng cảm, niềm đam mê và sự sáng tạo, khiến họ trở thành những nhà lãnh đạo kinh doanh hoặc người có sức ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới, chẳng hạn như Walt Disney, Jacinda Arden, John Lennon và Công nương Diana.
3. Những người nhạy cảm là những người dễ bị đánh gục và không có niềm tin vững chắc về bản thân.
Sự đồng cảm là đặc điểm xác định của sự nhạy cảm, nhưng nó không có nghĩa là tán thành quan điểm của người khác; thay vào đó nó chỉ đơn giản là tôn trọng và lắng nghe quan điểm đó. Bạn có thể xác thực, tôn trọng quan điểm của ai đó và vẫn chọn sống theo nguyên tắc của riêng mình.
4. Nhạy cảm là vấn đề của phụ nữ.
Có đến 50 phần trăm người nhạy cảm là nam giới. Con trai và đàn ông thường được dạy phải kìm nén cảm xúc của mình để tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ và nam tính, nhưng điều này thường gây ra trầm cảm, lo âu và lòng tự tôn thấp - bởi vì không ai được lựa chọn mình có nhạy cảm hay không. Họ cảm thấy xấu hổ vì sự nhạy cảm của mình nhưng cần hiểu rằng đàn ông thực sự cũng khóc.
5. Những người đồng tính nam dễ nhạy cảm.
Đây là một định kiến xã hội cho rằng người đồng tính nam thì nữ tính hơn và như đã nói ở trên, nhạy cảm không phải là vấn đề giới tính.
6. Những người nhạy cảm cao dễ trầm cảm và lo âu.
Nhạy cảm đúng là có thể tăng nguy cơ lo âu, nhưng trầm cảm là một tình trạng bệnh lý cần được điều trị và nhiều yếu tố góp phần vào khả năng gặp phải. Thiếu sự tự nhận thức và chấp nhận bản thân, cho dù một người có nhạy cảm hay không, cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
7. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa nhạy cảm quá mức và chứng tự kỷ.
Những người mắc chứng tự kỷ cũng có thể có các vấn đề về giác quan, chẳng hạn như thấy mọi thứ quá sáng hoặc quá ồn ào, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả những người có vấn đề về giác quan đều mắc chứng tự kỷ. Có sự khác biệt lớn giữa độ nhạy cảm cao và chứng tự kỷ, nhưng chủ yếu tự kỷ đi kèm với 'thiếu hụt xã hội' (ít phản ứng hơn trong các vùng não liên quan đến sự đồng cảm) còn nhạy cảm cao thì không.
8. Những người nhạy cảm quá yếu đuối và thiếu tự tin để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả, phản đối những kẻ tự ái, hoặc thành công trong một thế giới khắc nghiệt và nhiều chỉ trích.
Không phải vậy. Một khi họ được trang bị sự tự nhận thức về bản thân và các công cụ và kỹ thuật để biến sự dịu dàng của họ thành sức mạnh, những người nhạy cảm là một lực lượng bất bại.
9. Tất cả những người thấu cảm đều nhạy cảm.
Những người nhạy cảm là những người thấu cảm vì họ cảm nhận được những gì người khác cảm nhận. Nhưng không phải tất cả những người thấu cảm đều nhạy cảm, tức là họ tiếp nhận cảm xúc nhưng không tiếp nhận tất cả các kích thích khác từ môi trường như người nhạy cảm thường làm.
10. Người nhạy cảm cần phải ‘cứng rắn lên’.
Họ không thể, bởi vì nhạy cảm là con người họ. Họ được sinh ra như vậy.
Tôi đã từng hoàn toàn tin vào tất cả những liên tưởng tiêu cực này, đặc biệt là quan niệm rằng một người nhạy cảm cần phải 'cứng rắn hơn'. Đơn giản là họ không thể. Nó giống như nói với ai đó có chiều cao khác thường rằng họ nên thấp hơn. Cũng như cao không phải là khuyết điểm, nhạy cảm cũng không phải là khuyết điểm. Nó không phải là một căn bệnh, hay một sự lựa chọn của một người. Đó là cách họ được sinh ra.
Theo các chuyên gia, đó là một đặc điểm bẩm sinh với nghiên cứu chỉ ra rằng ít nhất ba bộ gen có thể góp phần vào nó. Một số người nhạy cảm cao có thể mang tất cả hoặc một số gen ‘nhạy cảm’ này, và về bản chất, cả ba đều tác động đến não và hệ thần kinh theo một cách nào đó.
Những người nhạy cảm được sinh ra để trở nên dịu dàng và trải nghiệm cuộc sống với tinh thần cảnh giác cao độ qua lăng kính cảm xúc và giác quan của họ. Họ không tốt hơn hoặc kém hơn bất kỳ ai khác, chỉ là họ khác biệt.
Mặc dù họ có thể có những đặc điểm chung nhưng không phải tất cả đều giống nhau. Mỗi người nhạy cảm là độc nhất, cũng như những người cao hơn mức trung bình là độc nhất.
Thật vậy, thực tế là việc mã hóa di truyền cho sự nhạy cảm tiếp tục tồn tại qua chọn lọc tự nhiên cho thấy rằng vì những lý do tiến hóa, vì sự tồn tại của loài người, việc một số người có thể nhìn, cảm thấy và cảm nhận được những điều mà những người khác không thể. Điều này mang lại một lợi thế tiến hóa và tồn tại, và sẽ tiếp tục tồn tại, bởi vì nó là một lực lượng thực sự thúc đẩy nhân loại hướng tới sự kết nối lớn hơn.
Đồng cảm, trực giác, sáng tạo, dịu dàng và lòng trắc ẩn là những đặc điểm tính cách hợp nhất chứ không chia rẽ, và tất cả chúng đều là những đặc điểm xác định của một cá nhân nhạy cảm cao.
Tóm lại, tất cả chúng ta đều được sinh ra với một mã di truyền độc nhất. Chìa khóa để có một cuộc sống viên mãn không phải là đè nén, phủ nhận hay cố gắng che giấu sự độc đáo mà là tận dụng tối đa những gì cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta. Nếu bạn là người nhạy cảm, điều cần thiết là bạn phải hiểu đây không phải là điểm yếu. Đúng hơn, nó là một sức mạnh, và một món quà có khả năng chữa lành cho cả bản thân bạn và loài người.
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
“Vì sao tôi lại quá nhạy cảm” - Hãy thấu hiểu nhưng đừng bao biện cho sự nhạy cảm của mình
Làm sao để người nhạy cảm cao (HSP) cảm thấy đủ đầy trong một mối quan hệ?
Healthy Boundaries - Độc Lập Về Cảm Xúc, Ngừng Đồng Phụ Thuộc & Thiết Lập Ranh Giới Lành Mạnh
Thiết Lập Ranh Giới Cảm Xúc(Emotional Boundaries): Ngưng Chịu Trách Nhiệm Cho Cảm Xúc Của Người Khác
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết
Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:
Bây giờ tôi có phải là tôi không?
Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?
Nếu có lúc nào đó bạn thấy mình KHÔNG-LÀ-AI-CẢ thì hãy nhìn vào những dấu vân tay trên đôi bàn tay mình, và cả những đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Nơi đây đã ghi dấu ấn rành rành, không thể chối cãi về bản sắc riêng biệt của bạn mà không bất cứ ai trên đời này sở hữu giống y chang bạn. Hãy tự tin giơ tay khẳng định “Tôi là chính tôi!”
Hãy đến cùng Compassion làm nên dấu ấn của riêng mình trong chương trình “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“
Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch: https://tinybuddha.com/blog/the-11-most-common-myths-about-highly-sensitive-people/
Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Trang ; Người biên tập: Duyên Trương
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tạiwww.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Comments